Thông cáo báo chí

Liên Hợp quốc hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam chịu tác động bởi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh Châu u

25 tháng 4 2023

Participants at the workshop

Các nhà sản xuất Việt Nam trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon như sắt thép, nhôm, phân bón và xi măng sẽ chịu tác động từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu sửa đổi vào tháng 2/2023. 

Tất cả 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ thí điểm CBAM vào tháng 10/2023 với mục tiêu đảm bảo một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Châu Âu bị ảnh hưởng bởi thuế carbon thông qua việc áp thuế biên giới carbon cho các quốc gia không áp dụng các biện pháp định giá carbon tương ứng. 

CBAM sẽ có tác động trực tiếp lên các nhà sản xuất Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu do các nhà sản xuất này phải đảm bảo các sản phẩm của họ đáp ứng một mức thuế tương đương áp dụng cho các nhà sản xuất tại Châu Âu.

Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ được áp dụng với các sản phẩm thuộc nhóm ngành sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro là những nhóm ngành có nguy cơ rò rỉ carbon và phát thải cao. 

Nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch, Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP) do UNOPS quản lý đã tổ chức hội thảo tham vấn về báo cáo đánh giá tác động của CBAM lên Việt Nam tại Hà Nội. Mục tiêu của hội thảo nhằm lấy ý kiến về cách thức Việt Nam có thể áp dụng nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi và tận dụng các tác động tích cực từ CBAM lên quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển phát thải carbon thấp tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của 70 đại biểu tại hội trường, bao gồm đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên môi trường (Cục Biến đổi khí hậu), Bộ Xây dựng và 110 đại biểu tham dự trực tuyến. 

Giám đốc Chương trình Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhấn mạnh tác động của CBAM đến Việt Nam, đặc biệt với tư cách là một nhà xuất khẩu lớn sang thị trường EU “Kết quả đánh giá tác động của CBAM cung cấp một cái nhìn toàn diện về các khó khăn và các chính sách ảnh hưởng đến Việt Nam và cách CBAM tác động lên quá trình chuyển dịch năng lượng nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải carbon”. 

 

Chương trình ETP đang triển khai các nỗ lực đầy tham vọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng trên quy mô khu vực và các quốc gia Đông Nam Á. Thông qua việc phối hợp với các đối tác thuộc cả hai khối công và tư, mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy sự phát triển về mặt chính sách, tài chính và công nghệ. ETP cũng hướng tới mục tiêu phối hợp hành động nhằm mở rộng nguồn tài chính cho đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và hạ tầng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Việc triển khai CBAM thể hiện tầm quan trọng của giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu. Các doanh nghiệp cần hành động nhằm giảm phát thải carbon để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. UNOPS thông qua ETP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị và thích ứng với hoạt động sản xuất xanh hơn. 

HẾT

 

Thông tin cho biên tập viên: 

Thông tin liên hệ: Toan Do (toand@unops.org) / Thuy NGUYEN: thuyn@unops.org)

Về ETP

Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) là một dự án đa phương triển khai ở cấp khu vực do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) quản lý, hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng tại Philippines, Việt Nam và Indonesia hướng tới hệ thống năng lượng hiện đại đảm bảo đồng thời phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và môi trường bền vững.

Về UNOPS

Sứ mệnh của UNOPS là giúp đỡ mọi người xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và các quốc gia đạt được hòa bình và phát triển bền vững. Chúng tôi hỗ trợ Liên Hiệp Quốc, chính phủ và các đối tác khác trong quản lý dự án, cung cấp cơ sở hạ tầng và đấu thầu bền vững và hiệu quả. Đọc thêm tại: www.unops.org.

 

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNOPS
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Dịch vụ Dự án

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này