Giảm tác hại từ chemsex: Hỗ trợ của nhân viên tiếp cận cộng đồng
Giảm tác hại từ chemsex: Hỗ trợ của nhân viên tiếp cận cộng đồng
Trên đường phố đông đúc của Tp. Hồ Chí Minh, Lai (không phải tên thật), một nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ) có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn HIV, đã trở thành một anh hùng thầm lặng trong việc thúc đẩy các dịch vụ giảm hại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng liên quan đến một vấn đề mới nổi: chemsex.
Chemsex là hành vi sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục, diễn ra chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới. Chemsex làm tăng các nguy cơ về sức khỏe do tác dụng tức thời của việc sử dụng chất kích thích, như quan hệ tình dục không an toàn, nguy cơ lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần[1].
Hành trình của Minh đến với nhận thức và tiếp nhận hỗ trợ
Lai lần đầu biết đến Minh thông qua một tin nhắn trên tài khoản mạng xã hội của mình. Anh sử dụng tài khoản này để tiếp cận những người MSM và người chuyển giới có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Minh, sinh viên năm nhất đại học đến từ một tỉnh thành phía nam, tỏ ra lo lắng trong suốt cuộc trò chuyện với Lai.
"Em nghĩ rằng em đã phơi nhiễm HIV và cần được hỗ trợ xét nghiệm", Minh bày tỏ.
Minh kể lại rằng những khó khăn về tài chính đã khiến Minh tham gia vào quan hệ tình dục có lợi ích, và đó là nơi Minh đã biết đến chemsex. Với ảnh hưởng của chất kích thích được cho dùng, Minh cảm thấy bất lực, không đủ tỉnh táo để tuân thủ giới hạn thường đặt ra cho bản thân, và bởi vậy có hành vi nguy cơ. Mặc dù Minh biết tầm quan trọng của bao cao su, nhưng các chất kích thích này thường khiến tâm trí Minh trở nên kém nhạy bén sau khi dùng, khiến Minh dễ chấp nhận và tham gia vào các hành vi có hại cho sức khỏe.
Lai đã nhanh chóng tư vấn, xét nghiệm HIV cho Minh, sử dụng những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo và rèn luyện thực tế về tư vấn giảm hại liên quan đến HIV và chemsex. Khi xét nghiệm cho kết quả không phản ứng (âm tính với HIV), Lai tiếp tục trao đổi với Minh về sức khỏe tình dục và các biện pháp giảm hại, bao gồm cả các nguy cơ liên quan đến chemsex. Với sự đồng thuận của Minh, Lai đã lập tức hỗ trợ Minh tiếp cận thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và đưa Minh đi làm các xét nghiệm kiểm tra để bắt đầu điều trị PrEP. Sự đồng hành của Lai đã giúp Minh nhanh chóng được uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – một biện pháp có hiệu quả rất cao trong phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Ba tháng sau đó, Minh vẫn đang tuân thủ tốt phác đồ điều trị PrEP và duy trì được tình trạng âm tính với HIV, đồng thời Minh cũng cho biết đã có thể kiểm soát tốt hơn cuộc sống của bản thân. Sự hỗ trợ liên tục của Lai không chỉ giúp Minh bảo vệ sức khỏe, mà còn giúp bạn lấy lại sự tự tin và tự chủ, có thể chủ động ra quyết định vể bản thân.
Vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng
Trường hợp của Minh không phải là duy nhất. Chemsex đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dữ liệu của Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho thấy sự gia tăng các vụ bắt giữ ma túy đá ở Việt Nam[2]; Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, MSM tham gia chemsex có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn 6-8 lần. Việc sử dụng chất kích thích trong hoạt động tình dục làm tăng sự lây lan của HIV và STI, là nguy cơ cho sức khỏe của các cá nhân và cả cộng đồng nói chung. Để ứng phó với vấn đề này, Bộ Y tế, UNAIDS và UNODC đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng và các nhà khoa học để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dự phòng HIV dựa trên bằng chứng khoa học cho những nhóm dân số có nguy cơ cao.
Những NVTCCĐ tuyến đầu như Lai đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác hại cho sức khỏe do hành vi chemsex, là điểm đến đầu tiên của cộng đồng để hỗ trợ giải quyết những nhu cầu chăm sóc sức khỏe liên quan đến sử dụng chất kích thích, sức khỏe tình dục và dự phòng HIV. NVTCCĐ, với nhiệt huyết, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong tư vấn, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giúp những người thuộc các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương tiếp cận dịch vụ mà họ cần. Người có hành vi chemsex thường che giấu do sợ bị kỳ thị, và phải dựa vào các NVTCCĐ để được tư vấn về nguy cơ, biện pháp giảm hại và chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và thân thiện.
