Cùng lên tiếng vì bình đẳng giới: Vì bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng ai
24 tháng 11 2018
- Hà Nội, ngày 24/11/2018 - "Lên tiếng vì bình đẳng giới"- cái nhìn đa chiều nơi mỗi diễn giả mang đến một tiếng nói với sắc màu riêng và góc nhìn riêng về bình đẳng giới. Trong cuộc chiến vì bình đẳng giới, mỗi người trong số chúng ta có thể hành động khác nhau để mang lại sự thay đổi.
Sáng nay tại Hà Nội, sự kiện "Speak Up for Gender Equality - Lên tiếng vì bình đẳng giới được tổ chức UN Women, Tổ chức Plan International Việt Nam, Đại sứ quán các nước Canada, Nauy, New Zealand và Thụy Sỹ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, VVC - Trung Tâm Tình Nguyện Quốc Gia, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) phối hợp tổ chức tại Trường Quốc tế Liên hợp quốc tại Hà Nội – UNIS.
Sự kiện bắt đầu với "Hành trình Lên tiếng về Bình đẳng giới". Bốn chiếc xe bus mang thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em gái đã khởi hành từ bốn trường đại học và trung học phổ thông của Hà Nội (Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Giao thông Vận tải và Trường THPT Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh) mang theo Đại sứ của các nước Nauy, New Zealand và Thụy Sỹ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng Đại diện của UN Women, Giám đốc Quốc gia của Plan International, cùng Hoa hậu Dương Thùy Linh và hơn 100 em học sinh, sinh viên của thành phố. Trong hành trình, các vị khác quý, các em học sinh và sinh viên đã có cơ hội chia sẻ các thông tin về chủ đề Bình đẳng giới, sự an toàn của em gái, phụ nữ khi học tập, sinh sống tại thành phố, các rào cản đối với sự phát triển công bằng cho em gái và phụ nữ trong học tập và sự nghiệp.
Nối tiếp hành trình là sự kiện chính diễn ra tại Trường Quốc tế Liên hợp quốc - UNIS, nơi hơn 400 đại biểu đã cùng chia sẻ chia sẻ về Bình đẳng giới của 10 diễn giả theo hình thức Pecha-Kucha mới lạ. Với tinh thần "Không bỏ lại ai phía sau" của các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chương trình đã tạo ra một diễn đàn đa dạng tiếng nói về giới với đại diện của thanh thiếu niên, người khuyết tật, người nổi tiếng, cộng đồng LGBTIQ+, cộng đồng khoa học, những người làm việc trong cả lĩnh vực lao động chính thức và cả phi chính thức.
Hoa hậu Phụ nữ Toàn Thế giới 2018 Dương Thùy Linh, một diễn giả của chương trình, chia sẻ: "Bình đẳng giới không chỉ là cuộc đấu tranh của tất cả chúng ta mà còn vì quyền lợi của mỗi chúng ta, không chỉ nữ giới mà cả nam giới. Không ai đáng phải sống một cuộc đời bị đóng hộp vai trò từ khi mới sinh ra. Mỗi chúng ta đều có quyền được lựa chọn và điều đó chỉ có thể xảy ra ở một xã hội có bình đẳng giới."
Ngoài 10 diễn giả, chương trình còn có thêm những thảo luận cởi mở của các nữ lãnh đạo với khán giả về những trải nghiệm cá nhân vượt qua định kiến giới trên con đường trở thành những người phụ nữ thành công như ngày hôm nay. Sự kiện cũng tôn vinh ca sỹ/nghệ sĩ hoàng Bách vì những nỗ lực của anh trong vai trò đại diện hình ảnh của phong chào HeForShe - Vì những người phụ nữ quanh ta trong ba năm qua.
"Lên tiếng vì Bình đẳng giới" là sự kiện mở đầu Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái năm 2018 tại Việt Nam với chủ đề #HearMeToo (#LangNgheHanhDong).
"Chúng tôi muốn tạo ra một không gian nơi đối thoại xã hội thực sự có thể khơi gợi sự hiểu thấu và niềm cảm thông về cuộc đời của mỗi cá nhân và trải nghiệm của họ về bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử, cũng như về trao quyền và thay đổi. Một sự kiện để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, trải nghiệm độc nhất của chúng ta về giới, và đồng thời tìm ra những điểm chung giữa chúng ta." - Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình.
Sau sự kiện phát động chiến dịch, hàng loạt các sự kiện khác hưởng ứng Tháng hành động về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của và Chiến dịch 16 Ngày hành động Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em gái sẽ diễn ra trên khắp cả nước để truyền tải tiếng nói mạnh mẽ của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức dân sự xã hội và các nạn nhân trong cuộc chiến xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực giới.
Thông tin liên hệ
- Đoàn Thanh Hà - Tư vấn Truyền thông – UN Women Việt Nam - Email: doan.ha@unwomen.org
Thông tin bổ sung
Danh sách diễn giả & khách mời sự kiện:
- Hoàng Bách – ca sỹ, Đại diện hình ảnh Phong trào HeForShe tại Việt Nam
- Dương Thùy Linh - Hoa hậu Phụ nữ Toàn thế giới 2018
- Mia Nguyễn – Chuyên gia Tư vấn tâm lý tại Công ty Tư vấn tâm lý Ladies of Việt Nam và tham gia giảng dạy tại Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh
- Vũ Minh Lý, nguyên Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Phó Chánh văn phòng TW Hội Nông dân Việt Nam, hiện là Phó giám đôc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Vũ Thị Quyên - Đồng sáng lập và Trưởng bộ phận Quan hệ khách hàng của Công ty cổ phần We-Edit
- Đỗ Hoàng Thái Anh - chủ tịch Chi hội người Điếc Hà Nội
- Chu Thanh Hà - nhà vận động quyền của cộng đồng LGBTIQ+, hiện tại là người sáng lập It's T Time
- Thùy Nguyễn – Tiến sỹ ngành sinh thái rừng, Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam
- Trần Trọng Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân & Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nam giới Tiên phong trong hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái Đà Nẵng
- Lê Ngọc Lan - học sinh cấp 3 và là thành viên tích cực của câu lạc bộ Champions of Change (COC) for Gender Equality and Girls' Rights (Thủ lĩnh của Sự thay đổi vì Bình đẳng giới và quyền trẻ em gái) của quận Đông Anh
- Phạm Thùy Dương - sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – chuyên ngành Tự động hóa
Về Chiến dịch 16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực giới
16 Ngày Hành động Chấm dứt Bạo lực giới là một chiến dịch toàn cầu do UN phát động. Hàng năm, chiến dịch bắt đầu vào ngày 25 tháng 11, Ngày Quốc tế về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, đến ngày 10 tháng 12, Ngày Quốc tế về Nhân quyền. Chiến dịch được khởi xướng bởi các nhà hoạt động tại Viện Lãnh đạo Toàn cầu của Phụ nữ lần đầu tiên vào năm 1991 và được phối hợp hàng năm bởi Trung tâm Phụ trách Lãnh đạo Toàn cầu của Phụ nữ. Chiến dịch được các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới sử dụng là cơ sở để kêu gọi phòng ngừa và loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Để hỗ trợ sáng kiến xã hội dân sự này, dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, Chương trình UNiTE của Liên hợp quốc về Bạo lực chống lại phụ nữ kêu gọi hành động toàn cầu để nâng cao nhận thức, thúc đẩy nỗ lực vận động chính sách, chia sẻ kiến thức và đổi mới. Trong những năm gần đây, chiến dịch UNiTE đã sử dụng màu cam để đại diện cho một tương lai tươi sáng hơn, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trở thành chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động toàn cầu của mình.