Thông cáo báo chí

Hiểu về sự tham gia khi làm việc với Thanh niên

12 tháng 10 2017

  • Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2017 - Với vai trò ngày càng lớn mạnh của thanh niên trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), UNESCO và UNFPA đã phối hợp tổ chức Hội thảo trong hai ngày 11 và 12/10 về tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc theo dõi và giám sát các chính sách và chương trình có liên quan đến thanh niên. Trên cơ sở bộ công cụ của UNESCO "Phát triển các chính sách thanh niên dựa trên bằng chứng, có sự tham gia, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội ở Đông Nam Á", các đại biểu đã đưa ra các giải pháp giúp tăng cường vai trò và tiếng nói của thanh niên trong quá trình xây dựng chính sách.

Tham dự hội thảo, hơn 25 đại biểu trẻ tuổi từ Trung ương Đoàn, Uỷ ban Thanh niên Quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và đại diện của Bộ Nội vụ và các cơ quan LHQ đã sử dụng bộ công cụ của UNESCO để xác định nhóm thanh, thiếu niên khác nhau ở Việt Nam, cũng như các mối quan tâm và nhu cầu của thanh niên, từ đó giúp tăng cường hệ thống chính sách để có thể đáp ứng nhu cầu của thanh niên.

Trong khuôn khổ của Chiến lược Hành động 2014-2021 của UNESCO về Thanh niên, Bộ công cụ này đưa ra các hướng dẫn và các hoạt động giúp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội vào các chính sách thanh niên quốc gia với phương pháp tiếp cận có sự tham gia, dựa trên bằng chứng và hòa nhập.

Dựa trên bối cảnh thực tế ở Việt Nam, các đại biểu đã cùng nhau xem xét mức độ tham gia hiện nay của thanh niên trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, đặc biệt là Luật Thanh niên năm 2005 và Chiến lược Phát triển Thanh niên 2011-2020. Thông qua các thảo luận nhóm, đại biểu Chính phủ và thanh niên đã chia sẻ những suy nghĩ và mối quan tâm của họ, xác định các khoảng trống và nguồn lực cần thiết giúp tăng cường sự tham gia của các nhóm thanh niên khác nhau.

Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu thanh niên cho biết mặc dù họ có vai trò tích cực trong việc xây dựng các dự án và các chương trình phát triển, nhưng đôi khi đóng góp của họ, đặc biệt là những nhóm thanh niên dễ bị tổn thương còn chưa được thực sự quan tâm. Điều này có thể do họ chưa được tiếp cận và thiếu các kỹ năng để có thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện của Bộ Nội Vụ đã đề xuất nguyện vọng nâng cao năng lực về các kỹ năng và kiến ​​thức liên quan đến chính sách cho thanh thiếu niên. Khi thanh niên được trang bị các kỹ năng và năng lực thì sẽ giúp họ tự tin hơn trong việc cộng tác với các nhà hoạch định chính sách, cũng như biết cách bày tỏ mối quan tâm và ý kiến ​​của họ. Cũng tại hội thảo này, các vấn đề về lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội cũng đã được thảo luận như là một quá trình trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến thanh niên.

Phát biểu thay mặt Nhóm công tác Liên hợp quốc về Thanh thiếu niên, Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh:"Khi mà các nhà hoạch định chính sách và bản thân thanh niên chưa nhận ra tầm quan trọng của việc trao quyền cho thanh niên thì vẫn còn rào cản ảnh hưởng tới sự tham gia có ý nghĩa của thanh, thiếu niên". Bà Bant khẳng định lại cam kết của LHQ trong việc hỗ trợ "sự tham gia của thanh niên trong các quá trình ra quyết định ở Việt Nam".

Tại hội thảo, Bà Susan Vize, Cố vấn của UNESCO về Khoa học Xã hội và Con người tại khu Châu Á và Thái Bình Dương giới thiệu cách tiếp cận và tầm nhìn của UNESCO đối với thanh niên, trình bày các khía cạnh của việc đưa thanh niên tham gia vào "quá trình xây dựng chính sách, cam kết của công dân, xây dựng năng lực và vận động chính sách".

Được trang bị các kỹ năng và kiến thức thông qua Bộ công cụ này, các đại diện thanh niên cho biết họ cảm thấy tự tin hơn trong việc tham gia vào quá trình xây dựng và đánh giá các Chính sách liên quan đến thanh niên. Họ mong muốn được chuyển tải và chia sẻ Bộ công cụ này trong mạng lưới của mình và làm việc hướng tới việc trao quyền cho thanh niên ở Việt Nam.

Với sự hợp tác chặt chẽ với các đại biểu và các ý kiến phản hồi của người tham dự trong hai ngày hội thảo, UNESCO sẽ hoàn thiện Bộ công cụ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Nội vụ trong việc xây dựng và đánh giá các Chính sách thân thiện với thanh thiếu niên tại Việt Nam.

Để có thêm thông tin xin liên hệ: Chị Vũ Thị Hải Hà,  Chương trình Carlo Schmid, email: hh.vu-thi@unesco.org or visit our Facebook page @UNESCOinVietNam

  •  
Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này