Thông cáo báo chí

Hợp tác đối tác thúc đẩy phát triển công nghiệp và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 – sáng kiến của UNIDO

03 tháng 11 2019

  • Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc – UNIDO chia sẻ kinh nghiệm làm như thế nào để các mô hình hợp tác đối tác có sự tham gia của nhiều bên, như Chương trình Hợp tác đối tác Quốc gia (PCP) của UNIDO có thể hỗ trợ các nước đạt được mục tiêu phát triển quốc gia, đặc biệt là mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và Chương trình nghị sự 2030.

Dưới tiêu đề “Quan hệ đối tác vì phát triền công nghiệp đến năm 2030”, Diễn đàn Phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững lần thứ 7 của UNIDO cũng đã thảo luận vai trò của chính phủ, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức của Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển khác trong việc thúc đẩy chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật và huy động nguồn tài chính hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp thứ 18 của Đại hội đồng UNIDO đang diễn ra tại Abu Dhabi, Tiểu Vương quốc Ả rập với sự tham dự của đại diện cấp cao của chính phủ các nước thành viên của UNIDO.

Chương trình Hợp tác đối tác Quốc gia (PCP) là sáng kiến của UNIDO nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên thúc đẩy phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững. Song hành với chương trình phát triển quốc gia và tập trung vào những ngành có tiềm năng tăng trưởng cao, chương trình PCP hỗ trợ quốc gia thành viên đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp của mình. Trong khuôn khổ chương trình PCP, các quan hệ hợp tác đa đối tác sẽ được xây dựng đứng đầu là chính phủ nước sở tại. Thông qua chương trình PCP, UNIDO tư vấn cho chính phủ về các vấn đề có liên quan đến công nghiệp, hỗ trợ thiết kế chương trình, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và điều phối chung.

Hiện nay, chương trình PCP này đang thực hiện ở 10 quốc gia – Cambodia, Bờ biển Ngà - Côte d’Ivoire, Ethiopia, Ai-cập, Kyrgyzstan, Morocco, Peru, Rwanda, Senegal và Zambia – có mức độ phát triển khác nhau và ở các khu vực địa lý khác nhau.

Diễn đàn cũng nhấn mạnh đến nỗ lực quốc gia nhằm huy động sự đóng góp của nhiều đối tác khác nhau, của các hiệp hội, ngân hàng và các tổ chức tài chính cho quá trình công nghiệp hóa.

Diễn đàn phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững là hoạt động thường kỳ của UNIDO để các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam và các đối tác trao đổi các khía cạnh của phát triển công nghiệp, chia sẻ kiến thức, củng cố quan hệ đối tác và xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Kỳ họp thứ 18 của Đại hội đồng UNIDO đang diễn ra tại Abu Dhabi với chủ đề “Công nghiệp 2030 – Sáng kiến Sáng tạo, Kết nối và Thay đổi tương lai của chúng ta”. Đại hội tập trung thảo luận vai trò then chốt của phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đại hội cũng là dịp để UNIDO chia sẻ những thành công trong các lĩnh vực giới, kinh tế tuần hoàn, thanh niên với khởi nghiệp, công nghiệp 4.0, khu công nghiệp sinh thái và sử dụng năng lượng bền vững.

Phát biểu khai mạc đại hội, Giám đốc UNIDO ông LI Yong nhấn mạnh: “Chủ đề của Đại hội năm nay – Công nghiệp 2030, nhằm thể hiện nỗ lực của UNIDO hướng tới năm 2030 với các ngành công nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp và thân thiện với môi trường, một nền kinh tế tạo việc làm, tăng trưởng bao trùm, thịnh vượng chung và trao quyền cho mọi người. Thách thức mà thế giới đang phải đương đầu là cần phải có niềm tin và quyết tâm cao. Và phần lớn những giải pháp để đạt được điều này là sự hợp tác mạnh mẽ giữu các chính phủ và sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với khu vực tư nhân, yếu tố thành công của chương trình hợp tác đối tác quốc gia của UNIDO.”

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này