UNESCO phối hợp với Trung tâm Giáo dục Quốc tế vì sự Phát triển Bền vững thuộc Đại học Uppsala (SWEDESD) tổ chức Hội thảo quốc tế tại Hà Nội về Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững trong khu vực sông Mekong.
08 tháng 5 2018
- Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2018 - UNESCO phối hợp với Trung tâm Giáo dục Quốc tế vì sự Phát triển Bền vững thuộc Đại học Uppsala (SWEDESD) tổ chức Hội thảo quốc tế tại Hà Nội về Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững trong khu vực sông Mekong.
Trong khuôn khổ dự án Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển bền vững tại Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, một Hội thảo quốc tế về Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại khu vực sông Mekong đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8-9 tháng 5 vừa qua. Với sự phối hợp của UNESCO tại Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Quốc tế vì sự Phát triển Bền vững (SWEDESD) thuộc Đại học Uppsala, Hội thảo đã quy tụ được nhiều đại diện đến từ nhiều nước trong khu vực sông Mekong như Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong số hơn 100 đại biểu tham dự Hội thảo, có các đại diện lãnh đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, Ban, ngành, các đối tác phát triển, đại sứ quán, các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại diện từ văn phòng UNESCO các nước, Ủy ban Quốc gia về UNESCO của Đức cùng tham dự và giới thiệu những sáng kiến thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Hội thảo đã trở thành một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách quốc gia về giáo dục vì sự phát triển bền vững và trao đổi những ý tưởng sáng tạo để thực thi các chính sách này tại năm quốc gia tham dự.
Bà Ai Chuman, Bí thư thứ hai của Sứ quán Nhật tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh các nền kinh tế tại khu vực sông Mekong đang phát triển nhanh chóng, đồng thời bà cũng khẳng định nguyện vọng thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa Chính phủ Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực này nhằm đẩy mạnh giáo dục hướng tới phát triển bền vững. Cũng trong các bài phát biểu của mình, ông Toshiyuki Matsumoto, đại diện của văn phòng UNESCO tại Hà Nội và bà Eva Friman, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế thuộc Đại học Uppsala đều khẳng định vai trò của chính sách giáo dục để đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững, thông qua các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy hay các cơ hội học tập suốt đời.
Hội thảo đã đạt được ý kiến đồng thuận của các đại biểu tham dự trong các hoạt động tăng cường chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững và nhân rộng mô hình của dự án này tại các nước sở tại thông qua phương thức tiếp cận đa đối tác và sự phối hợp liên ngành.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
- chị Lê Bình, Cán bộ Chương trình Giáo dục của UNESCO qua hòm thư lt.binh@unesco.org
- hoặc truy cập trang Facebook của văn phòng UNESCO tại Việt Nam qua địa chỉ @UNESCOOfficeinVietnam