Hội thảo của UBCVĐXH của Quốc hội về "Đại biểu dân cử khu vực phía Nam và chính sách y tế và phòng, chống HIV/AIDS"
Phát biểu của Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam
Kính thưa:
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Bs, Ts. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội
Thưa các quý vị đại biểu cùng toàn thể hội nghị,
Hôm nay, tôi rất hân hạnh được thay mặt cho cơ quan UNAIDS tới tham dự và phát biểu tại cuộc họp thảo luận về HIV/AIDS và đề án "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới".
Với ý chí quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ, cùng với việc huy động các nguồn đầu tư và nỗ lực lớn lao từ tất cả các bên liên quan -- bao gồm các tổ chức quốc tế, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và cộng đồng -- vào cuộc chiến với HIV, trong vòng hơn 20 năm qua, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã thu được những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc phòng, chống HIV của quốc gia. Công sức và tiền của đầu tư cho phòng chống HIV đã phần nào được đền đáp xứng đáng: nhờ các nỗ lực dự phòng và điều trị hiệu quả mà khoảng thời gian từ 2000-2016, ước tính Việt Nam đã ngăn ngừa được gần nửa triệu ca nhiễm HIV và cứu được 150.000 người dân không bị tử vong do AIDS.
Gần 50% số người nhiễm HIV ở Việt Nam đang được điều trị kháng HIV (ARV). Điều trị ARV giúp những người dân này sống lâu hơn, khỏe hơn, tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội và chăm sóc gia đình.
Song, điều này cũng có nghĩa là còn hơn 50% người dân của chúng ta nhiễm HIV, cần được điều trị, nhưng vẫn chưa tiếp cận được điều trị. Dịch AIDS vẫn chưa chấm dứt. Hàng năm, vẫn còn khoảng 11.000 ca nhiễm HIV mới và 8.000 đồng bào của chúng ta tử vong vì AIDS. Việt Nam vẫn phải đối mặt với một hiểm họa về sức khỏe cộng đồng: đó là HIV vẫn trong danh sách 10 bệnh truyền nhiễm gây gánh nặng bệnh tật lớn nhất cho người dân Việt Nam. Cho dù chúng ta có thể phòng tránh được các ca nhiễm HIV mới, đặc biệt các ca lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải chứng kiến các trường hợp trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Hiểu biết về HIV vẫn còn hạn chế trong lớp người trẻ tuổi. Tương lai của Việt Nam đặt nhiều vào thế hệ trẻ, nhưng những người trẻ tuổi này lại tự đặt mình trước nguy cơ lây nhiễm HIV, do không biết cách phòng tránh. Và như thế, những thành quả đã đạt được trong phòng, chống HIV có thể sẽ bị "đổ xuống sông xuống biển".
Dịch HIV ở các địa phương trên cả nước không giống nhau, và ứng phó với dịch cũng như vậy. Bằng chứng cho thấy dịch HIV đã gia tăng ở một số địa phương và tập trung trong một số nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Diễn biến phức tạp của dịch đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục giữ vững các can thiệp đã có bằng chứng thành công, đồng thời thay đổi cách ứng phó để thích ứng tốt nhất với các biến đổi của dịch HIV.
Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh rằng sẽ không để người dân nào bị tụt lại phía sau trong quá trình phát triển đất nước, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, và luôn lấy người dân và công bằng xã hội làm trung tâm của sự nghiệp phát triển đất nước. Đầu tư cho phòng chống HIV không chỉ đảm bảo rằng không người dân Việt Nam nào sẽ bị tụt lại phía sau mà không tiếp cận được các thông tin cũng như các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đầu tư cho phòng chống HIV còn tạo điều kiện thuận lợi để những người sống với HIV tham gia nhiều và tích cực hơn nữa vào công tác phòng chống AIDS và là một phần trong các giải pháp phòng chống AIDS của quốc gia, đảm bảo huy động sức mạnh từ Trung ương đến cộng đồng dân cư, dồn tổng lực tiến tới chấm dứt dịch AIDS.
