UNICEF quan ngại bùng phát dịch sởi trên thế giới đang ngày càng đe dọa đến tính mạng của trẻ em
01 tháng 3 2019
- NEW YORK/HÀ NỘI, ngày 1 tháng 3 năm 2019 – Hôm nay, UNICEF đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.
Các quốc gia có mức độ tăng ca nhiễm sởi cao nhất trong hai năm 2017 & 2018[1]
- Ukraine: 30,338
- Philippines: 13,192
- Brazil: 10,262
- Yemen: 6,641
- Vê-nê-zuê-la: 4,916
- Serbia: 4,355
- Madagascar: 4,307
- Xu-đăng: 3,496
- Thái Lan: 2,758
- Pháp: 2,269
Trên toàn thế giới, 98 quốc gia đã báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 so với năm 2017, đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được đối với căn bệnh này, một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng cũng có khả năng gây tử vong.
Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong hai tháng đầu năm 2019. Tại Philippines trong năm nay đã có 12.736 ca nhiễm sởi và 203 ca tử vong[1], so với 15.599 ca trong năm 2018.
"Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta có vắc xin an toàn, hiệu quả và ít tốn kém để chống lại căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này – một loại vắc xin có khả năng cứu sống tính mạng của gần một triệu người mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua," Bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết. "Những ca nhiễm bệnh này không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay đã bắt đầu từ năm 2018, nếu không hành động ngay hôm nay thì chúng ta sẽ để lại tai họa cho trẻ em trong tương lai."
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.
Để ứng phó với dịch sởi bùng phát, UNICEF và các đối tác đang hỗ trợ các chính phủ khẩn trương tiếp cận hàng triệu trẻ em ở các quốc gia trên toàn thế giới. Cụ thể là:
Tại Ukraina, UNICEF đang hỗ trợ đẩy mạnh công tác tiêm phòng thường xuyên trên cả nước và giải quyết sự ngần ngại khi sử dụng vắc xin, bao gồm tăng cường nỗ lực chấm dứt dịch sởi bùng phát gần đây nhất đã cướp đi mạng sống của 30 người từ năm 2017. Vào tháng Hai, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của UNICEF, đã triển khai một đợt vận động tiêm chủng tại các trường học và cơ sở y tế ở vùng ảnh hưởng nặng nề nhất – Lviv - ở phía tây Ukraine, nơi mà những thái độ tiêu cực của người dân đối với tiêm chủng và thiếu nguồn cung cấp vắc xin đã dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng vắc xin rất thấp.
Tại Philippines, chính phủ, với sự hỗ trợ của UNICEF và các đối tác, sẽ tiến hành một chiến dịch tiêm phòng vắc xin bại liệt và sởi cho 9 triệu trẻ em ở 17 vùng. Sử dụng mạng xã hội, các nhà hoạt động chiến dịch sẽ khuyến khích những cha mẹ còn đang do dự và lo sợ về vấn đề vắc xin cũng như khuyến khích các nhân viên y tế.
Ở Brazil, từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2018, chính phủ đã triển khai một chiến dịch chống lại bệnh bại liệt và sở, hướng vào hơn 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. UNICEF đã khuyến khích người dân đi tiêm phòng, và đào tạo các nhân viên phụ trách y tế ở các khu tạm trú cho người di cư Venezuela. UNICEF đã đưa vắc xin sởi vào chương trình Minucipal Seal có độ bao phủ tới 1.924 thành phố và khu đô thị.
Ở Yemen, nơi mà những năm tháng xung đột đã dẫn đến dịch sởi bùng phát, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Liên minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã tiêm chủng được cho hơn 11.5 triệu trẻ em trong tháng Hai.
Tại Madagascar, từ ngày 3 tháng 9 đến 21 tháng 2, 76.871 người dân nhiễm sởi và 928 người đã tử vong, đa số là trẻ em. Vào tháng Một, chính phủ, với sự hỗ trợ của các đối tác trong đó có UNICEF, đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng hướng vào 114 quận. Hơn 2 triệu trẻ em ở 25 quận đã được tiêm chủng. Vào tháng Hai, 1,4 triệu trẻ em đã được tiêm phòng vắc xin, đến tháng Ba con số này là 3,9 triệu.
Năm 2018, Việt Nam có 1.177 ca nhiễm sởi, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Phần lớn các ca nhiễm sởi liên quan đến việc trẻ em chưa được tiêm vắc xin đầy đủ do cha mẹ quyết định trì hoãn việc tiêm vắc xin cho con mình. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1 đến 5 tuổi tại 57 tỉnh thành trên cả nước. UNICEF đã kêu gọi các bậc cha mẹ hãy nỗ lực hơn nữa, tư vấn với các nhân viên y tế nhằm đảm bảo con em mình được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch, giúp phòng bệnh cho trẻ em. UNICEF cũng đã vận động các cơ quan y tế đầu tư đầu tư lâu dài nhằm củng cố niềm tin trong người dân vào tiêm chủng và tập trung nỗ lực để vươn tới những cộng đồng nghèo nhất và thiệt thòi nhất, trong đó có nhóm người dân di cư trong nước.
Các ca nhiễm sởi được báo cáo trong năm 2018 ở các quốc gia chưa xảy ra ca nhiễm nào năm 2017
- Brazil: 10,262
- Moldova: 312
- Montenegro: 203
- Colombia: 188
- Timor-Leste: 59
- Peru: 38
- Chile: 23
- Uzbekistan: 17
Cở sở vật chất y tế nghèo nàn, xung đột nội bộ, nhận thức của người dân thấp, sự bằng lòng không muốn thay đổi và ngần ngại đối với vắc xin trong một số trường hợp có thể dẫn đến bùng phát dịch ở cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Ví dụ như, ở Hoa Kỳ, số ca nhiễm sởi đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2017 và 2018, lên tới 791 ca. Gần đây, dịch sởi cũng bùng phát ở New York và Washington.
"Phần lớn tất cả các ca nhiễm này đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên trẻ em vẫn bị nhiễm sởi ở những nơi đơn giản là không thể có lý do nào mắc phải," Bà Fore chia sẻ. "Sởi có thể là một bệnh, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiễm sởi thực chất lại là do thiếu thông tin, sự nghi ngờ, và sự bằng lòng không muốn thay đổi. Chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn để thông tin một cách chính xác đến người làm cha làm mẹ, giúp cho việc tiêm chủng an toàn cho mọi trẻ em."
Để đấu tranh với bệnh sởi, UNICEF đang cấp bách kêu gọi các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, và các bậc cha mẹ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn căn bệnh này:
Hiểu sự an toàn và hiệu quả của vắc xin, và vắc xin có thể cứu mạng sống của trẻ em
Tiêm vắc xin cho tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trong thời kỳ dịch sởi bùng phát
Tập huấn và trang bị kiến thức cho cán bộ y tế để họ có thể cung cấp dịch vụ có chất lượng
Tăng cường các chương trình tiêm chủng để cung cấp được tất cả các vắc xin cứu mạng sống con người
######
Ghi chú cho Biên tập viên
Tải ảnh tại đây.
Về Sáng kiến Sơi và Rubella
UNICEF tham gia Sáng kiến Sởi và Rubella, đây là sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân của 5 đối tác toàn cầu trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Quỹ Liên Hợp Quốc (United Nations Foundation) và Hội Chữ Thập đỏ Hoa Kỳ, nỗ lực và thúc đẩy các quốc gia trên thế giới tiến tới xóa bỏ bệnh sởi và rubella.
Về UNICEF
UNICEF hoạt động tại những nơi khó khăn nhất trên thế giới, để tiếp cận được với những trẻ em thiệt thòi nhất thế giới. Có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi làm việc vì mọi trẻ em, ở bất kỳ nơi đâu, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Để biết thêm thông tin về UNICEF và các hoạt động, xin mời truy cập: www.unicef.org
Hãy theo dõi các hoạt động của UNICEF trên Twitter và Facebook
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Sabrina Sidhu, UNICEF New York, +1 917 4761537, ssidhu@unicef.org
Nina Sorokopud, UNICEF Ukraina, +380503882951, nsorokopud@unicef.org
Zafrin Chowdhury, UNICEF Philippines, +63 9178678366, zchowdhury@unicef.org
Elisa Meirelles Reis, UNICEF Brazil, +5561981661649, ereis@unicef.org
Thaiza Castilho, UNICEF Yemen, +967 712 223 001, tcastilho@unicef.org
Fanjaniaina Saholiarisoa Alida, UNICEF Madagascar, +261 202354045, falida@unicef.org
Louis Vigneault-Dubois, UNICEF Việt Nam +84-4-38500241; +84-966539673; email : lvigneault@unicef.org
Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-4-38500225; +84-904154678; email: ntthuong@unicef.org
[1] Ghi chú: Phân tích dựa trên số liệu về sởi và rubella toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của 194 quốc gia cho hai năm 2017 và 2018. Để biết thêm thông tin, xin mời truy cập tại đây. Phân tích dựa trên tổng số ca sởi được khẳng định.
[2] Tính đến ngày 23 tháng 2 năm 2019.