Tác động tích cực trong bảo vệ sức khỏe cho khách hàng mà Lai đạt được là kết quả của việc anh đã làm công tác tư vấn HIV nhiều năm và gần đây đã tham gia chương trình đào tạo thí điểm về can thiệp chemsex do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNAIDS, UNODC và Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. Sáng kiến này cung cấp cho NVTCCĐ thông tin, kiến thức chính xác và toàn diện cũng như các kỹ năng thực hành để tư vấn, đánh giá nguy cơ về chemsex, bao gồm dự phòng quá liều, các phương pháp giảm hại và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Phương pháp tiếp cận lấy con người và cộng đồng làm trung tâm được sử dụng xuyên suốt trong sáng kiến này thông qua sự hợp tác, tham vấn với các NVTCCĐ như Lai và các thành viên cộng đồng khác trong tất cả các bước triển khai, từ thiết kế tài liệu đến xây dựng thí điểm các nội dung trong chương trình đào tạo. Phản hồi, góp ý của các thành viên cộng đồng có kinh nghiệm đã giúp việc xây dựng chương trình đào tạo thực sự hướng đến giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người bị ảnh hưởng bởi chemsex. Mối quan hệ hợp tác đối tác này thúc đẩy việc tạo dựng một ứng phó mang tính bao trùm hơn và tạo tác động lớn hơn đối với HIV và nguy cơ về sức khỏe khác liên quan đến chemsex.
Xây dựng năng lực và hỗ trợ là ưu tiên để giải quyết vấn đề về y tế công cộng
Lai cho biết: “Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm tiếp cận, tư vấn HIV, NVTCCĐ chúng tôi đang chứng minh rằng chúng tôi có thể giành chiến thắng ngay cả trong những trận chiến thầm lặng nhất. Để giải quyết các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến chemsex, cần có một môi trường thuận lợi được các cơ quan chức năng và người dân tạo điều kiện để chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại. Các NVTCCĐ cũng cần được đào tạo, nâng cao năng lực thường xuyên để cập nhật kiến thức về chemsex và từ đó có thể cung cấp tư vấn, hỗ trợ phù hợp”.
Việc tiếp tục củng cố một môi trường thuận lợi để cung cấp dịch vụ là vô cùng quan trọng. Điều này có nghĩa là tăng cường hơn nữa các hoạt động giảm kỳ thị, cung cấp dịch vụ không phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của NVTCCĐ để họ có thể thực hiện vai trò của mình một cách hiệu quả. Vai trò lãnh đao của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của cộng đồng nói chung, các hoạt động xây dựng năng lực cho người cung cấp dịch vụ cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công là rất quan trọng đối với những nỗ lực này.
Ts. Bs. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết “Liệu pháp tâm lý - một biện pháp giảm hại cho những người sử dụng ma túy dạng kích thích - đã được đưa vào Nghị định của Chính phủ năm 2024 về hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Đây là bước tiến mới nhất của chúng tôi trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để bảo vệ sức khỏe cho nhóm đối tượng đích này, sau khi đã có Hướng dẫn Quốc gia của Bộ Y tế về can thiệp dự phòng HIV cho người MSM tham gia chemsex”.
Ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia của UNAIDS cho biết: “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm ngăn ngừa lây nhiễm HIV và giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác của những người có hành vi chemsex. Năm tới đây 2025, chúng tôi sẽ hỗ trợ hoàn thiện chương trình đào tạo này cho NVTCCĐ và sẽ phối hợp với UNODC để hỗ trợ tổ chức đào tạo giảng viên nguồn”.
Những NVTCCĐ như Lai là nơi gửi gắm niềm tin cho những cá nhân đang bj ảnh hưởng bởi chemsex và đối mặt với nguy cơ về sức khỏe. Sự chia sẻ, tận tụy và cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm của họ đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương và thể hiện cam kết của các tổ chức cộng đồng đối với công tác bảo vệ sức khỏe người dân nói chung.
[1]UNAIDS và UNDOC (2024). Bộ công cụ về chemsex dành cho các nhà cung cấp dịch vụ lâm sàng Châu Á - Thái Bình Dương. Truy cập từ https://unaids-ap.org/wp-content/uploads/2024/11/chemsex-toolkit-for-clinical-service-providers-in-the-asia-pacific-khu vực_05112024.pdf
[2] UNODC (2024). Ma túy tổng hợp ở Đông Á và Đông Nam Á: Những phát triển và thách thức mới nhất năm 2024. Truy cập từ https://www.unodc.org/roseap/uploads/documents/Publications/2024/Synthetic_Drugs_in_East_and_Southeast_Asia_2024.pdf