Bữa trưa đầu tiên tại Ngoại giao đoàn
Bài phát biểu tại Bữa trưa đầu tiên tại Ngoại giao đoàn của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ, Việt Nam về Đóng góp của LHQ tại Việt Nam
Thưa ngài Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ nước Cộng hòa Venezuela và Trưởng Ngoại giao đoàn tại Việt Nam;
Thưa các ngài đại sứ;
Thưa Trưởng đại diện các cơ quan LHQ và các tổ chức quốc tế;
Thưa quý ông và quý bà;
Không có bữa trưa nào miễn phí vì vậy tôi phải có bài diễn văn này và tôi e rằng các quý vị sẽ cần lắng nghe tôi.
Thay mặt LHQ tại Việt Nam, tôi hân hạnh được trình bày một số đánh giá về vai trò và đóng góp của LHQ ở Việt Nam và triển vọng trong tương lai tại bữa trưa của Ngoại giao đoàn. Đầu tiên, xin cho phép tôi cảm ơn Đại sứ Venezuela Trưởng ngoại giao đoàn, Ngài Uzcategui vì dưới sự lãnh đạo của ngài đã giúp chúng ta cùng có mặt tại đây ngày hôm nay. Là những đối tác cùng hỗ trợ đất nước này, nghĩa vụ của chúng ta là tiếp tục tăng cường mối quan hệ song phương. Và bữa trưa ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta thực hiện mục tiêu đó – để định vị tốt hơn và tập trung vào các hành động chung của chúng ta. Những hành động này cần hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức phát triển chính đang gặp phải.
Thưa các đồng nghiệp và các bạn,
2
Ít nhất, chúng ta cần nhìn lại một chút – và lý tưởng ra – suy ngẫm lâu hơn về cách thức chúng ta sẽ xác định các hành động của mình như thế nào? Bằng cách nào để chúng ta đảm bảo rằng chúng ta đang đóng góp tích cực cho đời sống của người dân Việt Nam?
Chúng ta đã được trang bị các công cụ và tổ chức song phương và đa phương với mục đích để thực hiện các hành động của chúng ta. Chương trình nghị sự 2030, theo đó tất cả các chính phủ và các tổ chức của các bạn đã thông qua và hiện hỗ trợ thông qua LHQ là một trong các công cụ quan trọng chính. Theo khẩu hiệu trong Chương trình nghị sự 2030 cũng như theo những chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất của LHQ, LHQ là nơi duy nhất ở vị trí tiếp tục xây dựng những cầu nối và quan hệ không thiên vị nhằm tạo tiếng nói cho những quan điểm và các nhóm đa dạng và định hướng cho cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt tuân thủ các giá trị toàn cầu khi chúng ta hỗ trợ người dân của đất nước này.
Như các bạn đã biết, LHQ ở Việt Nam có một lịch sự lâu đời và đặc biệt. Các cơ quan LHQ là những đối tác quốc tế đầu tiên có mặt tại quốc gia này để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975. Và kể từ đó, hệ thống LHQ đã tích cực tham gia ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương để hỗ trợ Việt Nam. Hỗ trợ này, được minh chứng qua quan hệ đối tác mạnh mẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam trong vòng 4 thập kỷ qua, và có phối hợp với nhiều nước hay tổ chức của các bạn nhằm tập trung hỗ trợ Việt Nam hồi phục từ hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, khôi phục sản xuất trong nước và khôi phục nền kinh tế và hỗ trợ quốc gia chuyển đổi thành một dân tộc hướng về tương lai. Hỗ trợ này cũng bao gồm hỗ trợ quan trọng của LHQ khi quốc gia tiến hành cải cách nhằm hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – "Đổi Mới" – những hỗ trợ này diễn ra rất lâu trước khi Ngân hàng Thế giới, IMF hay nhiều quốc gia của các bạn có mặt ở đây thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam.
Các đồng nghiệp và các bạn Ngoại giao đoàn thân mến,
Trên một số lĩnh vực, Việt Nam là một câu chuyện thành công. Quá trình chuyển đổi trong vài thập kỷ quả thật đáng kinh ngạc. Trong khi không thể phủ nhận rằng vẫn còn rất nhiều thách thức, và những thách thức này ngày càng trở nên phức tạp, tất cả chúng ta đều có thể thống nhất rằng chuyển đổi của Việt Nam trong vòng 4 thập kỷ qua cho tới nay thật đáng ngưỡng mộ, nhất là khi chúng ta xem xét tới lịch sử gần đây trong vòng hơn 3 thập kỷ ngay trước năm 1975.
Chúng ta đều góp phần trong quá trình chuyển đổi này của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của người dân và của Chính phủ nước này. Trong tương lai, điều quan trọng là tất cả chúng ta đều vạch ra các hành động theo phương thức giúp giải quyết tốt nhất các thách thức phức tạp ngày càng gia tăng này.
