Thông cáo báo chí

Giới thiệu mô hình Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài

19 tháng 6 2018

  • Đồng Tháp, Việt Nam, 19/6/2018 - Hội thảo do Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực cung ứng rau quả thông qua áp dụng công nghệ phù hợp trong chuỗi giá trị", là một hợp phần của Chương trình Chung của Liên Hợp Quốc Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển nông thôn mới.

Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích khoảng 43.000 ha, tổng sản lượng đạt 500.000 tấn/năm và là một trong những nguồn thu chính của một bộ phận người làm kinh tế vườn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long; Cat Hoa Loc và Cat Chu là 2 loại có chất lượng cao và được ưa chuộng bởi một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn còn tương đối cao lên tới 27%.

Tham dự hội thảo có khoảng 120 đại diện đến từ 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã, hội quán, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, và các chuyên gia quốc tế.

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long với tổng diện tích 9.200 ha, sản lượng đạt 95.000 tấn. Đây là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế ông Peter Johnson và ông Peter Delinicolas đưa ra những phân tích nguyên nhân tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch của ngành xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia cũng chia sẻ thông tin về thị trường xoài thế giới, cơ hội cho Việt Nam và những khuyến nghị tư vấn để xây dựng một hệ thống xuất khẩu xoài hiện đại.

Ông Karl Schebesta, Giám đốc dự án của UNIDO đã giới thiệu cách tiếp cận thông qua mô hình Trung tâm tiên tiến để nâng cao chuỗi giá trị xoài. Ông cho biết "Trung tâm tiên tiến là mô hình ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao thu nhập cho các hộ dân và cài thiện cấu trúc tổ chức quản lý sản xuất ở khu vực nông thôn"

Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đã được xây dựng tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp như là một mô hình để nhân rộng.

Với sự hỗ trợ của dự án thông qua Trung tâm tiên tiến, công ty Kim Nhung đã cải thiện chất lượng xoài, nâng cao năng lực của mình từ 15-20 tấn/ngày lên 30-40 tấn/ngày, vào thời gian cao điểm lên tới 50-60 tấn/ngày. Tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm từ 30% xuống còn 15%.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh văn phòng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nông thôn Mới đánh giá rất cao về cách tiếp cận thông qua mô hình Trung tâm tiên tiến. Theo ông, điều này chức tỏ việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch trong chuỗi giá trị sẽ là một giải pháp để phát triển ngành công nghiệp nông sản. Ông tin tưởng rằng Mô hình này có thể nhân rộng cho các chuỗi giá trị nông sản khác và các địa phương khác.

Cũng tại Hội thảo này, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã ký kết bàn giao Mô hình Trung tâm tiên tiến với Công ty Kim Nhung.

Liên hệ

  •  Bà Hoàng Mai Vân Anh, Cán bộ chương trình, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc | Email: v.hoang-mai@unido.org

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này