Press Release

Công bố báo cáo thúc đẩy bình đẳng giới trong chính sách và hành động về biến đổi khí hậu trong bối cảnh COVID-19

29 April 2021

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 2021 – Hôm nay, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố báo cáo “Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia.

Như đã đề cập trong báo cáo, tháng 9 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đệ trình Bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong đó cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho đến năm 2030.

Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào bản cập nhật NDC. Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong NDC của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hành động thực tế hơn nữa” Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cho biết.

Báo cáo mới này cung cấp các phân tích giới về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải và năng lượng mà quốc gia ưu tiên. Nhiều chính sách khác nhau cũng được xem xét để xác định những cơ chế nào hiện đang tồn tại để tạo điều kiện cho việc lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và thực hiện chương trình.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết “Giới và biến đổi khí hậu (BĐKH) là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Báo cáo này có mục đích cung cấp điểm khởi đầu để thúc lồng ghép giới trong chính sách khí hậu ở Việt Nam và góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG 5- Bình đẳng giới và SGD 13- Biến đổi khí hậu. Hiện nay Việt Nam đang cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH vì vậy những kết quả trình bày trong báo cáo nghiên cứu này sẽ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi đề cập bình đẳng giới trong chiến lược”

Một trong những phát hiện chính của báo cáo là nam giới và phụ nữ có năng lực khác nhau trong tư cách là người sử dụng tài nguyên và đóng góp vào việc thực hiện các chính sách về khí hậu. Báo cáo lưu ý rằng:

  • Trong ngành nông nghiệp, sự phân công lao động theo giới trong ngành và các trách nhiệm khác do phụ nữ đảm nhận do các chuẩn mực giới đã ngăn cản họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài hộ gia đình;
  • Trong ngành quản lý nước, nhiều chính sách quốc gia coi phụ nữ là một trong những nhóm dễ bị tác động và phần lớn vẫn coi phụ nữ là người thụ hưởng nên các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những nhân tố tiềm năng của sự thay đổi để bảo tồn tài nguyên nước;
  • Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ, những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức; và
  • Trong ngành năng lượng, hầu hết các công việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và kỹ thuật được coi là chỉ phù hợp với nam giới theo truyền thống, do đó sự đóng góp của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể.

Được khởi xướng trong khuôn khổ dự án EmPower do UN Women và UNEP cùng thực hiện và được hỗ trợ bởi chính phủ Thụy Điển, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể theo từng nhóm ngành nghề để có thể cung cấp các chính sách nhằm tăng cường lồng ghép giới trong việc thực hiện NDC và cập nhật Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, bà Anne Måwe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ: “Thụy Điển được biết đến là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và phát triển của chúng tôi. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên đưa ra Chính sách Đối ngoại Nữ quyền vào năm 2014. Chính sách này thể hiện sự thay đổi theo hướng tiếp cận có hệ thống hơn để giải quyết bất bình đẳng và tập trung vào việc nâng cao quyền, đại diện và nguồn lực của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu. Khi bình đẳng giới tăng lên thì nghèo đói sẽ giảm đi”

Chúng tôi hy vọng rằng những phát hiện chính của báo cáo này và các khuyến nghị cho các ngành nghề chính sẽ hữu ích cho các đối tác Chính phủ để đảm bảo việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có đáp ứng giới, đảo bảo nguyên tắc bao trùm và dựa trên quyền để chúng ta có thể cùng xây dựng một tương lai thực sự bền vững cho thế hệ này và các thế hệ mai sau”, Mozaharul Alam, Điều phối viên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Biến đổi khí hậu của UNEP cho biết.

-Hết-

Liên hệ báo chí

Hoàng Bích Thảo

Cán bộ truyền thông UN Women Việt Nam

Email: hoang.thao@unwomen.org

UN entities involved in this initiative

UN Women
United Nations Entity for Gender Equality and the Empowerment of Women

Goals we are supporting through this initiative