Công bố Kế hoạch hành động CRVS giai đoạn 2017-2021
Phát biểu khai mạc của Ông Kamal Malhotra Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
Thưa ông Lê Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Thưa ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
Thưa đại diện của các bộ ban ngành và các tỉnh;
Thưa các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, các cơ quan LHQ, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan báo chí;
Thưa quý ông quý bà;
Trước tiên, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về đăng ký hộ tịch và các dữ liệu dân cư cơ bản (CRVS) giai đoạn 2017-2021.
Một hệ thống thống kê cơ bản và đăng ký dân cư tốt là nguồn cung cấp dữ liệu đầy đủ, kịp thời và liên tục nhất về dân số như có bao nhiêu trẻ sơ sinh, bao nhiêu người đã chết và lý do chết.
Nếu chúng ta không biết rõ, hiện tại đang có bao nhiêu người sống tại quốc gia này, họ ra đời khi nào, họ sống ở đâu, gia đình họ có bao nhiêu người, họ chết khi nào, vì sao họ chết, thì rõ ràng, họ vẫn chưa hiện hữu đối với các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy dữ liệu thống kê đầy đủ và chính xác, thông qua các bản đăng ký dân cư có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách của quốc gia và địa phương và đo lường các kết quả phát triển.
Đăng ký dân cư cũng cung cấp các chứng cớ về tên người, mối quan hệ gia đình, số lượng trẻ em sinh ra, nguyên nhân gây ra chết chóc ở các nhóm dân khác nhau. Điều này có vai trò quan trọng về bảo trợ xã hội, cho phép tham gia về kinh tế và chính trị và để có thể tiếp cận các dịch vụ như y tế và giáo dục.
Đăng ký dân cư là ghi nhận những mảnh đời còn chưa được biết tới và ghi nhận những người vẫn còn nằm ngoài những con số thống kê chính thức. Vì vậy, đăng ký dân cư nhằm đạt được mục tiêu SDG "không ai bị bỏ lại phía sau" và do vậy, đóng vai trò quan trọng để Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Hơn ¼ số mục tiêu, chính xác là 45 trong số 169 mục tiêu SDG sẽ cần tới các dữ liệu từ hệ thống CRVS, chủ yếu là các thông tin liên quan tới dân số để phục vụ các mục tiêu liên quan tới dân số nói chung. Đây vẫn là một thách thức vì ước tính ít nhất 135 triệu trẻ em ở châu Á Thái Bình Dương chưa được đăng ký chính thức, hoặc chưa được tính đến chính thức và ở một số quốc gia trong khu vực, hiện cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ chưa được đăng ký.
Tương tự như vậy, trên toàn cầu, cứ 10 cái chết thì có tới 9 cái chết hoặc chưa được đăng ký hoặc được xác nhận không đúng.
Thưa quý vị,
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng đăng ký dân cư và các dữ liệu cơ bản của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua dưới nhiều hình thức khác nhau. Đã hỗ trợ kỹ thuật để sửa các văn bản luật, thông tư cũng như đăng ký khai sinh, và đăng ký nguyên nhân tử vong, đặc biệt đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, người nhập cư, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Gần đây nhất, WHO, với sự hỗ trợ của UNFPA và UNICEF đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động mà chúng ta công bố ngày hôm nay. Các cơ quan LHQ cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia các cuộc họp toàn cầu và các diễn đàn quốc tế về CRVS.
Với kế hoạch hành động này, Việt Nam hiện đã có chiến lược để có thể xây dựng một hệ thống CRVS hoạt động tốt và đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị bộ trưởng Châu Á Thái Bình Dương về CRVS năm 2014. Cam kết bao gồm thiết lập các mục tiêu quốc gia trong Khung hành động khu vực và hành động nhằm đạt được các mục tiêu này trong thập kỷ CRVS ở châu Á Thái Bình Dương cho tới năm 2024.
Việt Nam cần đảm bảo hệ thống CRVS sẽ được sử dụng để cung cấp thông tin và các bằng chứng cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia trong các lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, dân số và quyền con người.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn chung để đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tính đến, sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực điều phối và tập trung nhằm xây dựng và tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được ba mục tiêu cơ bản sau:
a. Phổ cập đăng ký ở 63 tỉnh thành;
b. Tài liệu luật pháp đầy đủ và
c. Các số liệu thống kê cơ bản tổng hợp dựa trên đăng ký dân cư.
Những lĩnh vực hành động này sẽ là cơ sở để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển tập trung và nỗ lực nhằm thực hiện và hỗ trợ chiến lược hành động quốc gia CRVS đa lĩnh vực và toàn diện, trong đó bao gồm cả xác định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.
Tôi rất vui mừng biết rằng cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia sẽ diễn ra chiều nay. Điều này cho thấy cam kết chính trị của Việt Nam và ý chí của các bên liên quan nhằm điều phối chính sách và luật pháp giữa các bộ ngành khác nhau.
Ban chỉ đạo quốc gia là cơ quan quan trọng nhằm thực hiện Kế hoạch hành động. Ủy ban này cần là cầu nối giữa các bộ ngành, hướng dẫn và giám sát cũng như vận động để có khoản đầu tư bền vững cho đăng ký công dân và các dữ liệu thống kê cơ bản.
Trong khi LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam để kết nối tất cả các đối tác ở các cấp từ trung ương, tỉnh và xã, chúng tôi mong muốn sớm tổ chức một cuộc họp chung giữa Ban chỉ đạo quốc gia và Liên Hợp Quốc để có thể điều phối tốt hơn hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật của chúng ta với các bên liên quan khác.
Để kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong khi chúng ta nói về xây dựng các dữ liệu cơ bản, chúng ta không thể quên rằng, đằng sau mỗi con số chính là một con người - một đồng loại của chúng ta và xứng đáng được yêu thương.
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện Chiến lược CRVS đa ngành và tổng hợp này.