Xây dựng khuôn viên trường đại học không bạo lực tại Việt Nam
Kể từ tháng 2 năm 2022, dự án "Khuôn viên trường đại học an toàn" đã được triển khai tại 3 trường Đại học Sư phạm hàng đầu tại Việt Nam.
Hà Nội - Hơn một nửa số nữ sinh tại ba trường đại học hàng đầu Việt Nam và gần một phần ba đội ngũ giảng viên đã từng trải qua ít nhất một hình thức quấy rối tình dục trong và quanh khuôn viên trường học trong năm học vừa qua. Trong đó, phổ biến nhất là hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói. Các con số tương ứng - 51,8% và 30,2% - là kết quả từ một cuộc khảo sát về quấy rối tình dục trong khuôn viên trường đại học được thực hiện vào tháng 2 với sự hỗ trợ của UN Women tại Việt Nam và được công bố vào tháng 6 năm nay.
Câu trả lời của 1.809 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên tại các trường đại học ở Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa cho thấy mức độ và tác động của hành vi quấy rối tình dục trong giáo dục đại học. UN Women tài trợ cho cuộc khảo sát trong khuôn khổ Sáng kiến Khuôn viên Trường Đại học An toàn, một dự án khu vực nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
“Em đã nhận được nhiều lời bình luận về ngoại hình của mình và nhiều khi em cảm thấy khó chịu và lo lắng. Trước đây em không biết đó là một hình thức quấy rối tình dục”. Mỹ Duyên, 19 tuổi, nữ sinh trường Đại học Hồng Đức cho biết.
Dù nhấn mạnh rằng trường đại học em đang theo học là nơi an toàn nhưng Mỹ Duyên vẫn mong muốn nhà trường có thể đầu tư nhiều hơn vào hệ thống camera an ninh và hệ thống chiếu sáng. “Nếu em phải đến thư viện vào buổi tối thì em sẽ đi cùng một nhóm bạn,” em nói.
Với khuôn viên rộng 480.000m2 và 10.000 sinh viên, Hồng Đức là một trong những trường đại học lớn nhất tại Thanh Hóa.. Trường có ít camera và chỉ có một phòng tư vấn tâm lý, với bốn giảng viên chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn.
Cuộc khảo sát vào tháng 2 cũng tìm hiểu về thái độ và kiến thức của sinh viên về quấy rối tình dục, quy trình trình báo và cách tìm kiếm sự trợ giúp, thiết lập mức tiêu chuẩn để các trường đại học có thể đo lường tiến bộ đạt được trong tương lai. Theo kết quả khảo sát, 72,2% đáp viên không biết về nhà tạm lánh an toàn và đường dây nóng trong nước, và 51,2% trong số họ không biết về phòng tư vấn tâm lý tại trường đại học của họ.
Để nâng cao nhận thức của sinh viên về bạo lực trên cơ sở giới, ba trường đại học, với sự hỗ trợ của UN Women, đã triển khai một loạt các hoạt động truyền thông mang tên Orange Your Campus, Confession Box và You Are Not Alone (Tô cam giảng đường, Lá thư chữa lành và Bạn không đơn độc) vào tháng 12 năm 2021 và đầu năm 2022. Các hoạt động này nhằm cung cấp kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới cũng như thông tin về các dịch vụ sẵn có dành cho cho nạn nhân. Các chiến dịch đã nhận được sự quan tâm rất lớn của sinh viên và giảng viên trên mạng xã hội với ước tính khoảng 2 triệu lượt xem và chia sẻ chỉ trong vòng ba tháng.
UN Women cũng hỗ trợ ba trường đại học nâng cấp cơ sở vật chất dịch vụ tâm lý để hỗ trợ sinh viên là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới tốt hơn. Hoạt động Lá thư chữa lành đã tiếp nhận hơn 215 bức thư của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện về bạo lực trên cơ sở giới.
Hoài Thu, 42 tuổi, giảng viên tâm lý tại Đại học Hồng Đức, cho biết: “Tôi rất bất ngờ trước số lượng lớn thư được gửi đến phòng tư vấn của chúng tôi vào tháng 12 năm 2021. “Thông qua các hoạt động truyền thông của Orange The Campus, tôi tin rằng sinh viên đã hiểu thêm về bạo lực trên cơ sở giới. Một số em trong số đó đã trở nên cởi mở hơn khi chia sẻ câu chuyện của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ.”
Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao hoạt động hỗ trợ của UN Women thông qua dự án nhằm lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với nữ sinh và cán bộ nữ trong các trường đại học.
“Những số liệu thu thập được từ dự án này sẽ là cơ sở quý báu để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan khác ban hành các quy định, chính sách, xây dựng các công cụ thiết thực và hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn, không bạo lực cho sinh viên,” bà chia sẻ.
Để tiếp tục đạt được những thành tựu trong khuôn khổ sáng kiến "Khuôn viên trường Đại học an toàn", UN Women Việt Nam sẽ mở rộng sự hỗ trợ đối với cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều trường đại học hơn ở Việt Nam thông qua chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm đảm bảo khuôn viên nhà trường an toàn cho tất cả các sinh viên và cán bộ.