Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.”
Phát biểu khai mạc của Ông Kamal Malhotra, Trưởng Đại diện thường trú của LHQ
(Do Bà Caitlin Wiesen-Antin, Đồng Chủ tịch Nhóm công tác Dân tộc thiểu số của Liên hợp quốc tại Việt Nam, và Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam thay mặt phát biểu tại hội thảo)
Kính thưa bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội;
Kính thưa các Bộ trưởng, đại diện các cơ quan Quốc hội, Bộ ngành, cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương,
Kính thưa các quý vị khách quý,
Tôi rất vinh dự và vui mừng được đến Mộc Châu, một thị trấn tươi đẹp của tỉnh Sơn La, được bao quanh bởi những đồi chè xanh tươi và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Ngày hôm nay tôi tham gia sự kiện quan trọng này với vai trò đại diện cho ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ông Kamal Malhotra rất mong được có mặt tại đây và rất lấy làm tiếc vì không thể tham gia sự kiện quan trọng này.
Thay mặt Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và với tư cách là Đồng Chủ tọa Nhóm Công tác Dân tộc thiểu số của Liên hợp quốc tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng đến Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Sơn La, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cùng toàn thể các đơn vị tham gia tổ chức Hội thảo về Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Vào tháng 3 năm 2019, ngài Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc đã vinh được bà Tòng Thị Phóng mời đến khảo sát thực địa tại Sơn La. Tôi xin được trích nguyên văn về cảm nhận của ngài Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc về chuyến thăm: “Đây là một trải nghiệm mở mang tầm mắt, khiến tôi hiểu rõ hơn và được trực tiếp trải nghiệm sự đa dạng văn hóa đầy sống động và tươi đẹp trên đất nước Việt Nam.”
Chủ đề của hội thảo hôm nay là những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trên thực tế, các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự ưu tiên thúc đẩy này.
Trong những thập kỷ qua, thành tựu về phát triển kinh tế - xã của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt là kết quả ấn tượng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Trong vòng 15 năm, tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm mạnh từ 49,2% (năm 1992) xuống còn 0,7% (năm 2018). Báo cáo Nghèo đa chiều năm 2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy tỷ lệ nghèo đa chiều (được xác định bằng các chỉ số đo Nghèo đa chiều của Việt Nam) đã giảm đáng kể từ 8,23% năm 2016 xuống 3,72% năm 2019, với khoảng 6,5 triệu người thoát nghèo đa chiều.
Mặc dù trên quy mô cả nước đã có những thành công nhất định, nhưng ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, tình trạng nghèo đói vẫn còn rất phổ biến, người dân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn; cộng với những thách thức mới do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội, đặc biệt, nhiều hộ gia đình thiểu vốn càng rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Thậm chí, từ trước tháng 1 năm 2020, họ đã phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường và thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều vùng dân tộc thiểu số thường xuyên phải đối mặt với nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, tiếp tục đến trường, hay tham gia vào quá trình ra quyết định, do còn tồn tại nhiều định kiến xã hội về vai trò của nam giới và phụ nữ và tư tưởng trọng nam khinh nữ; chỉ có một số ít dân tộc thiểu số có chế độ mẫu hệ và điều này khiến cuộc sống của phụ nữ có phần dễ chịu hơn trong bối cảnh mà hầu hết các cộng đồng đều theo chế độ phụ hệ. Ngoài ra, do hạn chế về ngân sách đầu tư cho thu thập dữ liệu thống kê về nhạy cảm giới nên chưa tạo thuận lợi cho việc xây dựng các chính sách và can thiệp về giới dựa trên bằng chứng.
Giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng rủi ro về sức khỏe và gánh nặng kinh tế - xã hội, đặc biệt là khó khăn về đảm bảo việc làm và thu nhập bền vững cho nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số vốn đã ở trong tình trạng dễ bị tổn thương. Nhiều người trong số đó đã mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Đánh giá gần đây của UNDP và UN Women về tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ước tính đến tháng 4 năm 2020, thu nhập bình quân của các hộ gia đình dân tộc thiểu số đã giảm 75% so với cuối năm 2019. Ngoài ra, số liệu thống kê từ các cuộc điều tra khác cũng cho thấy, đến tháng 4-5 năm 2020, tỷ lệ nghèo trong số các hộ gia đình dân tộc thiểu số có thể đã tăng thêm 50 điểm phần trăm (%) khi mà hầu hết các hoạt động kinh tế đều bị gián đoạn do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Liên hợp quốc tại Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ phù hợp và có mục tiêu cho người dân tộc thiểu số, trong đó bao gồm hỗ trợ cho các hộ gia đình, phụ nữ và trẻ em; các cộng đồng dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số Việt Nam nhưng đại diện cho một tỷ lệ lớn hộ nghèo cùng cực trên cả nước.
Năm 2020 trùng hợp là năm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cũng là năm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc. Ưu tiên của ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc trong năm kỷ niệm 75 thành lập là lấy con người làm trung tâm và tận tâm lắng nghe người dân chia sẻ về các mối quan ngại và những nguyện vọng của họ trong tương lai cũng như đối với Liên hợp quốc. Như các quý vị đã biết, một trong những nguyên tắc then chốt của Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững là “Không để ai bị lỏ lại phía sau”. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này để được trực tiếp lắng nghe tiếng nói từ các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm cả các dân tộc thiểu số. Chúng tôi đánh giá cao việc Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tổ chức sự kiện này, đồng thời chúng tôi cũng mong muốn được chứng kiến và đóng góp nhiều giải pháp lấy con người làm trung tâm và mang tính đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng cần có thêm nhiều nền tảng và cơ chế khuyến khích để đảm bảo rằng tiếng nói của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, được lắng nghe và được quan tâm hỗ trợ.
Trong quá trình chuẩn bị xây dựng chu kỳ mới của Khung Hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 của Liên hợp quốc, chúng tôi sẽ phản ánh rõ trong văn kiện này những thách thức về giảm nghèo đa chiều, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như một vấn đề trung tâm của văn kiện. Liên hợp quốc luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Quốc hội Việt Nam để tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân, nhằm mục đích cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi người dân Việt Nam.
Để kết lại, xin cho phép tôi một lần nữa được gửi lời chúc mừng đến Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Sơn La, và các cơ quan Chính phủ khác đã cùng phối hợp tổ chức một hội thảo có ý nghĩa quan trọng và rất đúng thời điểm về phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với tư cách Một Liên hợp quốc tại Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Quốc hội và các cơ quan Chính phủ, các cộng đồng dân tộc thiểu số và các đối tác khác trong công cuộc quan trọng và thiết yếu này. Trong bối cảnh toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mặc dù Việt Nam một lần nữa đang kiểm soát được đại địch, nhưng cho phép tôi được gửi đến toàn thể quý vị và người thân trong gia đình lời chúc sức khỏe và an toàn
XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN!