Chị em lao động di cư tại Hà Tĩnh giúp nhau "vượt khó" trước khi lên đường
03 tháng 8 2022
Giờ đây, họ hiểu rõ về những nguy cơ mà mình cần đề phòng trước khi di cư lao động.
Hà Tĩnh, Việt Nam - “Em có bảy anh chị em thì tất cả đều đi xuất khẩu lao động. Hơn 80% người trong làng em cũng đi lao động nước ngoài.” Thủy Tiên, 29 tuổi, bà mẹ có hai con, tại xã Thạch Long, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia sẻ.
“Em từng giúp việc cho một nhà hàng ở nước ngoài suốt 10 năm với mức lương hàng tháng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Lương của em thấp hơn nhiều người khác vì em không có giấy phép lao động ”, Thủy Tiên nhớ lại.
Thủy Tiên từng lao động ở một quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương, trở về nước vào năm 2019 sau khi trả hết các khoản vay. Sau dịch COVID-19, Tiên dự định tiếp tục đi xuất khẩu lao động, lần này mục tiêu là một nước ở châu Âu.
Câu chuyện của Tiên rất phổ biến ở tỉnh Hà Tĩnh, nơi số lượng phụ nữ lao động di cư rất đông. Tuy nhiên, Tiên không được tính vào các con số thống kê quốc gia về di cư lao động quốc tế và do đó không được hưởng lợi từ các chính sách của chính phủ, như được tham gia đào tạo trước khi lên đường hoặc hưởng lợi từ quỹ dành cho lao động ở nước ngoài, vốn dành cho người di cư chính thức.
“Thiếu giấy tờ di cư và/hoặc kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, thông tin pháp lý và sự kết nối với những người di cư khác là nguyên nhân khiến phụ nữ lao động di cư dễ bị tổn thương hơn", bà Khuất Thu Hồng, một chuyên gia về giới và giám đốc của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một viện nghiên cứu phi chính phủ tại Việt Nam chia sẻ.
Đầu năm 2021, Thủy Tiên tham gia mạng lưới 20 phụ nữ lao động di cư tại xã Thạch Long, huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đã có ba mạng lưới tương tự khác được thành lập ở Hà Tĩnh, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về di cư an toàn, đặc biệt là trong cộng đồng phụ nữ. Với sự hỗ trợ của UN Women thông qua ISDS, 60 thành viên nòng cốt từ bốn mạng lưới đã được đào tạo và trao đổi kiến thức về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, quyền của người lao động di cư, cách tiếp cận thông tin và các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng ở cả nơi xuất xứ và nơi đến.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Long cho biết: “Ở xã hiện nay đang có nhiều câu lạc bộ khác nhau như: Câu lạc bộ Bình đẳng giới; Câu lạc bộ Khi mẹ vắng nhà, Câu lạc bộ Chính sách và Pháp luật dành cho Phụ nữ. Các câu lạc bộ này có thể hỗ trợ di cư lao động theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, các mạng lưới di cư được thiết lập với sự hỗ trợ từ chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng đã góp phần trực tiếp vào việc tăng cường di cư an toàn và tính tự chủ của phụ nữ ở xã Thạch Long, nơi có khoảng 500 phụ nữ đang làm việc ở nước ngoài ".
Thủy Tiên hiện là thành viên tích cực của mạng lưới và hiện có thể dễ dàng liệt kê ra các nguy cơ bạo lực khác nhau mà phụ nữ lao động di cư cần đề phòng khi tham gia di cư lao động. Tại hội thảo do UN Women tổ chức vào tháng 6, Tiên cho biết đã học được rất nhiều điều từ khóa đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tế của các chị em trong mạng lưới .
Do đó, Tiên quyết định đến làm việc tại Đức, dự kiến vào năm 2023, thông qua hình thức di cư chính thức. Chi phí cho việc này sẽ vào khoảng hơn 200 triệu đồng nhưng theo Tiên là “sẽ an toàn hơn và quyền lợi sẽ được đảm bảo,” chị nói.
“Số tiền này rất lớn nhưng sẽ giúp giảm nhiều rủi ro khi làm việc ở châu Âu. Tiền sẽ kiếm lại được nhanh hơn với mức lương cao hơn. Nếu có vấn đề gì xảy ra, em có thể trình báo công an.”, Thủy Tiên chia sẻ.
Chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng là một phần của Sáng kiến Tiêu điểm do Liên minh châu Âu tài trợ, thực hiện bởi ILO và UN Women tại 10 nước ASEAN nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ lao động di cư trong suốt chu kỳ di cư của họ. Tại Việt Nam, chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng thu hút sự tham gia của nhiều đối tác nhằm tăng cường khuôn khổ quản lý di cư lao động có nhạy cảm giới và năng lực thể chế để bảo vệ quyền của phụ nữ lao động di cư, tăng cường phối hợp và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho những người sống sót sau bạo lực, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng và thái độ về quyền và đóng góp của phụ nữ lao động di cư.