Thông cáo báo chí

Hướng tới Bình đẳng giới tại ASEAN qua phương triện truyền thông

21 tháng 10 2018

  • Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2018 - ASEAN, cùng với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), đã tổ chức hội thảo về Giới và Truyền thông. Đây là một trong hàng loạt các sự kiện hướng tới Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phụ nữ sẽ được tổ chức vào cuối tuần này.

Các khuynh hướng và khuôn mẫu giới đã thấm nhuần trong tất cả các hình thức truyền thông tại các quốc gia ASEAN. Phụ nữ thường góp mặt rất ít trên các phương tiện truyền thông, điều đó ngụ ý rằng nam giới mới là tiêu chuẩn, còn vai trò phụ nữ là không quan trọng hoặc không có. Ngoài ra, nam giới và phụ nữ thường được truyền thông miêu tả theo cách khuôn mẫu trong vai trò truyền thống, góp phần phản ánh và duy trì quan điểm về giới đã được xã hội công nhận, cũng như bình thường hóa tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ khi những thông điệp này được tiếp nhận một cách vô thức bởi các trẻ em gái và trẻ em trai đang ở giai đoạn học hỏi về vai trò giới, các em sẽ có cái nhìn méo mó về phụ nữ và trẻ em gái. Việc tiếp xúc liên tục với các loại thông điệp như vậy sẽ làm cho công chúng miễn nhiễm với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới.

Với 74% tổng dân số ASEAN hiện nay có thể truy cập internet thông qua điện thoại di động, nhu cầu cấp thiết là nâng cao kĩ năng phân tích và đánh giá thông điệp truyền thông cho người dùng và nhà sản xuất phương tiện truyền thông, nhằm loại bỏ những cách nhìn nhận phiến diện và định kiến về phụ nữ và trẻ em gái.

"Sự mô tả của truyền thông về quan hệ giữa nam giới và nữ giới nhấn mạnh vai trò truyền thống và bình thường hóa bạo lực đối với phụ nữ. Và cũng thông qua các phương tiện truyền thông, định kiến, khuôn mẫu, nhận thức về giới sẽ bị thách thức và phải thay đổi." – Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam cho biết trong bài phát biểu khai mạc.

Hội thảo tập trung vào việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cấp nhà nước, các chuyên gia truyền thông, báo chí, thanh niên, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác để trao đổi những hiểu biết và quan điểm về nhạy cảm giới trong truyền thông. Các đại biểu và khách mời đã cùng thảo luận cách nâng cao nhận thức về truyền thông để góp phần chống lại các định kiến về phụ nữ và trẻ em gái và chuyển đổi quan hệ giới trong bối cảnh ASEAN.

"Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới", - Tiến sĩ Kung Phoak, Phó Tổng thư ký cho Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN phát biểu. "Điều quan trọng là phụ nữ được miêu tả tích cực trên truyền thông và các cô gái trẻ có thể thấy mình là những tác nhân thay đổi mạnh mẽ, thay vì những người ngoài cuộc thụ động. Quan trọng hơn là các nam thanh niên có thể nhìn nhận nữ giới là đối tác bình đẳng và có khả năng lãnh đạo."

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội nhấn mạnh: "Việc đưa nam giới làm nhân tố thay đổi trong giải quyết các khuôn mẫu giới vẫn là một nhân tố then chốt trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới".

Hội thảo hướng tới việc hoàn thành mục tiêu của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) trong nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan làm việc về phụ nữ. Ủy ban ASEAN về Phụ nữ vẫn sẽ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan ASEAN khác, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, thông tin, văn hóa và nghệ thuật như tại Hội nghị Quan chức cao cấp phụ trách Thông tin (SOMRI) và Hội nghị Quan chức cao cấp về Văn hóa và nghệ thuật (SOMCA).

Liên hệ:

ASEAN

  • Sita Sumrit - Trợ lý Giám đốc (ADR) & Trưởng phòng Xoá nghèo và Phân cấp giới (PEGD), Ủy ban Phát triển con người ASEAN | sita.sumrit@asean.org

UN Women

hoang bich thao

Hoàng Bích Thảo

UN Women
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này