Thông cáo báo chí

Tọa đàm về bình đẳng giới Chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”

03 tháng 3 2017

  • HÀ NỘI, ngày 3 tháng 3 năm 2017 – Nhân kỉ niệm ngày quốc tế phụ nữ, hôm nay, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tọa đàm chính sách về Bình đẳng giới với chủ đề: "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm" tại Hà Nội. Tọa đàm được tổ chức với sự tham gia của gần 100 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ của các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, các nhà tài trợ và các cơ quan báo chí. Chủ đề "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nỗ lực và đầu tư vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về việc làm, đây cũng chính là chủ đề toàn cầu được LHQ và các thành viên quốc gia lựa chọn cho năm 2017.

Trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật và quan trọng trong phát triển nền kinh kế. Việt Nam là một nền kinh tế năng động với sự tham gia của 73% nữ giới trong khi tỉ lệ phụ nữ tham gia vào nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á là khoảng 65.5%. Với sự phát triển của các ngành kinh tế xuất khấu, tỉ lệ lao động nữ trong khu công nghiệp sản xuất tăng hơn nhiều so với lao động nam và tỉ lệ phụ nữ lao động có lương và tham gia bảo hiểm xã hội cao hơn nam giới là nhóm chiếm phần đông trong khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong thị trường lao động vẫn còn phổ biến và hạn chế việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam. Các chuẩn mực xã hội như việc phụ nữ được mong đợi làm các công việc nhà và chăm sóc con cái, phải đảm bảo cân bằng việc nhà và việc xã hội đã là những khó khăn của phụ nữ khi nắm bắt các cơ hội việc làm vền vững. Tỉ lệ thấp sự đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định trong cả khu vực công và tư, các rào cản về mặt chính sách như việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội trong khu vực kinh tế phi chính thức nơi phần đông lao động là nữ giới. Do đó, trao quyền kinh tế cho phụ nữ đòi hỏi việc xóa bỏ những rào cản này, bao gồm phân biệt đối xử trong luật pháp và thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và kết quả của sự phát triển kinh tế.

Tọa đàm được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội/Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự đã trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm, hướng đến thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 (SDGs) về trao quyền kinh tế, việc làm bền vững và bình đẳng giới.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương Lĩnh Hành Động Bắc Kinh, Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Chương trình nghị sự về Các mục tiêu Phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lại mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, điều này không thể đạt được nếu chúng ta không xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ".

Tại tọa đàm, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã chia sẻ thực trạng việc thực hiện các chính sách về lao động việc làm và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh hiện nay, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương. Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã trình bày và phân tích các xu hướng và những vấn đề chính về trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm, và đưa ra những khuyến nghị nhằm đưa bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ vào trọng tâm của việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế quốc gia. Trong phiên thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị về thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện luật pháp chính sách tại Việt Nam.

Kết thúc tọa đàm, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên hiệp quốc đã cam kết sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ để cùng hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan tại Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế phụ nữ tại Việt Nam. Hai bên cũng đề nghị với các đại diện các bên tham gia Tọa đàm hướng tới mục tiêu là không bỏ phụ nữ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Thông tin liên quan:

hoang bich thao

Hoàng Bích Thảo

UN Women
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này