Thông cáo báo chí

UNIDO đào tạo về Chính sách Chuyển đổi Số ngành Công nghiệp

15 tháng 4 2024

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, tạo ra sự thay đổi lớn góp phần nâng cao hiệu quả kỹ thuật cũng như sản xuất và sản phẩm bền vững hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng bao gồm những thách thức. Ví dụ, các công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), có thể khiến những thành kiến và bất bình đẳng hiện tại tiếp tục diễn ra. Hơn nữa, trong khi một số ngành công nghiệp có thể được hưởng lợi từ chuyển đổi số thì những ngành khác sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng mất việc làm. Lưu ý đến những lợi ích và rủi ro này, UNIDO triển khai các chiến lược và hành động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngành, đồng thời cố gắng giảm thiểu những tác động không mong muốn. UNIDO cũng đang nỗ lực hạn chế những hậu quả tiêu cực của các yếu tố như khoảng cách số và khoảng cách giới tính số.

Để đạt được chuyển đổi số toàn diện và bền vững, UNIDO tin rằng cần đảm bảo bốn yếu tố hỗ trợ kỹ thuật số: cơ sở hạ tầng số, quản trị số, kỹ năng kỹ thuật số, và hợp tác kỹ thuật số. Nếu không giải quyết các yếu tố quan trọng này trên quy mô lớn, sẽ khó đạt được hiệu quả chuyển đổi mà tổ chức hướng tới thông qua nâng cấp công nghệ số và xây dựng năng lực.

Do đó, UNIDO, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đang thực hiện dự án tập trung vào các chính sách công nghiệp về số hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự án bao gồm các hội thảo kỹ thuật và tham quan học hỏi dành cho các nhà hoạch định chính sách từ Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam nhằm cập nhật thông tin, kiến thức về các chính sách cần thiết có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi số công bằng và bền vững trong các ngành công nghiệp.

Là một phần của dự án này, từ ngày 16-19 tháng 4 năm 2024, UNIDO cùng với Cục Công nghiệp tổ chức khoá đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho đại diện các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam nhằm cập nhật hiện trạng và thông tin về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt tập trung vào việc các chính sách công nghiệp có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Chương trình đào tạo gồm các bài trình bày của các chuyên gia quốc tế và cán bộ cấp cao của UNIDO, cùng các phiên thảo luận về khả năng áp dụng một số nội dung chính sách cho Việt Nam. Đặc biệt, khoá đào tạo sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về chuyển đổi số, với các diễn giả đến từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc; Viện Phát triển Hàn Quốc; và Viện Tiến bộ Công nghệ Hàn Quốc.

Thao_for website

Le Thanh Thao

UNIDO
Đại diện Quốc gia
Bà Lê Thanh Thảo có hơn hai mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và kinh doanh ở cả cấp chính sách và cấp thực hành tại cơ sở. Bà đã làm việc tại Văn phòng Quốc gia UNIDO Việt Nam từ năm 2008 với tư cách là Cán bộ Chương trình Quốc gia và sau đó là Đại diện Quốc gia, phụ trách điều phối và giám sát các dự án và chương trình của UNIDO tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm phát triển khu vực tư nhân/doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh thương mại; công nghiệp và thương mại; năng lượng và môi trường; khu công nghiệp sinh thái; chế biến nông sản và phát triển chuỗi giá trị; v.v ... Bà Thảo cũng tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách với Chính phủ Việt Nam về các lĩnh vực như cạnh tranh công nghiệp, xúc tiến đầu tư, công nghiệp xanh, công nghệ khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như kinh tế tuần hoàn.
Trước khi gia nhập UNIDO, Bà quản lý công ty riêng của mình, cung cấp tư vấn đầu tư và xúc tiến thương mại cho các tiểu ngạch của nghành chế biến, chế tạo. Bà sở hữu bằng Thạc sĩ điều hành cao cấp của Trường Kinh doanh Shidler thuộc trường Đại học Hawaii tại Manoa, Hoa Kỳ (2004-2006). Trước đó, Bà đã nhận được một bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này