Thông cáo báo chí

UNESCO: Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo viên khi chính hệ thống đang có vấn đề

24 tháng 10 2017

  • Pa-ri, ngày 24 tháng 10 năm 2017 – Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục năm 2017/8 của UNESCO nêu bật vai trò của chính phủ các nước trong việc thực hiện phổ cập giáo dục có chất lượng, đồng thời nhấn mạnh rằng trách nhiệm giải trình là điều tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu này. Được công bố vào ngày hôm nay, Báo cáo khuyến cáo rằng việc đổ lỗi lên bất kỳ chủ thể nào về những vấn đề giáo dục mang tính hệ thống có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng sự bất bình đẳng và gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

“Giáo dục là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta – gồm chính phủ, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và khu vực tư nhân,” là lời khẳng định của Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO. “Cơ chế giải trình về mức độ đáp ứng những trách nhiệm đó sẽ giúp định hình cách thức giảng dạy của giáo viên, cách thức học tập của học sinh, cũng như cách thức hành động của chính phủ. Nó phải được thiết kế bằng sự cẩn trọng và một ý thức rõ ràng về các nguyên tắc: bình đẳng, hòa nhập và chất lượng.”

Với tựa đề Giải trình trong giáo dục: Đáp ứng cam kết của chúng ta, ấn phẩm lần thứ hai trong chuỗi Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục, nhằm giám sát tiến độ thực hiện hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững về Giáo dục (MTPTBV4) đã được được quốc tế thông qua, Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục năm 2017/8 tiến hành xem xét các cơ chế giải trình đối với các bên liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này, bao gồm giải trình về hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế thi cử, giám sát, đánh giá; công tác thanh tra, kiểm tra; vai trò của truyền thông xã hội, và các phong trào ở cơ sở.

Báo cáo nêu rõ, việc đổ lỗi cho giáo viên về điểm thi cử thấp ở học sinh cũng như tình trạng vắng mặt ở giáo viên thực sự là điều không công bằng và thiếu tính xây dựng. Chẳng hạn, theo Báo cáo, gần nửa số trường hợp vắng mặt của giáo viên ở In-đô-nê-xi-a năm học 2013/14 là do họ phải đi học mà đáng ra phải có người thay thế vai trò của họ trong thời gian đó. Tương tự, ở Xê-nê-gan, chỉ có 12 trong số 80 số ngày nhà trường đóng cửa vào năm 2014 là do giáo viên trốn tránh trách nhiệm. Chúng ta không thể yêu cầu người này giải trình về những kết quả vốn dĩ được tạo nên bởi hành động của người khác.

“Áp dụng điểm thi của học sinh làm chế tài xử phạt giáo viên và nhà trường nhiều khả năng sẽ khiến họ tìm cách điều chỉnh hành vi để bảo vệ chính mình, dẫn đến việc bỏ lại phía sau những em học sinh yếu kém nhất,” là lời giải thích của Ông Manos Antoninis, Chủ nhiệm Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục năm 2017/8. “Giải trình phải bắt đầu từ chính phủ. Nếu chính phủ quá vội vàng trong việc quy trách nhiệm lên người khác, thì chính họ đang trốn tránh trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục hiệu quả và chất lượng.”

Dù tính minh bạch giúp ích trong việc xác định vấn đề, nhưng trung bình chỉ có một trong sáu chính phủ công bố báo cáo giám sát giáo dục định kỳ hằng năm. Cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan giám sát độc lập và mạnh mẽ, chẳng hạn như Thanh tra quốc hội, các cơ quan hữu quan khác của Quốc hội và các đơn vị kiểm toán trong việc giám sát trách nhiệm giải trình của chính phủ đối vớigiáo dục.

Việc thiếu trách nhiệm giải trình vô tình mở ra cánh cửa cho tham nhũng. Ở Liên minh Châu Âu giai đoạn 2009-2014, 38% gói thầu trong ngành giáo dục chỉ có một nhà thầu tham dự, so với 16% gói thầu trong ngành xây dựng, cho thấy nguy cơ tham nhũng trong ngành giáo dục là cao hơn so với ngành xây dựng.