Tháng 7 năm ngoái, tôi, thay mặt cho 18 cơ quan LHQ tại Việt Nam ký kết Kế hoạch chiến lược chung LHQ giai đoạn 2017-2021 với Chính phủ Việt Nam. Đây là khung hợp tác chiến lược chung của LHQ thế hệ thứ ba. Và Kế hoạch này được thiết kế xoay quanh các chủ đề chính trong Chương trình nghị sự 2030: People (Con người), Planet (Hành tinh), Prosperity (Thịnh vượng), và Peace (Hòa bình). Mục tiêu chính của Chương trình nghị sự 2030 là "không bỏ ai lại phía sau". Và đây tiếp tục là một trong các giá trị mà chúng tôi luôn nói tới với nhân viên LHQ và tôi nghĩ tôi cũng có thể nói với các bạn, thay mặt cho các nước thành viên LHQ, hoàn toàn chia sẻ giá trị này.
Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho nỗ lực cải cách LHQ thông qua sáng kiến Thống nhất hành động, theo đó Việt Nam đã tự nguyện thực hiện thí điểm ngay từ giai đoạn đầu năm 2006. Kết quả của nỗ lực này đã tăng cường tính thống nhất của LHQ về chương trình, chính sách, thông điệp vận động và vận hành và cũng giúp xây dựng Ngôi nhà chung xanh LHQ tại Hà Nội – hiện đang là một trong các khu phức hợp tổng thể đầu tiên của LHQ trên thế giới. Nhiều người trong số các bạn đã tới văn phòng của chúng tôi. Tôi muốn mời tất cả các bạn, những người chưa tới thăm văn phòng của chúng tôi sớm tới thăm các đồng nghiệp LHQ của tôi và tới thăm tôi ở đây.
Kinh nghiệm cải cách LHQ trong một thập kỷ qua đã cung cấp thêm thông tin cho các cải cách hệ thống phát triển LHQ hiện đang được Tổng Thư ký LHQ và các nước thành viên chủ trì thực hiện và các bên sẽ đưa ra quyết định về nhiều cải cách đối với hệ thống phát triển LHQ, đối với cấu trúc hòa bình và an ninh của LHQ và cải cách quản lý trong năm 2018. Những cải cách này hoàn toàn phù hợp với nội dung cải cách LHQ mà LHQ tại Việt Nam đã tiên phong thực hiện và hiện đang dẫn đầu trong quá trình này. Điều này nghĩa là Việt Nam tiếp tục là nước tiên phong và tiếp tục đi đầu trong chương trình nghị sự cải cách hệ thống phát triển của LHQ.
Thưa quý ông và quý bà,
Tôi hy vọng rằng những cải cách LHQ sẽ được các nước thành viên LHQ thống nhất trong năm nay và sẽ cho phép chúng tôi với tư cách một gia đình LHQ, phối hợp với các bạn, nhằm đóng góp tốt hơn cho quá trình phát triển ở Việt Nam. Và điều này sẽ giúp chúng ta giải quyết các thách thức ngày càng phức tạp ở Việt Nam.
Xin cho phép tôi nhấn mạnh 4 thách thức trong nước và là ưu tiên của LHQ ở Việt Nam trong thời gian tới: Thứ nhất, các hiện tượng thời tiết tàn phá ngày càng gia tăng cho thấy tính dễ bị tổn thương cao của Việt Nam trước biến đổi khí hậu và các rủi ro thiên tai và liên quan tới vấn đề này, cần đặc biệt quan tâm tới bộ phận dân chúng cận nghèo đang bị bỏ qua, những người mới thoát nghèo gần đây song rất dễ tái nghèo sau.
Thứ hai, các biện pháp nhằm tăng cường tính cạnh tranh, năng suất và sáng tạo của Việt Nam đồng thời thúc đẩy nền kinh tế xanh và có khả năng thích ứng đóng vai trò cốt lõi. Các biện pháp này bao gồm tập trung thúc đẩy các kỹ năng trong thế kỷ 21 trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh này, cần đặc biệt tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam.
Thứ ba, Chính phủ cần nhấn mạnh hơn vào cách tiếp cận đối tác "toàn xã hội" nhằm tích cực huy động khu vực tư nhân và xã hội dân sự ở Việt Nam. Điều này bao gồm tập trung trao quyền cho phụ nữ và cho các nhóm như dân tộc thiểu số và các nhóm dân "đã bị bỏ lại phía sau" do cách tiếp cận về phát triển hiện nay và trước đây ở Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn một số công ước và hiệp ước nhân quyền của LHQ và chúng tôi ngợi khen và đánh giá cao việc đó, hệ thống LHQ ngày càng bộc lộ các quan ngại về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, các phong trào, việc bắt giữ hành chính, việc giam giữ những người bảo vệ cho nhân quyền, các blogger và các nhà hoạt động xã hội và việc tiếp tục sử dụng án tử hình và những vấn đề nhân quyền khác trong đó có bao gồm bình đẳng giới và quyền lao động.
