Lễ ký kết Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021
Bài phát biểu của Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Ông Kamal Malhotra
Kính thưa ngài Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Kính thưa các ngài Đại sứ;
Kính thưa các quý vị đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển và xã hội dân sự;
Thưa các Trưởng đại diện Nhóm các tổ chức Liên Hợp Quốc và các bạn đồng nghiệp của các cơ quan Liên hợp quốc;
Thưa các quý ông, quý bà;
Tôi rất hân hạnh và vui mừng được thay mặt Nhóm các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNCT) chào đón quý vị đến tham dự buổi lễ ký kết Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021. Kế hoạch này là minh chứng cho quan hệ đối tác liên tục đổi mới giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam.
Hai Kế hoạch chung trước đây đã được thống nhất và ký kết tại chính khán phòng này, song sự kiện hôm nay chính là bằng chứng chân thực thể hiện rằng Sáng kiến Thống nhất hành động tại Việt Nam (DaO) đã chín muồi và chuyển sang một cấp chiến lược mới kể từ khi bản chiến lược đầu tiên được đưa ra 11 năm trước vào năm 2006.
Quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược Chung (OSP) lần này là một ví dụ sinh động về quá trình mối quan hệ đối tác giữa LHQ và Chính phủ tiến triển đến giai đoạn khi hai bên là đối tác phát triển bình đẳng. Chính phủ đã chuyển mình từ bên tiếp nhận viện trợ sang vị thế đồng chủ trì quá trình xây dựng OSP và đồng sở hữu tài liệu hợp tác chiến lược quan trọng này. Tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch đầu tư trên cương vị cơ quan điều phối đã làm chủ quá trình xây dựng OSP, hướng tới ưu tiên phát triển của quốc gia. Trong buổi gặp mặt của tôi với ông Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (FERD/MPI) vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã thống nhất thành lập một Nhóm Công tác Chung để huy động thêm nguồn lực cho OSP, bao gồm cả kênh đồng tài trợ của Chính phủ. Kế hoạch chiến lược chung với chương trình đầy tham vọng 423 triệu USD cho năm năm giai đoạn 2017-2021, với 40% nguồn lực đã được huy động.
Kế hoạch Chiến lược chung này lấy trọng tâm là các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và dựa trên ba nguyên tắc: toàn diện, công bằng và bền vững. Kế hoạch này phản ánh chủ đề của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững là không ai bị bỏ lại phía sau. Kế hoạch đưa ra khung chương trình cho 14 cơ quan thường trú và 4 cơ quan không thường trú của LHQ tại Việt Nam, trong bối cảnh phát triển của Việt Nam với vị trí là nước thu nhập trung bình thấp và đồng thời xem xét những kỳ vọng lớn hơn ở cấp khu vực và toàn cầu của Việt Nam. Kế hoạch chiến lược chung này được xây dựng thông qua quấ trình tham vấn chặt chẽ với các đối tác Chính phủ, đối tác phát triển và các bên liên quan khác. Tôi xin chân thành cảm ơn tất các bên đã đóng góp cho quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung này cũng như nội dung kỹ thuật của văn kiện.
Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn tất cả các quý vị đang có mặt tại đây và nhiều đồng nghiệp LHQ và môt số đồng nghiệp không tham dự lễ ký kết này, những người đã dành nhiều công sức và thời gian, cam kết cũng như đóng góp ý kiến cho cả quá trình xây dựng và nội dung kỹ thuật của văn kiện này. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp, hợp tác và tham gia của tất cả quý vị vào quá trình thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung trong vòng 5 năm tới.
Văn kiện hợp tác này được xây dựng theo 4 lĩnh vực trọng tâm theo các chủ đề chính của các Mục tiêu phát triển bền vững SDG (Con người, Hành tinh, Thịnh vượng và Hòa bình), và tập trung vào 9 kết quả liên quan. Ngoài ra, 5 chủ đề xuyên suốt quan trọng cũng được xác định, bao gồm: Bình đẳng giới, Quyền con người, Sự tham gia, Số liệu cho Phát triển, Đối tác và Đổi mới. Thông qua Kế hoạch Chiến lược chung mới này, LHQ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của mình trong việc cung cấp cho phía Việt Nam những giải pháp tổng hợp để giải quyết các thách thức phát triển đa chiều phức tạp trên nền tảng kiến thức của khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thúc đẩy quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, ưu tiên các cải cách lấy trọng tâm là công dân và bình đẳng; và tăng cường hợp tác Nam-Nam.
