Trà chiều cùng người chuyển giới
25 tháng 8 2022
Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2022 – Hôm nay, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức vận động cho quyền của người chuyển giới It’s T Time đã đồng tổ chức buổi đối thoại “Trà chiều cùng người chuyển giới” tại Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Buổi đối thoại có sự tham gia của hơn 40 đại biểu thuộc cộng đồng người chuyển giới, các tổ chức vận động cho quyền của người chuyển giới và các bộ, ban, ngành có liên quan. Đây là không gian để người chuyển giới và gia đình của họ chia sẻ những trải nghiệm và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời đưa ra những đề xuất ưu tiên từ góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đóng góp cho dự thảo Luật Chuyển đối giới tính tại Việt Nam.
Theo Bộ Y Tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam.[1] Do các định kiến trong xã hội, người chuyển giới thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử từ xã hội trên nhiều phương diện, ví dụ như khi thực hiện các thủ tục y tế, hành chính hay xin việc làm. Điều này đòi hỏi sự nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như các khung pháp lý hiệu quả để đảm bảo quyền của người chuyển giới tại Việt Nam.
Ngày 21/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) công nhận quyền được chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, vì chưa có khung pháp lí cụ thể về việc chuyển đổi giới tính, người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài hoặc tới các cơ sở khám, chữa bệnh bất hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện các can thiệp y tế, từ đó gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề sức khỏe, tính mạng của người chuyển giới. Sau khoảng thời gian trì hoãn do dịch COVID-19, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Nếu được xây dựng và thông qua, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ cho phép người chuyển giới nam và nữ chuyển đổi giới tính của họ tại Việt Nam một cách hợp pháp. Để đảm bảo sự toàn diện và hiệu quả của luật này, tiếng nói của cộng đồng người chuyển giới đóng vai trò hết sức quan trọng.
Buổi đối thoại mong muốn sẽ góp phần làm cầu nối, trao quyền cho tiếng nói của cộng đồng người chuyển giới tới gần hơn với công chúng và các nhà hoạch định chính sách.
[1] Trong bài viết này, thuật ngữ ‘chuyển giới' được dùng để chỉ bất kỳ người nào có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh của người đó. Một người chuyển giới có thể được xác định là nam, nữ, người chuyển giới nam, người chuyển giới nữ, là một người đa dạng về giới hoặc phi nhị nguyên giới hoặc theo các thuật ngữ khác.
Sự kiện còn có sự góp mặt của một vị khách mời đặc biệt là Bà Alba Rueda, Đặc phái viên về Xu hướng tính dục và Bản dạng Giới của Argentina. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng và thi hành Luật Bản dạng giới 2012 tại Argentia – một trong những bộ luật tiến bộ nhất thế giới về quyền của người chuyển giới, Bà Alba đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ và những điểm cần được quan tâm, ưu tiên trong dự thảo Luật chuyển đối giới tính tại Việt Nam.
[1] Trong bài viết này, thuật ngữ ‘chuyển giới' được dùng để chỉ bất kỳ người nào có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh của người đó. Một người chuyển giới có thể được xác định là nam, nữ, người chuyển giới nam, người chuyển giới nữ, là một người đa dạng về giới hoặc phi nhị nguyên giới hoặc theo các thuật ngữ khác.
Thông tin về bà Alba Rueda
Bà Alba Rueda hiện là Đặc phái viên về Xu hướng tính dục và Bản dạng Giới của Argentina, đồng thời là Thứ trưởng đầu tiên về Chính sách Đa dạng Quốc gia tại thời điểm Bộ Phụ nữ, Giới và Đa dạng được thành lập. Trong thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Chính sách Đa dạng, bà đã thúc đẩy các chính sách về sự bao hàm và hòa nhập của những người LGBTI+, cũng như điều phối các hoạt động nhằm: tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; xóa bỏ các hành vi bạo lực trong thể chế và lao động theo hướng đa dạng hóa; và thúc đẩy cơ hội việc làm của cộng đồng LGBTI+. Bà cũng tích cực làm việc trong việc thúc đẩy và thực hiện Luật Hạn ngạch Lao động Chuyển giới (Nghị định 721/20 và Luật 27.636). Ngoài ra, bà còn có kinh nghiệm làm việc mười hai năm tại Bộ Tư pháp và Nhân quyền. Tại đây, bà công tác trong Viện Quốc gia chống Phân biệt đối xử, Bài ngoại và Phân biệt chủng tộc (INADI) và Ban Thư ký Nhân quyền Quốc gia. Alba Rueda được biết đến là một nhà hoạt động xã hội chuyển giới thường kết hợp kiến thức học thuật với kinh nghiệm sâu rộng trong hoạt động xã hội. Ngoài ra, bà còn là một trong những người sáng lập tổ chức Mujeres Trans Argentina (MTA) và là thành viên của Notitrans, tạp chí chuyển giới đầu tiên trong nước.