Thông cáo báo chí

Việt Nam cam kết sẽ cải thiện công tác tư pháp người chưa thành niên

11 tháng 6 2019

  • Hà Nội, Việt Nam, 11 tháng 6 năm 2019 – Tòa án Nhân dân Tối cao, UNICEF và Liên minh châu Âu (EU) cùng hợp tác nhằm cải thiện tình hình của trẻ em có liên quan đến hệ thống tư pháp. Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa Gia đình và người chưa thành niên” được tổ chức hôm nay tại Hà Nội nhằm chia sẻ những điển hình tốt của quốc tế và những sáng kiến tiềm năng về trẻ em và thanh thiếu niên có liên quan đến hệ thống tư pháp. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường tư pháp và pháp luật do Liên minh Châu Âu hỗ trợ (EU JULE).

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ông Nguyễn Hòa Bình, đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc học tập kinh nghiệm quốc tế về xét xử các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên và đánh giá cao vai trò của UNICEF trong hỗ trợ chia sẻ những kiến kiến thức và kinh nghiệm như thế với ngành Tòa án. Trong phần phát biểu của mình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao những bài học kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế trong việc giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là việc xét xử kín, nghiêm cấm việc đối chất trực tiếp giữa bị cáo và người chưa thành niên, và dùng các biện pháp thay thế khác để giúp người chưa thành niên cung cấp chứng cứ (ví dụ như ghi âm-ghi hình người chưa thành niên cung cấp lời khai).

Tòa án nhân dân tối cao cũng tổ chức một cuộc tọa đàm trực tuyến nửa ngày về kiến thức và kỹ năng về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm về giới với sự hỗ trợ của UNICEF và Tòa án Gia đình Úc. Tọa đàm trực tuyến này đã kết nối với hơn 15.000 Thẩm phán và Cán bộ tòa án từ khoảng 710 tòa án auận/huyện, 63 Tòa án tỉnh/thành, 3 Tòa án cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Trình bày tại cuộc tọa đàm trực tuyến này có hai Thẩm phán cao cấp từ Tòa án Gia đình Úc – Thẩm phán Judith Ryan và Thẩm phán Jan Stevenson – những người có bề dày kinh nghiệm trong những vấn đề gia đình, kể cả xâm hại trẻ em trong các vụ việc liên quan đến luật gia đình, và Bà Shelley Casey, Chuyên gia tư pháp trẻ em và giới.

Việc hình thành tòa Gia đình và người chưa thành niên và từ năm 2018 được triển khai ra 38 tỉnh, thành trên toàn quốc là một cột mốc quan trọng về tăng cường quyền trẻ em. Tòa Gia đình và người chưa thành niên có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em. UNICEF khuyến nghị tiếp tục nhân rộng tòa án này ở tất cả các tỉnh, thành còn lại của Việt Nam. Các Tòa án Gia đình và người chưa thành niên mới được thành lập có các thẩm phán chuyên trách được bổ nhiệm và đào tạo để giải quyết các trường hợp liên quan đến người chưa thành niên, nhờ đó đảm bảo quyết định của tòa án đáp ứng được các nhu cầu của mỗi người chưa thành niên và đảm bảo rằng lợi ích  tốt nhất của người chưa thành niên là mối quan tâm hàng đầu.

Trong Bộ luật hình sự, nhóm tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em hiện đang được các đại biểu quốc hội quan tâm nhiều. UNCEF cam kết hợp tác chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để hỗ trợ Tòa án thực hiện vai trò hết sức quan trọng của mình trong việc xóa bỏ xâm hại tình dục đối với trẻ em, bao gồm việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán về việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Với sự hỗ trợ quan trọng của Liên Minh Châu Âu (EU), UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường sự tiếp cận của người chưa thành niên với hệ thống tư pháp, phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc trưng của trẻ em trai và trẻ em gái, và các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương. UNICEF đã đóng góp vào việc thí điểm và nhân rộng Tòa gia đình và người chưa thành niên và sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động như chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đạo tạo hàng ngàn chánh án và các cán bộ tòa án trên toàn quốc.

UNICEF cam kết hợp tác với tất cả các Bộ liên quan (Giáo dục, Tư pháp, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng với Tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật để cùng nhau đưa ra cải cách lập pháp và những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất nhằm thúc đẩy công tác phòng ngừa; khuyến khích các bộ ban nghành đưa ra các cơ chế phản ứng nhanh, phù hợp với trẻ em khi xâm hại xảy ra, có các nhân viên xã hội chuyên nghiệp để hỗ trợ trẻ em khi cần thiết và đảm bảo mọi trẻ em ở Việt Nam đều được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.

Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này