Nghiên cứu Khu vực ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh
Việc thông qua Tuyên bố chung về Thúc đẩy Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 năm 2017 là dấu mốc ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như trong phục hồi của khu vực.
Điều này đã được nhắc lại tại Hội nghị Khoa học đầu tiên của ASEAN về thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) ở ASEAN vào tháng 8 năm 2019 và sau đó là Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Tăng cường vai trò của phụ nữ vì Hòa bình và An ninh bền vững được tổ chức vào tháng 9 năm 2020. Khu vực ASEAN đã thể hiện cam kết ở mức độ cao để tích hợp các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các chính sách và cũng như khuôn khổ hoạt động cấp khu vực trong cả ba trụ cột cộng đồng ASEAN đó là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Nghiên cứu Khu vực ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) là ấn phẩm cấp khu vực đầu tiên xem xét đến việc xây dựng và và thực hiện chương trình nghị sự WPS trong khu vực ASEAN. Nghiên cứu hướng tới việc tổng hợp các cách làm hay và bài học kinh nghiệm về WPS, bao gồm cả các khuyến nghị xuất phát từ kinh nghiệm và bối cảnh thực tiễn của ASEAN để mở đường cho những hoạt động tiếp theo. Nghiên cứu cung cấp một nền tảng vững chắc để tăng cường hiểu biết chung về WPS cũng như sự định hình về việc chương trình nghị sự này đã được địa phương hóa như thế nào ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương trong khu vực ASEAN.
Ấn phẩm là sản phẩm của sự hợp tác giữa Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) và Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) và được hỗ trợ bởi Ban Thư ký ASEAN, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID về Tối ưu hóa Khu vực trong Cộng đồng Chính trị-An ninh và Văn hóa Xã hội (PROSPECT), và Tổ chức Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women).