Chúng ta có thể thấy rất nhiều tấm gương điển hình của những người sống với HIV tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống AIDS, ví dụ như chị Phạm thị Huệ, một phụ nữ nhiễm HIV, nhưng vẫn duy trì cuộc sống khỏe mạnh trong nhiều năm qua, và hơn nữa còn vận động và giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV khác thông qua các hoạt động tư vấn và hỗ trợ cộng đồng.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ và gia tăng các nguồn đầu tư của quốc gia để tiếp tục cuộc chiến với dịch HIV, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng làm tốt công tác dự phòng và điều trị để duy trì các thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua và mở rộng hơn nữa các dịch vụ phòng, chống HIV, dồn tổng lực tiến tới chấm dứt AIDS vào năm 2030
Kính thưa toàn thể các quý vị đại biểu,
Tình thế đang rất khẩn cấp. Nếu không kịp thời khẳng định lại các cam kết chính trị về phòng chống HIV và đầu tư đầy đủ cho các ứng phó với HIV ngay khi vẫn còn một khoảng cơ hội, thì hậu quả sau đây có thể sẽ phải tốn công sức và tiền của hơn rất nhiều, vì HIV sẽ lây lan rộng hơn và vấn nạn kháng thuốc điều trị sẽ tăng lên, đẩy Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể hoàn toàn kiểm soát được dịch. Một số quốc gia Châu Á, đặc biệt các thành phố, đã chứng kiến tình trạng gia tăng trở lại số lượng các ca nhiễm HIV mới.
Việt Nam có thể chọn con đường đi đúng đắn -- đầu tư đúng và trúng cho phòng chống HIV. Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội và cộng đồng xây dựng Chiến lược Đầu tư cho phòng chống HIV. Chiến lược này đã chỉ ra rằng với mỗi đô la đầu tư một cách hiệu quả cho phòng chống HIV hôm nay, Việt Nam sẽ thu lại được ít nhất 8 đô la trong tương lai và có thể chấm dứt dịch AIDS để AIDS không còn là một hiểm họa đe dọa sức khỏe của người dân Việt Nam vào năm 2030.
Đầu tư ngay lúc này, cho các can thiệp đã chứng minh có hiệu quả, tại những nơi dịch đang hoành hành, vào các nhóm dân cư đang có nguy cơ cao nhiễm HIV- đây là cách sẽ giúp Việt Nam chớp được thời cơ, tạo được tác động trong phòng chống dịch HIV với chi phí không lớn, và một lợi thế là hơn bao giờ hết chúng ta hiện đã có nhiều số liệu tốt để giúp Việt Nam thực hiện được chiến lược đầu tư này.
Dù các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống HIV của Việt Nam đang giảm sút nhanh chóng, do các thành quả trong phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế nhằm đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV, hướng tới thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) để chấm dứt AIDS, chấm dứt đói nghèo. Đồng thời, các mục tiêu phòng chống HIV cũng cần phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh/thành phố. Đây là việc chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và các địa phương.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, đặc biệt từ các đại biểu dân cử, với những can thiệp mang tính sáng tạo có cơ sở khoa học về phòng chống HIV, với quan hệ đối tác giữa các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu đã cam kết 90-90-90 – nghĩa là đến năm 2020 sẽ có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV và 90% số người tham gia điều trị sẽ có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế để giảm lây truyền HIV. Đây chính là con đường để tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào 2030, như cam kết của Việt Nam và tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác đã đưa ra trong Tuyên bố Chính trị năm 2016 về HIV và AIDS.
Cùng với các tổ chức Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển khác, UNAIDS sẽ nỗ lực tối đa nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc Dồn tổng lực chấm dứt dịch AIDS, và luôn đặt người dân ở trung tâm của tất cả các chính sách về phát triển.
Khó khăn rất nhiều nhưng cơ hội cũng rất lớn. Như Ngài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS, Ma túy, Mại dâm đã nói: " Tất cả chúng ta hãy cùng nhau thực hiện 100-100-100% những điều đã cam kết để hoàn thành mục tiêu 90-90-90" tiến tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030."
Trân trọng cảm ơn các Quý vị và xin kính chúc sức khỏe!