Báo cáo lập luận, việc xây dựng và thực hiện các quy phạm pháp luật từ cơ chế đấu thầu đến chuẩn giáo viên là điều hết sức cấp thiết. Chỉ có chưa đầy phân nửa số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình xây dựng chuẩn giáo dục mầm non và có một vài quốc gia trong số đó quy định cơ chế giám sát sự tuân thủ. Ở gần nửa số quốc gia, không hề có quy định về quy mô lớp học.

Hệ thống các quy phạm pháp luật của chính phủ thường quá chậm so với tốc độ tăng trưởng của hệ thống trường tư thục, cả phổ thông lẫn đại học. Ở Lagos, Ni-giê-ri-a, chỉ có 26% số trường tư thục trong năm học 2010/2011 được Bộ Giáo dục phê duyệt. Ở những quốc gia có cơ chế kiểm định yếu kém, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng không được công nhận. Ở Kê-ni-a và U-gan-đa, nhiều trường tư thục hoạt động mà không có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn và kém chất lượng, trước khi hệ thống quy phạm pháp luật ra đời, và do đó bị các tòa án yêu cầu đóng cửa.

Khi các cơ chế chính thức không có tác dụng, thì người dân đóng vai trò nòng cốt trong việc giám sát tình hình giải trình của chính phủ trong việc đáp ứng quyền được giáo dục của họ. Ở Cô-lôm-bi-a, một chiến dịch của người dân đã được khởi xướng thành công trong việc chất vấn chính phủ trước tòa án, buộc chính phủ phải cung cấp giáo dục miễn phí cho họ. Ở Mỹ, phụ huynh và truyền thông đã vận động thành công về việc đưa trở lại nội dung về phòng chống biến đổi khí hậu từ sách giáo khoa; và học sinh ở Nam Phi đã thành công trong việc vận động ngừng tăng học phí trong giáo dục đại học.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của giải trình trong việc thu hẹp khoảng cách và bất bình đẳng. Trên phạm vi toàn cầu, chỉ có dưới 20% số quốc gia đảm đảo 12 năm giáo dục bắt buộc và miễn phí trong luật pháp của họ. Hiện nay có tới 264 triệu trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường và 100 triệu thanh niên không biết đọc.

Báo cáo cũng nêu lên việc thiếu trách nhiệm giải trình đối với những nhà tài trợ không thực hiện cam kết viện trợ của mình cho những đối tượng thực sự có nhu cầu. Tỷ trọng vốn viện trợ cho giáo dục đã giảm 6 năm liên tiếp. Đồng thời, các nhà tài trợ ngày càng đề ra yêu sách, đó là, để được họ viện trợ, các quốc gia phải đạt được những kết quả mà đôi khi làm chệch hướng chú trọng và chuyên tâm của họ trong việc thực hiện cải cách có tính hệ thống trong giáo dục.

Sẽ không có một cơ chế giải trình nào được áp dụng thành công nếu như không có môi trường thuận lợi mà ở đó trang bị cho các chủ thể hữu quan đủ nguồn lực, chuyên môn, động lực và thông tin để hoàn thành trách nhiệm tương ứng của họ. Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước cần phải:

1.         Thiết kế một cơ chế giải trình cho nhà trường và giáo viên theo tinh thần hỗ trợ, xây dựng và tránh chế tài xử phạt, đặc biệt là những hình thức xử phạt trên cơ sở các thước đo đánh giá hẹp.

2.         Khích lệ sự tham gia dân chủ, tôn trọng tự do truyền thông trong việc giám sát giáo dục và thiết lập các thiết chế độc lập để giải quyết khiếu nại.

3.         Xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật hiệu quả và chất lượng cùng với các cơ chế xử phạt nghiêm minh đối với tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ giáo dục, công lập và tư thục, trên nguyên tắc coi trọng chất lượng giáo dục và không phân biệt đối xử.

4.         Luật hóa quyền được giáo dục, điều vốn dĩ chưa được thực hiện ở 45% số quốc gia.

 

****

Liên hệ truyền thông: Kate Redman tại 0033 671786234 k.redman@unesco.org

Chú thích với biên tập viên:

Tham gia đàm thoại trực tuyến tại: @GEMReport / #CountOnMe #GEM2017

Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục được một nhóm tác giả độc lập chịu trách nhiệm xây dựng và được UNESCO công bố. Báo cáo có sứ mệnh giám sát tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong Giáo dục.

World Education Blog / Educación Mundial Blog

Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này