Những vấn đề này cần được giải quyết bằng phương thức thực tế và tiến bộ. Về lĩnh vực này, cho phép tôi nhấn mạnh rằng tháng 1/2019, Việt Nam sẽ thực hiện Đánh giá định kỳ toàn cầu lần (UPR) lần thứ ba trong Hội đồng nhân quyền LHQ. LHQ đã bắt đầu quá trình tham vấn và hỗ trợ Chính phủ và xã hội dân sự nhằm báo cáo UPR và với tư cách là Điều phối viên thường trú LHQ, tôi có trách nhiệm chuyển báo cáo của Việt Nam tới UPR lần thứ 3 của Việt Nam tại Geneve vào đầu tháng 7 năm nay.
Thưa quý ông và quý bà,
Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hiện hỗ trợ của LHQ cho chương trình tôi gọi là "trả lại trên toàn cầu" ngày càng tăng. Chương trình này có hai yếu tố trong đó LHQ và tôi đang ưu tiên và có một nhân tố thứ ba sẽ trong giai đoạn trung và dài hạn.
Thứ nhất, quan hệ Nam – Nam và hợp tác tam giác phù hợp về chiến lược với các nước thu nhập thấp và những nước xung đột hoặc khủng hoảng và các nước này có thể học hỏi kinh nghiệm tốt nhất từ Việt Nam – nước mới gần đây ra khỏi tình trạng như trên: Việt Nam hiện nay không còn là nước thu nhập thấp, có xung đột hay khủng hoảng! Khía cạnh tam giác là nơi các nước thành viên LHQ, đặc biệt là các nước phát triển hơn có thể thực hiện vai trò quan trọng ở đây.
Thứ hai, hỗ trợ vai trò và đóng góp của Việt Nam cho việc gìn giữ hòa bình trên toàn cầu, thực hiện sứ mệnh đầy đủ, từ một nước có xung đột kéo dài hàng thập kỷ tiến tới một nước có đóng góp chính nhằm duy trì hòa bình trong những tình huống xung đột kéo dài trên thế giới. Tôi đã vận động có một chiến lược gìn giữ hòa bình có điều phối trong thời gian dài hạn cho Việt Nam và dưới sự lãnh đạo và điều phối của Chính phủ Việt Nam thay vì cách tiếp cận hiện thời nhỏ lẻ của Chính phủ và nhiều nhà tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này, và chúng tôi hy vọng sẽ cùng Chính phủ tổ chức một hội thảo về gìn giữ hòa bình với mục tiêu này vào mùa hè năm nay và tôi hy vọng các bạn sẽ tham dự và ủng hộ.
Hai chương trình nghị sự này cần hành động ngày lập tức và chúng tôi đang hỗ trợ. Thứ ba, xây dựng năng lực thể chế của Việt Nam để xây dựng một chương trình hợp tác phát triển và/hoặc một cơ quan hợp tác phát triển là mục tiêu lâu dài nhưng cũng đáng suy nghĩ từ bây giờ.
Thưa các đồng nghiệp, trong khi các thách thức như tôi vừa nhấn mạnh là rất lớn, tôi tin tưởng rằng các hành động chung của chúng ta có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức này. Chúng ta may mắn được phục vụ và làm việc ở một quốc gia với những khát vọng cao nhất. Thành công của hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây minh chứng cho tiền đó và minh chứng cho khả năng đã được chứng minh của Việt Nam khi phát triển theo những con đường tích cực mới và đạt được những đỉnh cao mới một khi đã có quyết định chung của cấp lãnh đạo chính trị cao nhất.
Cho phép tôi kết luận bằng việc nhấn mạnh rằng LHQ, với hỗ trợ của các bạn, đại diện cho các nước thành viên LHQ, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực nhằm giải quyết các thách thức hiện thời và đang nổi lên. Chúng tôi mong muốn cùng phối hợp với các bạn để làm việc này, phù hợp với Khung Chương trình nghị sự toàn cầu 2030. Đặc biệt, LHQ sẽ tiếp tục là xúc tác để giới thiệu các kiến thức và những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất cũng như cung cấp tư vấn chính sách về những thông lệ tốt nhất trong hệ thống LHQ cũng như từ các bên liên quan khác.
Thưa các đồng nghiệp, như tôi đã nói lúc ban đầu, không có bữa trưa miễn phí nào cả, và tôi cũng như vọng những thông tin tôi mới chia sẻ đã giúp quý vị có thông tin thêm để cùng suy ngẫm.
Tôi hy vọng những thông tin này sẽ giúp chúng ta có những thảo luận sôi nổi trong bữa trưa hôm nay!
Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị.