Hearts of UN
"Nếu muốn đi thật nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau".
Trong hơn 40 năm qua, những hoạt động của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẽ không thể đạt được hiệu quả nếu thiếu đi sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan và đặc biệt của từng con người làm việc tại đây. Hàng năm, ngày 25/10 được chọn làm UN Staff's Day nhằm tôn vinh những nỗ lực cống hiến của nhân viên LHQ trên toàn thế giới.
Lấy cảm hứng từ dự án Humans of New York, "HEARTS OF UN" là lời tri ân gửi đến những con người đã và đang làm việc tại Ngôi nhà Xanh Chung Một Liên Hợp Quốc Việt Nam và mang LHQ đến gần hơn với cộng đồng. Mỗi người là một mảnh ghép độc đáo nhưng đều chung lý tưởng cống hiến vì một xã hội tốt đẹp hơn. Hãy cùng khám phá câu chuyện của họ trong bức tranh mang tên One United Nations - Một Liên Hợp Quốc.
Trần Thị Vân, UNFPA Viet Nam Veteran
Khi mới làm cho UN, tôi vô cùng bỡ ngỡ, mọi thứ rất mới. Lúc đó, bà Trưởng đại diện của tôi - Sheila Macrae chính là người đã động viên tôi làm ở UNFPA. Lúc bấy giờ tôi thấy thiếu tự tin, sợ rằng tôi không đủ khả năng, nhưng bà Sheila đã thuyết phục tôi và khẳng định tôi sẽ làm được. Sau này, tôi thấy điều bà nói là sự thật, vì không những công việc ở UN đã truyền cảm hứng cho mình mà tạo rất nhiều cơ hội để đào tạo mình, giúp mình phát huy được kĩ năng lãnh đạo của bản thân. Đối với tôi, kỹ năng lãnh đạo nghĩa là luôn luôn chủ động, sáng tạo, tự giác tìm tòi để thực hiện những mục tiêu mình đặt ra và biết cách truyền cảm hứng cho người khác. Chính sự đào tạo cùng với việc vận dụng kĩ năng lãnh đạo đó cho tôi khả năng giúp người dân Việt Nam được nhiều hơn, và để thực hiện các chương trình của UN hiệu quả hơn.
Ace Victor Aceron – Former, Monitoring, Reporting and Evaluation Officer at UNESCO Viet Nam
Dự án để lại ấn tượng nhiều nhất trong tôi đó là dự án "Hiểu về tương lai". Tôi là một trong những thành viên của nhóm khởi xướng việc đưa suy nghĩ về tương lai đến giới trẻ và những người làm giáo dục ở Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích của dự án là trang bị cho mọi người khả năng "sử dụng" tương lai cho sự phát triển bền vững thông qua việc học cách chấp nhận rủi to và tìm ra giải pháp cho vấn đề mà họ đang gặp phải. Mỗi khi tổ chức các hội thảo, tôi cảm thấy mình tràn đầy đam mê vì trước đây tôi đã từng là một giáo viên và cho đến giờ công việc đó vẫn ở trong tim tôi. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì mình vẫn được làm trong lĩnh vực giáo dục và áp dụng kiến thức của mình vào các công việc khác nhau ở UNESCO. Khi làm việc tại UNESCO, tôi được khám phá bản thân mình và trân trọng con đường mà mình đang đi. Tôi nghĩ việc quan trọng nhất đó là hiểu rõ về bản thân, hiểu điểm mạnh của mình là gì và dùng nó để tạo nên sự khác biệt. Và cũng đừng cảm thấy xấu hổ vì điểm yếu của mình, hãy coi chúng là cơ hội để phát triển bản thân trong tương lai.
