UNODC mở rộng hợp tác với các học viện thực thi pháp luật khu vực Đông Nam Á nhằm giảm thiểu tác động lâu dài của COVID-19
Bất chấp COVID19, Cơ Quan Phòng, Chống Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc triển khai chiến lược mới hỗ trợ đào tạo cán bộ thực thi pháp luật ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục làm xáo trộn đời sống kinh tế và xã hội, Cơ Quan Phòng, Chống Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã triển khai các chiến lược và cách thức hoạt động mới trong công tác hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật ở khu vực Đông Nam Á. Trước đại dịch, các chuyên gia và giảng viên quốc tế của UNODC thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia để tổ chức các khóa tập huấn, điều phối hoạt động diễn tập và thực hành. Tuy nhiên, do COVID-19, Chính phủ các quốc gia trong khu vực đã phải siết chặt các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế tụ họp trực tiếp đông người. Trước bối cảnh đó, UNODC đã nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới để tiếp cận và hỗ trợ các đối tác.
Thông qua những thỏa thuận đạt được với các cơ sở đào tạo thực thi pháp luật của các quốc gia, chương trình Quản lý biên giới của UNODC đã hỗ trợ thiết lập nhiều trung tâm đào tạo hiện đại nhằm triển khai hoạt động đào tạo phát triển chuyên môn và thường xuyên tổ chức các khóa học nâng cao về phòng chống mua bán trái phép và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Quan hệ hợp tác này đã mang lại cho UNODC và các đối tác một mô hình đào tạo bền vững, hiệu quả, đầu tư vào đội ngũ chuyên gia giảng dạy trong nước và tạo ra một môi trường học tập được trang bị tốt cho các cán bộ tuyến đầu.
Trọng tâm của mô hình hợp tác là hoạt động phát triển năng lực chuyên môn cho chính bản thân các giảng viên. Trong khuôn khổ thỏa thuận với học viện, UNODC tổ chức một khóa đào tạo bồi dưỡng giảng viên nguồn dựa trên các chuyên đề giảng dạy về kỹ thuật điều tra chuyên sâu do UNODC xây dựng. Các chuyên đề này nằm trong 'chương trình giảng dạy cốt lõi' – đã xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Myanmar, tiếng Khmer, tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Việt - được xây dựng bám sát các nhiệm vụ và kỹ năng cơ bản dành cho từng nhóm đối tượng là các cán bộ mới tuyển dụng, cấp trung hoặc cấp cao. Nội dung chuyên đề bao quát một loạt chủ đề liên quan đến điều tra các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và mua bán bất hợp pháp qua biên giới. Sau khi hoàn thành các khóa ‘đào tạo giảng viên nguồn’, giảng viên sẽ tự mình triển khai giảng dạy, đảm bảo truyền đạt hiệu quả thông tin và kỹ năng quan trọng đến với học viên là cán bộ ở nhiều cấp bậc khác nhau phục vụ trong các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.
Bà Valentina Pancieri, Điều phối viên khu vực của UNODC về Chương trình Quản lý Biên giới cho biết: “Quan hệ đối tác của chúng tôi với các học viện góp phần xây dựng nền tảng bền vững nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên hoạt động hiệu quả hơn”. "Phương thức truyền đạt kiến thức và kỹ năng này cho phép chúng ta lan tỏa tác động rộng khắp đến toàn bộ đội ngũ chứ không chỉ riêng một nhóm học viên cụ thể nào.", bà nói thêm.
UNODC đã thiết lập quan hệ đối tác với ba cơ sở đào tạo - hai học viện ở Việt Nam và một ở Philippines - và đã hoàn thành các khóa đào tạo giảng viên chuyên sâu tại Trường Hải quan Việt Nam và Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam. Một chi tiết có ý nghĩa quan trọng là một số giảng viên đã trải qua khóa tập huấn giảng viên nguồn tại Trường Hải quan Việt Nam đã tham gia giảng dạy cùng với các giảng viên quốc tế trong khóa đào tạo tại Học viện Cảnh sát Nhân dân. Các giảng viên đã sử dụng các kỹ năng học được trong khóa tập huấn trước đó để áp dụng vào thực tiễn. UNODC cũng đã ký thỏa thuận với một số cơ sở đào tạo thực thi pháp luật ở Thái Lan và Campuchia, và lên kế hoạch triển khai các khóa tập huấn trong những tháng tới.
Thiếu tá Mạc Xuân Hương, giảng viên Khoa Cảnh sát Hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân đánh giá: “Chúng tôi đã tiếp thu rất nhiều kiến thức, học hỏi các kỹ năng, phương pháp giảng dạy trên lớp, cũng như các kỹ thuật điều tra chuyên ngành, bao gồm điều tra hiện trường vụ án, trinh sát, giao hàng có kiểm soát và sử dụng công nghệ cao như thiết bị theo dõi GPS. Bộ giáo trình đào tạo này rất hữu ích. Chúng tôi sẽ ứng dụng bộ tài liệu cũng như các bài học kinh nghiệm vào giảng dạy cho các học viên của mình tại Học viện Cảnh sát Nhân dân”.
UNODC sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với các học viện trong năm 2021 và 2022 nhằm tăng cường phát triển năng lực chuyên môn và hợp tác khu vực, đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình giảng dạy chuyên sâu về một số chủ đề và loại tội phạm cụ thể. Chương trình quản lý biên giới và phòng chống tội phạm công nghệ cao trong khu vực cũng đang bắt đầu hợp tác với các học viện đối tác ở Việt Nam để xây dựng chương trình giảng dạy về phân tích chứng cứ số và điều tra tội phạm công nghệ cao cho các giảng viên trong nước giảng dạy tại Trường Hải quan Việt Nam và Học viện Cảnh sát Nhân dân. Đồng thời, Chương trình kiểm soát tiền chất hóa chất cũng đang tiến hành xây dựng chương trình giảng dạy để nâng cao kiến thức và các kỹ năng điều tra liên quan đến tiền chất hóa chất.
Ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho biết “Từ kinh nghiệm hoạt động của mình trong khu vực, chúng tôi nhận thấy các cơ quan thực thi pháp luật tại Đông Nam Á cần thống nhất cách hiểu chung về những thách thức và giải pháp trong phòng chống tội phạm. Việc sử dụng một chương trình đào tạo cốt lõi chung có thể góp phần rất lớn tạo nên một nền tảng hiểu biết tương đồng - theo đó, giảng viên và học viên có thể sử dụng thống nhất một ngôn ngữ trong các lĩnh vực hoạt động của họ. Như vậy việc điều phối và hợp tác sẽ hiệu quả hơn và đem lại kết quả thực tế hơn.”
Khi mạng lưới hợp tác với các học viện đối tác của UNODC ở Đông Nam Á ngày càng được mở rộng, thì cơ hội hợp tác giữa các học viện và cá nhân các cán bộ thực thi pháp luật với nhau cũng gia tăng. Việc sử dụng một giáo trình cốt lõi chung, theo thời gian, sẽ tạo ra những nhận thức tương đồng giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.