Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc sửa đổi Bộ Luật Lao động
27 tháng 4 2018
- Hà Nội – Ngày 26 tháng 4 năm 2018 – Hôm nay, hơn 80 chuyên gia từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức địa phương, các tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu đã tham dự Hội thảo tham vấn "Đánh giá Tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ Luật Lao động sửa đổi", do Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, UN Women, và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo có trọng tâm nhằm thảo luận những tác động về giới của những chính sách trong đề nghị Bộ luật Lao động sửa đổi; xác định các quy định nhạy cảm về giới trong Bộ Luật Lao động hiện hành 2012; thảo luận những chiến lược và can thiệp hiệu quả, và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh gia tăng hội nhập thương mại và các yêu cầu của Hiến Pháp năm 2013 và của các công ước quốc về về quyền con người, hiệp ước lao động quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động sẽ tạo ra các cơ hội cho Việt Nam thực hiện các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề nổi bật liên quan đến bình đẳng giới và việc làm.
Một số vấn đề về giới của Bộ Luật Lao động hiện hành đã được nêu ra trong Báo cáo Đánh giá Tác động Giới (do UN Women, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Investing in Women thực hiện cuối năm 2017) bao gồm cải thiện các biện pháp bảo vệ cho tất cả người lao động khỏi quấy rối tình dục; bảo đảm thực hiện tốt hơn nguyên tắc trả lương công bằng cho việc làm có cùng giá trị và tạo môi trường làm việc giúp tất cả người lao động có thể chia sẻ các trách nhiệm gia đình và vai trò chăm sóc trong gia đình; xóa bỏ những giới hạn đối với phụ nữ trong việc lựa chọn công việc, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa phụ nữ và nam giới và giữa các đối tượng khác.
Khai mạc hội thảo, Bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc Hội nói: "Trên cơ sở nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm các nước, nên chăng, đã đến lúc cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định từ cách tiếp cận "bảo vệ lao động nữ" sang cách tiếp cận "thúc đẩy bình đẳng giới" đối với các lao động nam và lao động nữ. Những quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ Luật Lao động hiện hành cần thực sự là: i) những quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế (như là những biện pháp đặc biệt tạm thời); và ii) những quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ."
Phát biểu tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng "Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là cơ hội để giải quyết các khuyến nghị của Ủy Ban CEDAW, bao gồm việc áp dụng cùng tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho phụ nữ và nam giới, xem xét và giảm danh sách các nghề cấm phụ nữ tham gia. Bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm không chỉ là vấn đề về quyền bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bình đẳng giới góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nền kinh tế và phát triển bền vững."
Bà Rebecca Bryant, Phó Đại sứ Úc cho biết "Úc tự hào hỗ trợ Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội trong việc đánh giá tác động giới trong đề nghị sửa đổi Bộ Luật Lao động, việc này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong cộng đồng ASEAN và APEC với một văn bản hiện đại và có trách nhiệm giới nhằm mục đích làm cho đất nước hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn và tôn trọng quyền làm việc của phụ nữ và nam giới."
Báo cáo Đánh giá tác động giới được UN Women, Đại sứ quán Úc và Investing in Women thực hiện phù hợp với các yêu cầu theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm Pháp luật với mục tiêu lồng ghép bình đẳng giới trong đánh giá tác động chính sách ở giai đoạn xây dựng đề xuất sửa đổi luật lao động. Thông tin thu thập để đánh giá diễn ra trong tháng 10-12/2017 thông qua các chuyến thăm thực địa và khảo sát trực tuyến. Báo cáo Tác động giới đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới và không phân biệt về các cơ hội nghề nghiệp, kỹ năng, và phát triển năng lực, các điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ và việc hưởng lợi ích giữa phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc trên cở sở bình đẳng. Báo cáo đề xuất một số thay đổi chính cho dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi bao gồm:
- Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ;
- Củng cố các quy định giải quyết quấy rối tình dục nơi làm việc;
- Cung cấp các biện pháp để bảo vệ chức năng sinh sản của tất cả các giới, thay vì chỉ tập trung vào lao động nữ;
- Xoá bỏ các yêu cầu về giới sao để nhận được những hỗ trợ liên quan đến việc nuôi dạy con cái và chăm sóc các thành viên trong gia đình nhằm thúc đẩy việc chia sẻ các trách nhiệm trong gia đình.
Ý kiến đóng góp từ các đại biểu tại Hội thảo sẽ góp phần cải thiện Báo cáo Đánh giá Tác động giới và giúp Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đáp ứng những tiêu chuẩn tốt nhất về bình đẳng giới.