Đánh giá các thách thức về tuân thủ tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam tại thị trường xuất khẩu
Buổi Tọa đàm nằm trong chuỗi hội thảo chính sách về Phân tích sự tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Ngày 29/9 vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã cùng UNIDO tổ chức buổi Tọa đàm “Phân tích sự tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm nông sản Việt Nam tại 5 thị trường Úc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ” thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu từ các cơ quan và doanh nghiệp liên quan. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP). Đây là một phần trong Chương trình Hợp tác Phát triển Kinh tế của chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam, do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ thực hiện.
Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng trở nên quan trọng và nghiêm ngặt hơn trong thương mại quốc tế đối với các sản phẩm công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt với các thách thức khi phải đáp ứng những yêu cầu về an toàn và chất lượng mà tiêu chuẩn và quy chuẩn đưa ra. Với nguồn lực hạn chế về tài chính và kỹ thuật phải phân bổ cho nhiều nhu cầu nâng cao năng lực khác nhau, các nước này cần xác định rõ thách thức lớn nhất cho quá trình tuân thủ tiêu chuẩn nằm ở đâu để tập trung khắc phục.
Kể từ năm 2008, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thường xuyên thu thập bằng chứng về thách thức liên quan đến thương mại và sự gia tăng của thách thức này theo thời gian, đặc biệt trong lĩnh vực tuân thủ các yêu cầu (về chất lượng, chứng nhận, ghi nhãn…) do các thị trường quốc tế đặt ra. Kết quả của quá trình này là công cụ Phân tích Tuân thủ Tiêu chuẩn (Standards Compliance Analytics - SCA), sử dụng số liệu từ chối nhập khẩu để xác định các thách thức chính mà các nước xuất khẩu gặp phải và qua đó thúc đẩy định hướng đầu tư vào việc tăng cường năng lực tuân thủ liên quan.
Báo cáo Phân tích Tuân thủ Tiêu chuẩn dành cho Việt Nam tập trung vào phân tích xu hướng và loại hình các trường hợp nông sản thực phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu tại 5 thị trường lớn, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hoa Kỳ (US). Báo cáo này được giới thiệu tới các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong buổi Tọa đàm “Phân tích sự tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm nông sản Việt Nam tại 5 thị trường Úc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ” ngày 29/9/2022 tại Hà Nội.
“Những xu hướng gần đây của thế giới đã thể hiện một thông điệp mạnh mẽ. Chúng ta phải cùng nhau không những đảm bảo về mặt an ninh lương thực nói chung, mà chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng an ninh dinh dưỡng cho tất cả người tiêu dùng. Điều đó sẽ không dừng lại ở những thực hành sản xuất đơn thuần mà phải trở thành chuẩn hóa trong sản xuất và tiêu dùng.” - Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá về số liệu thể hiện thách thức mà Việt Nam đang gặp phải khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm trong thương mại nông sản thực phẩm ở cả thị trường khu vực và toàn cầu.
Theo báo cáo, trong số tổng các trường hợp bị từ chối của nông sản Việt Nam giai đoạn 2010-2020, thị trường Hoa Kỳ có tỉ lệ bị từ chối cao nhất chiếm 42%. Tỉ lệ trường hợp bị từ chối ở thị trường Trung Quốc so với tổng số trường hợp bị từ chối đã tăng mạnh từ 10% vào năm 2010 lên 44% vào năm 2020. Các lý do bị từ chối phổ biến nhất tại thị trường Hoa Kỳ là điều kiện/kiểm soát vệ sinh, tại thị trường Trung Quốc và EU là nhiễm khuẩn, tại Nhật Bản là dư lượng thuốc thú y, và với Úc là ghi nhãn.
Đồng thời, các đại biểu đã có dịp chia sẻ và lắng nghe những trao đổi từ kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị trong nước và có nhiều đóng góp quý báu về các chính sách được báo cáo khuyến nghị.
“Tôi hoàn toàn nhất trí với các khuyến nghị và đề xuất và báo cáo đã đưa ra. Một khuyến nghị mà báo cáo đề cập về việc phổ biến các công cụ thương mại kỹ thuật, kho dữ liệu thương mại, các quy định về an toàn thực phẩm, các quy chuẩn, hợp quy và các quy định khác.. là một khuyến nghị rất xác đáng, chính xác và cụ thể. Điều cần thiết là làm sao để khuyến nghị này được đưa vào thực tế một cách nhanh nhất.” - Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Viêt Phúc chia sẻ tại tọa đàm.
“Thông tin trao đổi tại buổi tọa đàm sẽ giúp cho các bên có thể am hiểu một cách sâu sắc hơn về tình hình năng lực tuân thủ tại 5 thị trường chính, cũng như cung cấp thông tin cho các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để điều chỉnh và tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề tuân thủ theo cách hiệu quả và tập trung hơn.” – Bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam phát biểu.
“SECO đã cam kết là một nhà tài trợ tích cực trên toàn thế giới và tại Việt Nam trong việc thúc đẩy hệ thống tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu để đảm bảo các tiêu chuẩn này phù hợp với quy định của WTO và cam kết của các hiệp định thương mại tự do khác một cách hiệu quả hơn. Chúng tôi tự hào ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ của UNIDO và Bộ NN & PTNT trong tăng cường khả năng tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.” - Bà Sibylle Bachmann Phó trưởng Ban Hợp tác - Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) chia sẻ.
GQSP hỗ trợ các doanh nghiệp tại 11 quốc gia mà chương trình đang hoạt động (trong đó có Việt Nam) tiếp cận tốt hơn và hưởng lợi nhiều hơn từ thị trường toàn cầu. Mục tiêu tổng thể của Chương trình là thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện tiếp cận thị trường.