Thông cáo báo chí

[Op-ed] Khủng hoảng kép

15 tháng 4 2020

  • Lee Chang-hee Giám đốc, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam

Phở Thìn Bờ Hồ là một trong những quán ăn yêu thích của tôi ở Hà Nội. Đó là nơi tôi có thể thưởng thức một tô phở thanh ngọt đậm chất Hà Thành xưa với giá tiền hợp lý.

Chắc hẳn nhiều thực khách Tràng An cũng đồng ý với tôi về điều đó. Quán phở gia đình khiêm tốn, đơn sơ này đã hỗ trợ nhiều thế hệ người dân từ làng quê của ông Bùi Chí Thìn – người khai sinh ra quán – về thủ đô tìm cơ hội đổi đời. Kể từ khi được mở vào năm 1954, cơ sở kinh doanh gia đình này chưa bao giờ đóng cửa, kể cả đó là thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, kháng chiến chống Mỹ, hay các cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 90 và năm 2008-2009. Thế nhưng, hiện tại, quán đang tạm đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội.

Câu chuyện nhỏ này cho thấy mức độ ảnh hưởng khủng khiếp của dịch COVID-19 đối với bức tranh kinh tế xã hội. Hàng triệu cơ sở kinh doanh hộ gia đình đang bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ phải dừng hoạt động. Mỗi ngày, thêm nhiều việc làm lại vuột khỏi tay của những người lao động, kéo theo nguồn thu nhập của họ.

Cả thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Với các hình thức phong tỏa và cách ly xã hội, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn thế giới.

Theo những ước tính mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố đầu tuần này cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian, trong quý II năm nay.

Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, bao gồm cả các quán ăn đường phố như Phở Thìn Bờ Hồ.

Đó không còn đơn thuần là một thách thức về y tế nữa. Chúng ta cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như cần bảo vệ sinh kế của họ. Không có sự lựa chọn nào ở đây. Trong cuộc chiến này, nếu chúng ta không cứu được sinh kế của người dân, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thất bại trong việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ, và ngược lại.

Điều đáng mừng là, đến nay, nỗ lực đối phó với đại dịch của Việt Nam – có lẽ là cùng với Hàn Quốc – là một trong số ít những câu chuyện thành công trên thế giới. Ngay từ khởi điểm, Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, như thể hiện trong thông điệp của Thủ tướng. Không như một số quốc gia khác áp dụng lệnh phong tỏa toàn diện một cách đột ngột, Việt Nam đã hành động quyết liệt nhưng từ từ, mềm mỏng hơn với thông tin được cập nhật thường xuyên và chia sẻ minh bạch. Tôi không bất ngờ khi cách tiếp cận của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, và ngay cả chính người dân của mình, khen ngợi. Xếp hạng do công ty Dalia có trụ sở tại Berlin thực hiện cho thấy, trong số các quốc gia được hỏi ý kiến, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng của công chúng cao nhất về phản ứng của chính phủ đối với đại dịch.

Nhưng xin đừng quên COVID-19 không phải là cuộc chiến của một quốc gia đơn lẻ. Đây là cuộc khủng hoảng tầm cỡ toàn cầu! Bởi vậy, ngay cả khi Việt Nam có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh, nhưng kinh tế và xã hội vẫn sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu cuộc khủng hoảng này vẫn lan rộng ở các quốc gia giao thương với Việt Nam. Hơn 2 triệu việc làm sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng, như dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ liên quan đến COVID-19. Có thể có gói hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu khẩn cấp của các bên liên quan, nhưng nhìn chung, chính sách của Việt Nam đang đáp ứng dần dần với những khuyến nghị của ILO. Đó là cần có chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 trên ba trụ cột: 1) kích thích nền kinh tế và việc làm, 2) hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và 3) bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

Tôi có ba điểm muốn nhấn mạnh.

Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc – điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống. Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động, từ đó giảm thiểu cú sốc về việc làm.

Trong quá trình này, đối thoại đóng vai trò quan trọng, giữa doanh nghiệp và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ, để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận. Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin vào chính sách và các biện pháp của Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế hồi phục khi COVID-19 được khống chế. Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay.

Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, kinh doanh hộ gia đình, và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng đối phó với cú sốc kinh tế xã hội của khu vực này.

Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, các doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình, khu vực nông nghiệp – nông thôn, cũng như người lao động đang làm việc trong các dạng thức việc làm phi tiêu chuẩn thường rơi vào những "lỗ hổng an sinh xã hội".

Do đó, cùng với các biện pháp giữ việc làm, hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp đóng vai trò quan trọng để đảm bảo rằng những thành phần kinh tế này tiếp tục tồn tại. Hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm thu nhập thấp và trung bình không chỉ là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sinh kế của người dân mà còn đảm bảo duy trì tiêu dùng. Những hộ gia đình này có xu hướng sẽ sử dụng phần lớn khoản tiền hỗ trợ để mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu từ các khu chợ, cửa hàng, từ đó duy trì cầu và tác động tích cực tới toàn xã hội.

Bài học từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy an sinh xã hội đã làm giảm cú sốc về cung và cầu, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt khẩn cấp cũng như đóng vai trò bình ổn kinh tế xã hội hiệu quả.

Bảo vệ sinh kế của người dân trong giai đoạn khó khăn này phải được đặt lên vị trí ưu tiên để bảo vệ nền tảng của xã hội, là hòn đá tảng mở đường cho giai đoạn hồi phục và chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19. Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này.

Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện ở nhóm đầu thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên Hợp Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn.

Lee Chang-hee

 

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

ILO
Tổ chức Lao động Quốc tế

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này