Lê Thị Lâm Ngà – Operation Manager at ILO Viet Nam
Vào năm 2001, khi đó tôi là thư ký cho Giám đốc đầu tiên của ILO tại Hà Nội, có người gọi điện đến Văn phòng và hỏi tôi “ILO có phải là một tổ chức của Palestine không? Đây là lần đầu tiên họ nghe nói đến ILO và cũng không biết ILO làm gì ở Việt Nam”. Tôi cố gắng giải thích ngắn gọn để họ hiểu về sứ mệnh, mục tiêu, cơ chế ba bên cũng như các hoạt động của ILO tại Việt Nam. Tôi cũng cung cấp cho họ đường dẫn vào website của ILO. Năm 2003, thật bất ngờ trước ngày Văn phòng ILO chính thức khai trương tại Hà Nội, tôi nhận được điện thoại từ chính những người đó, họ nói với tôi rằng họ rất muốn tham dự buổi Lễ ra mắt chính thức của ILO tại Hà Nội vì họ rất quan tâm tới các hoạt động của tổ chức và nói với tôi rằng bây giờ nhắc tới ILO là họ nghĩ ngay tới “Việc làm bền vững cho tất cả mọi người” và “Cơ chế ba bên”. Sau này họ trở thành đối tác của ILO Việt Nam. Cứ mỗi lần gặp mặt, chúng tôi vẫn cùng nhau nhắc lại kỷ niệm khó quên này. (cười)
Louis Vigneault-Dubois - Chief of Communication and Advocacy at UNICEF Viet Nam
Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông vì phần lớn các công việc đều dùng nhiều tiếng Việt. Điều này có thể làm hạn chế khả năng tương tác với mọi người ở đây nên tôi cần sự trợ giúp của đồng nghiệp. Tôi nghĩ một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của người làm lãnh đạo đó là tin tưởng vào đồng nghiệp của mình, tin tưởng vào khả năng và sự cam kết của họ với công việc được giao. Đồng nghiệp của tôi ở UNICEF luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.
Nicholas Booth - former Policy Advisor for Rule of Law and Access to Justice of UNDP Viet Nam
Tôi cưới vào năm 2007. Chúng tôi nghĩ đến việc này một vài năm trước, khi nước Anh đồng ý cho các cặp đôi đồng tính quyền được đăng kí kết hôn. Có rất nhiều điều chúng tôi thấy lúng túng. Chúng tôi chưa bao giờ đeo nhẫn nên luôn băn khoăn: “Kích cỡ của nhẫn nên mua như thế nào? Ai là người trao nhẫn? Ai là người cầu hôn khi cả 2 đều là đàn ông?” Rồi một ngày, chúng tôi lập kế hoạch đến Venice để đón năm mới và tôi đã hỏi bạn thân của mình để giúp tôi mua nhẫn. Điều tôi không ngờ đến đó là bạn trai tôi cũng nhờ cùng một người để mua cùng một thứ. Người bạn của chúng tôi không thể nói cho cả 2 nên anh ta rất bối rối. Và rồi chúng tôi đến Venice, ngồi trên một chiếc thuyền đi qua một nhà thờ tuyệt đẹp và bạn trai tôi nói: “Ở đây nhiều người quá, chúng mình ra đằng sau đi. Ở đó tuyệt hơn nhiều.” Lúc đó, anh ấy bất ngờ quỳ xuống, lấy ra một chiếc nhẫn làm bằng vàng trắng khắc tên của anh trên đó, và cầu hôn tôi: “Em có muốn trở thành bạn đời của anh không?” Sau đó, chúng tôi chuyển đến Việt Nam sống cùng nhau, và tôi bắt đầu làm việc tại UNDP.
