Xây dựng Con đường Tiến tới Bình Đẳng Giới cho Khu vực Doanh nghiệp thông qua các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs): Tóm tắt khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
Việt Nam duy trì uy tín là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ thụ hưởng bình đẳng theo luật pháp, phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và có khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế tương đối cao; đồng thời sức khỏe ngày càng cải thiện và trình độ học vấn ngày càng cao hơn. Mặc dù vậy, khoảng cách giới vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Khoảng cách giới dai dẳng bao gồm: tỷ số giới tính khi sinh vẫn gia tăng trong bối cảnh nhiều người dân vẫn duy trì tâm lý ưa thích con trai hơn sinh con gái; các khuôn mẫu, định kiến giới trong lựa chọn các ngành học và lựa chọn nghề nghiệp đã khiến cho lao động nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các việc làm phi chính thức, dễ bị tổn thương, không được pháp luật bảo vệ đầy đủ và bị trả lương thấp; định kiến giới đối với những phụ nữ làm lãnh đạo, đặc biệt là đối với những phụ nữ nắm giữ các vị trí điều hành; tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành do chồng /bạn tình gây ra vẫn cao, cùng với sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ; và kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ là người phải chịu trách nhiệm chính cho các công việc chăm sóc không được trả lương trong gia đình và phụ nữ phải tự cân bằng giữa công việc này với các công việc được trả lương trong khi các cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một số thiệt hại cụ thể cho nam giới, phụ nữ và các nhóm xã hội khác. Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ giảm đi, nguyên nhân là do những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch như du lịch, bán lẻ, khách sạn đều là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNSNNVV) có tỷ lệ chủ doanh nghiệp là nữ giới cao, cũng là nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 cũng khiến cho phụ nữ phải gánh vác thêm nhiều công việc chăm sóc không được trả lương, đồng thời làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình. Đã đến lúc cần phải giải quyết những gánh nặng dai dẳng đặt trên vai phụ nữ – vốn bị những chuẩn mực xã hội làm trầm trọng thêm; đồng thời xây dựng và ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc vì điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho phụ nữ, tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực, cơ hội việc làm và kinh doanh.
Văn phòng UN Women khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và UN Women Việt Nam đã đề xướng việc xây dựng tài liệu “Tóm tắt Khuyến nghị Chính sách” WEPs nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng và ban hành các chính sách về trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Tài liệu “Xây dựng Con đường tiến tới Bình đẳng Giới cho Khu vực Doanh nghiệp thông qua Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ: Tóm tắt Khuyến nghị Chính sách cho Việt Nam” (sau đây gọi là Tóm tắt Khuyến nghị Chính sách) sẽ cung cấp các khuyến nghị chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy việc thực hiện bảy Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) ở Việt Nam.