Thông cáo báo chí

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của Mạng lưới một hành tinh với chủ đề SỰ CHUYỂN ĐỔI CẦN THIẾT

24 tháng 4 2023

Hội nghị này sẽ có hơn 200 đại biểu tham dự từ khắp nơi trên thế giới nhằm thảo luận về cách thức giải quyết những thách thức cấp bách trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua cách tiếp cận có hệ thống, cùng với nhận thức ngày càng tăng về các đánh đổi liên quan trong việc hướng đến mục tiêu giảm suy dinh dưỡng và suy thoái môi trường, đồng thời tăng cường sự thịnh vượng bao trùm.

Ngày 20 tháng 4 năm 2023, tại Hà Nội. Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới một hành tinh của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 24 đến 27 tháng 4 năm 2023. Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về sự cần thiết của việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm vượt qua tác động của các cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa và có liên hệ với nhau về khí hậu, đa dạng sinh học, xung đột, năng lượng, giá cả, nạn đói, suy dinh dưỡng và sức khỏe, từ đó đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Hội nghị này cũng là một hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị đánh giá tiến độ năm 2023 đối với các thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ, dự kiến diễn ra tại Rome (Ý) từ ngày 24 đến 26 tháng 7 năm 2023.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có nhiều phiên họp, trong đó có Đối thoại giữa các cơ quan triển khai quốc gia (các Đối thoại UNFSS), cũng như một loạt các sự kiện bên lề.

Mạng lưới một hành tinh là một cơ chế được thành lập với sự tham gia của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tại Hội nghị Rio+20 về Phát triển bền vững. Trong số sáu Chương trình chuyên đề của Mạng lưới này, Chương trình về Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) là một chương trình hợp tác đa bên toàn cầu với hơn 190 nước thành viên tham gia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tiêu dùng và sản xuất theo hướng bền vững đối với tất cả các yếu tố hình thành nên các hệ thống lương thực, thực phẩm. Chương trình SFS nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận tổng hợp và bao trùm hơn nhằm giải quyết thành công nhiều thách thức hiện nay liên quan đến tính thiếu bền vững của các hệ thống lương thực, thực phẩm.

Hội nghị nhằm mục đích chia sẻ và thảo luận về các hành động, công cụ và sáng kiến chuyển đổi đã được đưa ra kể từ sau UNFSS (tháng 9/2021) nhằm thúc đẩy việc tiếp thu và tăng cường các công cụ và sáng kiến chuyển đổi trong các quy trình xây dựng chính sách ở cấp quốc gia và địa phương.

Một mục tiêu khác của Hội nghị là thúc đẩy hơn nữa cách tiếp cận theo hệ thống lương thực, thực phẩm, quản trị bao trùm và hợp tác ở tất cả các cấp – bao gồm cả các quy trình chính sách đa phương và đặc biệt là các Công ước Rio – nhằm khuyến khích việc áp dụng các quy trình này trong quá trình xây dựng các kế hoạch hành động đa ngành hướng tới tiêu dùng và sản xuất bền vững trong các hệ thống lương thực, thực phẩm;

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan triển khai ở cấp quốc gia, các liên minh UNFSS, các sáng kiến đa bên khác, cũng như các tác nhân tham gia trong hệ thống lương thực, thực phẩm như thanh niên, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nông dân, nhằm tăng cường năng lực và thúc đẩy nỗ lực tập thể trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững, chuẩn bị cho Hội nghị tháng 7 tới.

Hội nghị cũng là cơ hội cho các bên liên quan giới thiệu những thành tựu ban đầu trong việc triển khai các thỏa thuận tại UNFSS, bao gồm việc giới thiệu các công cụ và kỹ thuật giải quyết sự phụ thuộc lẫn nhau và các đánh đổi trong giải quyết những thách thức đối với hệ thống lương thực, thực phẩm, cho phép chia sẻ các bài học và kinh nghiệm, nhằm mục đích củng cố các liên minh và các sáng kiến chung, từ đó có những hành động cụ thể để hỗ trợ cho các Kế hoạch hành động quốc gia.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận về những thách thức đối với các hệ thống lương thực, thực phẩm, đồng thời chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác từ khắp nơi trên thế giới, tập trung vào các nước trong khu vực Châu Á.

"Chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực chưa từng có tiền lệ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hành động ngay bây giờ thông qua việc hợp tác toàn cầu. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng này không có thời gian để chờ đợi chúng ta hợp tác. Các thế hệ tương lai, những người trông đợi vào việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm để đảm bảo quyền con người của mình đối với việc có đủ lương thực, sinh kế ổn định và một hành tinh khỏe mạnh, cũng không có thời gian chờ đợi." - Đại sứ Gabriel Ferrero, Chủ tịch Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới của LHQ.

Chủ nhà của Hội nghị lần này là Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chính, cùng với các đồng chủ trì trong các phiên họp cụ thể, bao gồm Chương trình hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; Chính phủ Thụy Sĩ; Costa Rica; Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF); Trung tâm điều phối các hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ;… Một Ban Tổ chức cũng đã được thành lập gồm Liên minh giữa Tổ chức Đa dạng sinh học quốc tế & CIAT, Hiệp hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển nông thôn bền vững, Rikolto, Nhóm hành động vì trẻ em và thanh niên, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Các hỗ trợ trong công tác tổ chức cũng đến từ INRAe, Liên minh Hành động Thực phẩm, Project X, Mạng lưới Dinh dưỡng LHQ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Liên minh World Benchmarking. Ngoài ra còn có các hỗ trợ quý báu khác đến từ ACIAR, Canada, Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR, CGIAR ILRI, Sáng kiến về chế độ ăn uống lành mạnh bền vững của CGIAR, CIFOR-ICRAF, CIRAD, IKI – Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV), Ireland, Đối tác Một sức khỏe, Oxfam và UNIDO.

Hội nghị sẽ diễn ra tại Khách sạn Sheraton Hà Nội.

Với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ rất nhiều cơ quan chính phủ, công ty tư nhân, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu, cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc, Hội nghị lần này sẽ có nhiều diễn giả khác nhau, bao gồm ngài Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; ngài Maury Hechavarría Bermúdez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba; ngài Christian Hofer, Giám đốc Văn phòng Nông nghiệp Liên bang Thụy Sĩ; ngài Saboto Caesar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Quần đảo Saint Vincent & Grenadines; ngài Meles Mekonen, Quốc Vụ khanh phụ trách nông nghiệp và làm vườn của Ethiopia; Đại sứ Gabriel Ferrero, Chủ tịch CFS; ngài Sok Silo, Tổng Thư ký, Hội đồng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (CARD), Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia; bà Su McCluskey, Đại diện Đặc biệt về Nông nghiệp Úc; bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký UNCTAD; ông Joao Campari, Trưởng Ban Lương thực Toàn cầu, WWF; bà Corinna Hawkes, Trưởng Ban Hệ thống lương thực, thực phẩm và An toàn thực phẩm của FAO; ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; bà Nadine Gbossa, Trưởng Ban điều phối các hệ thống lương thực, thực phẩm của IFAD kiêm Trưởng Ban Thực thi của Trung tâm điều phối các hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc; Tiến sĩ Ann Trevenen-Jones, Quản lý Chương trình Quản trị Hệ thống lương thực, thực phẩm tại Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN), cùng nhiều diễn giả khác.

 

Để biết thêm thông tin xin liên hệ:

Ông Michael Mulet Solon (WWF): Michael.Mulet@wwf.de

 

Một hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững nghĩa là gì?

Hệ thống lương thực, thực phẩm tập hợp tất cả các yếu tố (môi trường, con người, đầu vào, quy trình, cơ sở hạ tầng, thể chế), các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, chuẩn bị và tiêu dùng thực phẩm, cũng như tác động của những hoạt động nói trên, bao gồm cả tác động về kinh tế và môi trường.

Một hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) là một hệ thống mang lại an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người theo cách thức không gây tổn hại tới các nền tảng về kinh tế, xã hội và môi trường cho việc sản xuất lương thực cho các thế hệ tương lai.

Nói cách khác, hệ thống lương thực, thực phẩm quyết định số lượng, chất lượng và sự đa dạng của lương thực, thực phẩm sẵn có cho tiêu dùng. Quá trình đô thị hóa ngày càng tăng, sự thay đổi trong cách tiêu dùng thực phẩm, và các cách sản xuất và chế biến thực phẩm mới đã làm thay đổi số lượng, chất lượng, cũng như các tác động về xã hội và môi trường của lương thực, thực phẩm được tiêu dùng ngày nay.

Theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, các hệ thống lương thực, thực phẩm phải đảm bảo dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả mọi người, theo cách bền vững hơn, giảm thiểu biến đổi khí hậu, với mục đích đảm bảo đủ lương thực và cuộc sống lành mạnh cho tất cả mọi người cả ở hiện tại và trong tương lai.

 

Vu Thi Ngoc Diep

Vũ Thị Ngọc Diệp

FAO
Đầu mối về Truyền Thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

FAO
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNEP
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này