Tôi nghĩ một trong những tuyên ngôn có sức ảnh hưởng nhất với tôi là điều đầu tiên trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, và nó vẫn còn làm tôi xúc động khi nói ra: “Ai sinh ra cũng đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền.” Việc nhắc đến nhân phẩm là điều tôi yêu thích nhất, vì nó ẩn chứa sự tôn trọng công bằng mà mỗi chúng ta được thừa hưởng, và tôi nghĩ nó còn mang ý nghĩa đặc biệt cho tất cả những ai lớn lên là người đồng tính và khi mọi người đối xử với bạn như một điều gì đó không bình thường, như bạn phải uống thuốc, sử dụng hoóc-môn, hoặc cần đưa đến nhà điều trị thần kinh – và không lâu trước đó nguời ta vẫn sử dụng chích điện để “chữa” cho chúng tôi. Vì vậy khi quốc gia của tôi cho tôi quyền được kết hôn với người đàn ông tôi yêu, đó là điều vô cùng ý nghĩa với tôi. Cuối cùng, tôi cũng cảm nhận được tình yêu, mối quan hệ của tôi, bản dạng của tôi được đối xử bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng. Có thể không ai nghĩ đến cộng đồng LGBTI khi họ phác thảo ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, nhưng những lời lẽ của nó có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi người nghĩ ra nó cũng không hề nghĩ tới. Vì thế, tôi rất tự hào khi làm việc ở Liên Hợp Quốc và tham gia vào việc biến những giá trị ở đó trở thành hiện thực cho tất cả mọi người.
Nguyen Thi Thuy, National Programme Officer – Governance, UN Women Viet Nam
Tôi tự hào được làm việc tại UN Women Việt Nam. Công việc đem lại cho tôi cơ hội đóng góp vào thách thức những định kiến xã hội, và góp phần thúc đẩy những thay đổi về chính sách để giúp phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền và công lý một cách thực sự.
Nguyen Hoang Ha - International Labor Organization Programme Coordinator
Tôi nhớ mãi kỷ niệm ngày đợi bên trong Hội trường Ba Đình chờ kết quả thông qua của dự luật An toàn và Vệ sinh Lao động, một dự thảo mà các đối tác của ILO dành hơn 3 năm trời xây dựng, khi được Quốc Hội phê chuẩn, thông qua đến hơn tám mươi tám phần trăm. Lúc chờ kết quả cảm giác của tôi rất hồi hộp, và không chỉ tôi, còn mấy anh em ở Cục An toàn Lao động, và cả Thứ trưởng Bộ Lao động nữa. Trái tim của tôi lúc đấy giống như trái tim của đối tác vậy vì công sức mình và các đồng nghiệp đóng góp rất nhiều để đưa ra dự án luật, nhưng kết quả cuối cùng không phải do mình quyết định mà là do các Đại biểu Quốc Hội. Các đại biểu phải được thuyết phục cơ thì người ta mới bỏ phiếu thông qua. Lúc được số phiếu cao, cũng được tín nhiệm của Ban Soạn thảo nên mừng lắm, vui lắm. Lúc đấy tôi cảm thấy hoà đồng cùng với đối tác. Có điểm hay của chúng tôi là vì làm kĩ thuật nên rất gần gũi. Chúng tôi không hề có bất kỳ trở ngại nào khi ngồi sôi nổi thảo luận rất chân thành và tôi gần như sống cùng nhịp thở với họ luôn, rồi chúng tôi trao đổi rất thẳng thắn với nhau suốt cả quãng đường đấy. Cảm giác đấy thú vị lắm, mọi người gọi thế nào nhỉ: “thật là toại nguyện đấy”.
Wong Hiu Tan (Suzanne), IOM Project Assistant
Khi tôi chào mọi người, thay vì cười xã giao chỉ để cho có, tôi muốn nở một nụ cười chân thành. Tôi muốn họ biết tôi quan tâm đến họ, mặc dù giữa chúng tôi không nhiều chủ đề chung mà có thể hỏi thăm những chuyện thường ngày thôi. Tôi nghĩ những lần giao tiếp như thế có ảnh hưởng đến những người xung quanh mình. Như lần đầu tôi muốn gần gũi hơn với đồng nghiệp ở đây, họ có thể nghĩ tôi là một con bé không nói tiếng Việt và cũng không biết tính cách tôi thế nào. Họ có thể chưa mở lòng với tôi. Ngày qua ngày, tôi bắt đầu bằng việc tạm biệt đồng nghiệp khi xong việc. Dần dần, tôi bắt đầu hỏi: “Công việc của bạn hôm nay thế nào rồi?” hoặc nếu họ bận, tôi có thể hỏi: “Vì sao bạn ở lại muộn thế?” Sau đó, mọi người bắt đầu chia sẻ cho tôi công việc của họ, và rồi bắt đầu lắng nghe tôi. Chúng tôi thân thiết với nhau hơn và thời gian giúp sự tin tưởng bền chặt hơn. Khi bạn cố gắng mở rộng mối quan hệ của mình, tiếp xúc với nhiều người, bạn cảm nhận được sự kết nối giữa bạn và xã hội, và bạn bắt đầu tạo cho mình sự quan tâm đến từng cá nhân. Tôi nghĩ đây là tâm thế quan trọng nhất để làm việc ở Liên Hợp Quốc – quan tâm đến con người và cộng đồng. Khi bạn bắt đầu để tâm đến cuộc sống của người khác, bạn có thể để ý những vấn đề xảy ra xung quanh họ; và rồi, bạn bắt đầu tự hỏi: “Vấn đề này vì sao lại xảy ra?” và tiếp đó bạn nghĩ về việc làm thế nào để can thiệp và cải thiện điều đó tốt hơn.
Sean O'Connell, IUNV Anti-Corruption, Rule of Law and Human Right Officer, UNDP Viet Nam
Theo dõi và giám sát là một công việc cực kì quan trọng và tôi có thể thấy được điều đó khi tôi ngồi xuống, suy nghĩ về tầm ảnh hưởng của dự án, cần làm gì với các dự án tiếp theo, làm thế nào đạt được kết quả mong muốn, và công việc đó giúp tôi làm việc bài bản hơn, tập trung vào kết quả thực sự sẽ là gì. Dù thế, tôi vẫn gặp khó khăn với tần suất báo cáo. Công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức dù tôi biết nó rất quan trọng; tuy nhiên, cân bằng giữa việc thực hiện dự án và làm báo cáo về dự án đó là điều thách thức với tôi nên tôi cần đồng nghiệp trợ giúp mình rất nhiều. Tôi rất may mắn vì tôi là một phần của một nhóm tuyệt vời, đồng nghiệp của tôi luôn giúp đỡ, hướng dẫn, và còn trực tiếp hỗ trợ tôi bằng việc đưa thêm kiến thức, thông tin cho việc theo dõi và giám sát. Bạn có được sự đồng điệu, khích lệ và gặt hái được thành quả lớn nhất khi bạn làm việc nhóm. Chính những con người bạn làm việc cùng có thể giúp bạn tạo tầm ảnh hưởng rộng hơn đến cuộc sống của mỗi người.
Clement Gba - UN Viet Nam Manager for Common Services & Business Operations
Tôi nhớ lại thời điểm tôi làm việc tại Trụ sở LHQ ở New York, công việc của tôi chủ yếu là hỗ trợ những chương trình cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng, và tôi được yêu cầu đi công tác rất nhiều để hỗ trợ các dự án đó - bỏ lại gia đình tôi phía sau, hy sinh 1 ít thời gian quý báu với gia đình.
Bên cạnh câu chuyện của tôi, tôi cũng nghĩ về những chiến dịch nguy hiểm mà đồng nghiệp tôi tham gia; tôi chắc là bạn đã nghe đến những thông tin về nhân viên LHQ tử nạn khi đi làm việc phục vụ cộng đồng.
Dù nhận thức được nguy hiểm đó, chúng tôi vẫn cam kết vào những điều chúng tôi làm vì CHÚNG TÔI YÊU CÔNG VIỆC CỦA MÌNH!
Với tôi, tài sản quý giá nhất chính là gì đình - đây là nơi tôi lưu về mỗi khi cần được an ủi và động lực, để giúp tôi cống hiến được nhiều hơn trong 1 tổ chức phục vụ CON NGƯỜI.