Thông cáo báo chí

Hướng tới phát triển bền vững ngành trái cây của Việt Nam

15 tháng 9 2020

  • Hơn 45 chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã tham gia thảo luận các điều kiện kỹ thuật và hạ tầng cơ sở cơ bản cũng như các chính sách và quy chế cần thiết để giúp Việt nam xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành trái cây nói chung và ngành  xoài nói riêng.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp  với Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  tổ chức hội thảo trực tuyến cấp chuyên gia, với tiêu đề “Hướng tới phát triển ngành trái cây của Việt Nam” hôm 8 tháng 9 năm 2020. Mục đích của hội thảo là nhằm đạt được sự thống nhất về cơ hội phát triển và những chuyển đổi cần thiết cho ngành xoài và trái cây của Việt Nam đồng thời xác định những điều kiện cơ bản để đạt được mục tiêu chuyển đổi đó.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia cao cấp đến từ các cơ quan chính phủ có liên quan, đại diện các doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức tài chính và các đối tác phát triển và các chuyên gia quốc tế từ các nước trên thế giới

Chia sẻ với hội thảo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Tại khu vực Đông nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 trong số 5 nước xuất khẩu trái cây chính , đứng sau Philippines và Thái Lan. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ đô-la Mỹ , tăng 46% so với năm 2016. Kế hoạch của Chính phủ là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành  1 trong 5 nước xuất trái cây hàng đầu thế giới vào năm 2030. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý giá của các chuyên gia tại hội thảo này.”

Hội thảo nhóm chuyên gia được tổ chức trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc  Chương trình toàn cầu về Chất lượng và Tiêu chuẩn do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO)

Phát biểu tại hội thảo, ông Jonas Grunder, Phó Trưởng phòng Hợp tác phát triển của Đại Sứ Quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thách thức cơ bản mà các công ty xuất khẩu  trái cây của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể xuất  đến các thị trường quốc tế là phải tuân thủ các quy định , quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của thị trường. Với việc tài trợ cho dự án này, SECO tin tưởng rằng dự án sẽ là một mô hình để phục vụ xây dựng   chính sách và  hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng cho toàn ngành nông nghiệp.”

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia của văn phòng UNIDO tại Việt Nam khẳng định: “Một trong những lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật  của UNIDO là  thúc đẩy cơ hội kinh doanh bền vững và bao trùm thông qua phát triển ngành nông nghiệp và chuỗi giá trị nông nghiệp. Hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua tăng cường kết nỗi giữa các khâu sản xuất, chế biến và thị trường cho ngành nông nghiệp. UNIDO hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh của các nước đang phát triển, và giúp doanh nghiệp của các nước này đáp ứng các yêu cầu  của thị trường quốc tế, bao gồm cả các vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn liên quan đến xã hội và môi trường cũng như thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm.”

 Nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục đóng vai trò là một diễn đàn kết nối các bên có liên quan để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển ngành trái cây của Việt Nam trong tương lai.

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này