Mặc dù việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung bị chậm lại do thời gian ký kết bị lùi lại, song tôi tin rằng với sự hợp tác và quan hệ đối tác của Chính phủ, các đối tác phát triển và các bên tham gia chính, cũng như cam kết mạnh mẽ của Nhóm các tổ chức LHQ, chúng ta có thể thúc đẩy quá trình thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của Việt Nam.
Để thúc đẩy quá trình này, tôi rất mong muốn có sự trợ giúp của Chính phủ để tăng cường hoạt động đơn giản và hài hòa hóa nhiều quy trình quản lý nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện hiệu quả và đạt được kết quả chương trình chất lượng. Hôm nay, tôi vui mừng được khẳng định lại lần nữa cam kết của LHQ đối với việc thực hiện Kế hoạch hành động (Blueprint for Action) của Việt Nam – một sáng kiến do Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về El Nino và Biến đổi khí hậu đưa ra. Đối với sáng kiến này, Chính phủ Việt Nam gần đây đã chấp nhận tham gia thí điểm cùng với 9 quốc gia khác trên toàn thế giới.
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ LHQ-Việt Nam, và khi chúng ta chúc mừng thành quả chung đã đạt được trong vòng 4 thập kỷ qua, chúng ta phải lưu ý rằng những thành công này đem đến những kỳ vọng cao hơn cho tương lai. Kỳ vọng của Chính phủ là trở thành nước thu nhập trung bình cao cần có sự tập trung nỗ lực trong quản trị, trong đó có quyền con người, mục tiêu SDG 6 cũng như việc đạt được các mục tiêu SDG khác thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về SDG của chính phủ sắp được công bố. Thông qua nỗ lực không ngừng của tất cả các đối tác có mặt tại khán phòng này ngày hôm nay, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những kỳ vọng này sẽ mang lại nhiều thành quả cho Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Việt Nam là nước đi đầu trong chương trình cải cách của LHQ vì Việt Nam không chỉ là một trong những nước đầu tiên đã tham gia thí điểm mà hiện vẫn đang là một trong những nước dẫn đầu trong việc thực hiện Sáng kiến Thống nhất Hành động (Dao), cả về khía cạnh xây dựng chương trình và trong việc thực hiện. Việt Nam sẽ tiếp tục được coi là trung tâm học tập và thử nghiệm hàng đầu về DaO, với những bài học kinh nghiệm quan trọng để chia sẻ với các nước khác dựa trên những kinh nghiệm thực hiện DaO trong suốt một thập kỷ qua và động lực đổi mới. Hiện trên thế giới đã có 57 nước tham gia DaO, song Việt Nam vẫn là một trong những nước dẫn đầu.
Về phần mình, tôi xin khẳng định lại cam kết cá nhân sẽ thúc đẩy thành công của Sáng kiến Một LHQ tại Việt Nam lên một giai đoạn mới – với những ảnh hưởng vượt biên giới Việt Nam và cũng sẽ là chìa khóa cho cải cách LHQ để gặt hái được thành công trên phạm vi toàn cầu. Tôi cũng cam kết sẽ lãnh đạo để đảm bảo 18 cơ quan LHQ tham gia Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 sẽ đóng góp hết sức vào quá trình phát triển Việt Nam trong tương lại.
Cho phép tôi được kết thúc bài phát biểu bằng việc nhấn mạnh rằng đây là tuần rất đặc biệt cho LHQ trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030. Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại một hội thảo do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào ngày 7/7 tới. Tôi rất vinh dự được mời đến tham gia trình bày tại hội thảo này để một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng hợp tác của LHQ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động và đạt được các mục tiêu SDG. Và, ngày hôm nay, trong tuần quan trọng này, tôi đang tham dự buổi lễ ký Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 để biến cam kết của LHQ tại Việt Nam về các mục tiêu SDG thành hành động!
Xin cảm ơn tất cả các quý vị đã hợp tác và tiếp tục hỗ trợ và xin chúc tất cả quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cám ơn