Thông cáo báo chí

1 trên 7 trẻ em trên thế giới sinh ra bị nhẹ cân tuy nhiên Số trẻ em sinh ra bị nhẹ cân ở Việt Nam ở mức ổn định ít thay đổi trong vòng 15 năm qua – Theo The Lancet Global Health, UNICEF và WHO

16 tháng 5 2019

  • NEW YORK/ LONDON/GENEVA/HÀ NỘI, 16 tháng 5 năm 2019: Hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới sinh ra bị nhẹ cân (nhẹ hơn 2500 gam; 5,5 pounds) năm 2015 – tương đương với khoảng 1 trên 7 trẻ sơ sinh trên thế giới bị nhẹ cân, theo nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được công bố trên tập san y khoa The Lancet Global Health. Số liệu từ báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân của Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương (8,2% năm 2015). “Con số này rất đáng khích lệ”, Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ, “tuy nhiên đây là tỷ lệ trung bình quốc gia, và con số này chưa đưa ra được một bức tranh toàn diện và có thể còn chưa thể hiện sự khác biệt, ví dụ 28% bà mẹ trong nhóm các bà mẹ nghèo nhất không sinh nở tại các cơ sở y tế, và trong trường hợp này cân nặng của trẻ sơ sinh thường chưa được ghi chép lại”, Bà Rana cho biết thêm.

Đánh giá về vấn đề cân nặng của trẻ sơ sinh ở 148 quốc gia, rà soát 281 triệu ca sinh, những ước tính lần đầu tiên được đưa ra này, chỉ ra rằng trên thế giới tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm nhẹ từ 17,5% năm 2000 (22,9 triệu ca sinh sống nhẹ cân) xuống còn 14,6% năm 2015 (20,5 triệu). Ở Việt Nam tình hình này cũng tương tự, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm 1%, từ 9,2% năm 2000 xuống còn 8,2% năm 2015; Tiê trẻ sơ sinh bị nhẹ cân không thay đổi lớn và vẫn ở mức 130.000 hàng năm trong khoảng thời gian này.

Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến trên 80% ca tử vong trẻ sơ sinh. Đối với những trẻ sơ sinh sống sót được – trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thấp còi, bị các vấn đề về phát triển và thể chất sau này khi lớn lên. Kêu gọi khẩn trương chú trọng đến việc giảm số trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, nghiên cứu đưa ra thách thức với chính phủ các quốc gia giàu cũng như nghèo cần tập trung và làm nhiều hơn nữa.

“Chúng ta có thể đạt được những tiến triển và cải thiện tình hình nếu tập trung nhiều hơn nữa cho chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai trong quá trình chăm sóc tiền sản có chất lượng, đảm bảo tất cả các bà mẹ sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt các bà mẹ nghèo nhất ở vùng sâu, vùng xa, và miền núi. Tương tự, việc tăng cường triển khai trên toàn quốc các can thiệp cho trẻ bị sinh non và sinh nhẹ cân như Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu và Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo – cũng có thể đem lại nhiều kết quả tích cực hơn”, Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhận định.

Nghiên cứu cũng kết luận rằng với tiến độ hiện tại – giảm 1,2% hàng năm tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân từ năm 2000 đến 2015 – thế giới sẽ không đạt được tỷ lệ giảm 2,7% hàng năm để hoàn thành mục tiêu của WHO là giảm 30% trẻ sơ sinh bị nhẹ cân từ năm 2012 đến năm 2025.

Các tác giả của nghiên cứu này kêu gọi quốc tế hãy hành động để đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được cân nặng ngay sau khi được sinh ra đời, đảm bảo chăm sóc lâm sàng được cải thiện, thúc đẩy các hoạt động y tế công cộng để giải quyết các nguyên nhân của trẻ sơ sinh bị nhẹ cân. Nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải khẩn trương đầu tư và hành động để giải quyết các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị nhẹ cân bao gồm sinh con muộn, đa thai, tai biến sản khoa, tình trạng bệnh mãn tính (như tăng huyết áp), nhiễm trùng (như sốt rét), tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ mang thai, cũng như tiếp xúc với những yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí trong nhà, sử dụng thuốc lá và ma túy. Ở các quốc gia thu nhập thấp, thai nhi phát triển kém từ trong bụng mẹ là nguyên nhân chính gây ra trẻ sinh bị nhẹ cân. Ở một số khu vực phát triển hơn, trẻ sơ sinh bị nhẹ cân thường liên quan đến sinh non (trẻ được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ).

“Mặc dù chính phủ các quốc gia đã có những cam kết rõ ràng, những con số ước tính cho thấy các quốc gia chưa làm được gì nhiều để giảm trẻ sơ sinh bị nhẹ cân. Sự thay đổi mà chúng ta chứng kiến trong 15 năm qua là rất nhỏ, thậm chí ở các quốc gia có thu nhập cao nơi trẻ em sinh ra bị nhẹ cân thường là bị sinh non do hệ quả của việc sinh con muộn, hút thuốc, sinh mổ không cần thiết và điều trị hỗ trợ sinh sản làm tăng nguy cơ mang đa thai…” Tiến sỹ Hannah Blencowe, nghiên cứu viên chính, Trường Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, Vương Quốc Anh. “Để đạt được mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu là giảm 30% trẻ sơ sinh bị nhẹ cân vào năm 2025, những nỗ lực để cải thiện cần phải khẩn trương gấp đôi.” [1]

Đưa ra những tín hiệu về các quan ngại trong việc thiếu số liệu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, báo cáo nghiên cứu đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về sự cần thiết phải đo chỉ số cân nặng của mỗi trẻ sơ sinh khi ra đời. “Mỗi trẻ sơ sinh cần được cân nặng, nhưng trên thế giới, chúng ta vẫn chưa ghi chép được cân nặng của gần một phần ba số trẻ sơ sinh,” Bà Julia Krasevec, Chuyên gia Thống kê và Giám sát của UNICEF, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Chúng ta không thể giúp trẻ sơ sinh bị nhẹ cân nếu không cải thiện mức độ bao phủ và tính chính xác của các số liệu chúng ta thu thập. Với các thiết bị đo cân nặng và hệ thống số liệu tốt hơn, chúng ta có thể ghi chép được cân nặng chính xác của mỗi trẻ sơ sinh, kể cả những trẻ sinh tại nhà, từ đó chăm sóc chất lượng tốt hơn cho trẻ sơ sinh và các bà mẹ.” [1]

Gần ba phần tư trẻ em sơ sinh nhẹ cân được sinh ra ở Nam Á và Châu Phi Hạ Sahara, nơi nguồn số liệu hạn chế nhất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các quốc gia thu nhập cao ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand hầu như chưa đạt được tiến bộ nào trong lĩnh vực này kể từ năm 2000 đến nay.

Thụy Điển là một trong các quốc gia có tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân năm 2015 thấp nhất (2,4%). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 7% ở các quốc gia thu nhập cao như Mỹ (8%), Anh (7%), Úc (6,5%), và New Zealand (5,7%). Khu vực đạt được tiến bộ nhanh nhất là các quốc gia có số trẻ sơ sinh nhẹ cân cao nhất, Nam Á và Châu Phi hạ Sahara, với tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm hàng năm lần lượt là 1,4% và 1,1%, từ năm 2000 đến năm 2015. Nam Á vẫn là khu vực chiếm gần một nửa số ca sinh sống bị nhẹ cân của thế giới, ước tính 9,8 triệu trong năm 2015 (bảng 4, hình 3).

“Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân là một thực thể lâm sàng phức tạp bao gồm thai nhi chậm phát triển trong tử cung và sinh non,” Tiến sỹ Mercedes de Onis của WHO, Thụy Sỹ, đồng tác giả nghiên cứu. “Chính vì vậy để giảm số trẻ sơ sinh bị nhẹ cân chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của từng quốc gia cụ thể. Ví dụ như ở Nam Á, một phần lớn trẻ sơ sinh bị nhẹ cân được sinh ra đúng thai kỳ nhưng thai nhi đã chậm phát triển từ khi còn trong bụng mẹ, điều này có liên quan đến dinh dưỡng không đầy đủ của bà mẹ bao gồm suy dinh dưỡng bà mẹ. Ngược lại, sinh non lại là nguyên nhân chính gây ra trẻ sơ sinh bị nhẹ cân ở các quốc gia có nhiều bà mẹ mang thai ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ bệnh nhiễm trùng cao, hoặc mang thai có liên quan nhiều đến điều trị hỗ trợ sinh sản và mổ lấy thai (như ở Mỹ và Brazil). Hiểu rõ và giải quyết những nguyên nhân sâu xa này ở các quốc gia gánh nặng về trẻ sơ sinh bị nhẹ cân phải là một ưu tiên.” [1]

#####

Ghi chú cho Biên tập viên

Tải ảnh và video tại đây. Xem báo cáo của Lancet tại đây.

Xem các ước tính và khuyến nghị giải quyết vấn đề trẻ em sinh ra nhẹ cân của UNICEF và WHO tại đây.

Nghiên cứu này đươc tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Quỹ The Children’s Investment Fund Foundation, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và WHO. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu của Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, Vương Quốc Anh; IRCCS Burlo Garofolo, Scientific Directorate, Trieste, Ý; Tổ chức Y tế thế giới, Geneva, Thụy Sỹ; UNICEF, New York, Mỹ; Đại học Johns Hopkins, Baltimore, MD, Mỹ.

Thông cáo báo chí được gắn nhãn vì tham gia một dự án do Học viện Khoa học Y khoa đang cố gắng nâng cao truyền thông về các bằng chứng khoa học. Để biết thêm chi tiết, ghé thăm : http://www.sciencemediacentre.org/wp-content/uploads/2018/01/AMS-press-release-labelling-system-GUIDANCE.pdf nếu bạn có bất kỳ câu hỏi gì, hãy liên hệ với bộ phận báo chí của The Lancetpressoffice@lancet.com

[1] Các câu trích dẫn trực tiếp từ các tác giả, không có trong phần nội dung của Bài viết.

Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
WHO
Tổ chức Y tế Thế giới

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này