Việt Nam phê duyệt cấp thuốc Methadone nhiều ngày về nhà, tiếp tục đẩy mạnh Điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện.
Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt sáng kiến cấp thuốc Methadone nhiều ngày mang về nhà tại Việt Nam. Sáng kiến được hỗ trợ triển khai bởi UNODC và UNAIDS.
Hà Nội (Việt Nam), ngày 11 tháng 2 năm 2021 – Năm 2020 đã chứng kiến một bước tiến quan trọng trong công tác giảm tác hại dự phòng HIV ở Việt Nam khi các bước chuẩn bị cuối cùng để triển khai chương trình cấp thuốc mang về trong điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện đã được hoàn thành.
Mười hai năm trước, năm 2008, những bệnh nhân đầu tiên đã được đưa vào chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Việt Nam. Kể từ khi triển khai can thiệp quan trọng này, hơn 160.000 bệnh nhân đã được đưa vào điều trị, tuy nhiên cho đến cuối năm 2020, chỉ còn khoảng 52.000 người đang được điều trị trong chương trình [i].
Qua một thập kỷ triển khai dịch vụ điều trị Methadone, việc đánh giá hiệu quả chương trình sau cột mốc 10 năm đã được thực hiện vào năm 2018 với các kết quả cho thấy sự thành công của liệu pháp điều trị và sự phù hợp với bối cảnh quốc gia. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các rào cản tiếp cận điều trị cho bệnh nhân trong đó phải kể đến việc phải đi lại đến nơi uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Và câu trả lời cho vấn đề này đã được tìm thấy với sáng kiến cấp thuốc Methadone nhiều ngày mang về.
Cấp thuốc Methadone mang về đã giảm thiểu các rào cản đối với nhiều bệnh nhân không thể tiếp tục duy trì điều trị. Sáng kiến này không chỉ thể hiện trên khía cạnh trao quyền cho người sử dụng ma túy (SDMT) mà còn đóng góp vào công tác dự phòng COVID-19 do giảm thiểu sự di chuyển và tiếp xúc liên quan đến quá trình tham gia điều trị. Trên thực tế, mục địch tiếp tục duy trì chương trình điều trị methadone kết hợp với đáp ứng dự phòng sự lây lan của COVID-19 là chìa khóa để có được sự ủng hộ của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương cho việc triển khai sáng kiến này.
Thông qua việc giảm tối đa thời gian và chi phí đi lại đến các cơ sở điều trị Methadone, sáng kiến cấp thuốc mang về sẽ không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn có tác động tích cực đến gia đình và cộng đồng xung quanh họ. “Khi nhận được tin về việc triển khai cấp thuốc mang về ở Điện Biên, tôi và gia đình mừng lắm. Tôi bắt đầu điều trị methadone vào năm 2012 và nhờ nó, tôi đã có thể từ bỏ việc tiêm chích heroin và kể từ đó bắt đầu đi làm ở một công ty sơn sửa nhà. Tuy nhiên, việc hàng ngày phải đi đến phòng khám khiến tôi thường xuyên bị trễ giờ làm”, một nam bệnh nhân ở Điện Biên chia sẻ. Việc tăng quyền tự chủ của người SDMT thông qua triển khai cấp thuốc mang về tất nhiên sẽ cho phép bệnh nhân quản lý cuộc sống, nghề nghiệp và gia đình của họ một cách tốt hơn.
Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Chương trình Phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đã cùng nhau đóng vai trò quan trọng trong công tác soạn thảo các hướng dẫn kỹ thuật triển khai các chương trình điều trị methadone tại chỗ và mang về. Thành tựu này thể hiện một bước tiến to lớn đối với công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở những người SDMT, và nó đạt được nhờ nỗ lực hợp tác của UNODC và các cơ quan tổ chức khác bao gồm Tổ chức Giảm tác hại Quốc tế (HRI), Mạng lưới Người Sử dụng Ma túy Quốc tế (INPUD), UNAIDS và các tổ chức cộng đồng. Hy vọng rằng sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa các chương trình giảm tác hại dự phòng HIV ở Việt Nam. Hiện tại, sáng kiến này cũng sẽ là bài học mở đường cho việc áp dụng các chiến lược tương tự tại các quốc gia khác cũng đang có mong muốn tìm ra các giải pháp hiệu quả.
Sáng kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào đầu năm 2021 dưới dạng thí điểm tại ba tỉnh thành. Sự kiện này đã được đón nhận một cách tích cực bởi các cán bộ y tế địa phương. Bác sĩ Trần Thị Len, đến từ Phòng khám Methadone Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng, cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi nghe tin về dự ấn cấp thuốc mang về. Tôi tin rằng đây là một giải pháp rất tốt, tốt cho chúng tôi với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ và đặc biệt tốt cho những khách hàng của tôi”.
“Việt Nam đã có một chương trình điều trị Methadone khá thành công, mở rộng ra toàn bộ 63 tỉnh/thành. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể giữ 52.000 bệnh nhân điều trị trong số 160.000 tích lũy cho đến thời điểm này. Theo chúng tôi hiểu, các vấn đề về khoảng cách địa lý và đi lại vẫn là rào cản lớn nhất đối với việc duy trì điều trị của bệnh nhân”, Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị Triển khai Cấp thuốc Methadone mang về (tháng 12 năm 2020).
Trong giai đoạn thí điểm vào năm 2021, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho việc hoàn thiện các chiến lược giảm thiểu tác hại ở Việt Nam cũng như 23 quốc gia có mức độ ưu tiên cao khác. Sự hỗ trợ của UNODC ở các khu vực này trong chiến lược phát triển và thực hiện các chương trình can thiệp toàn diện cho những người tiêm chích ma túy. Tất cả các chương trình đều được xây dựng dựa trên gói can thiệp toàn diện về vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy theo khuyến cáo của UNODC /WHO/ UNAIDS.
[i] Theo Cục PC HIV/AIDS, Bộ Y tế, 2020