Phạm Thị Hiền, người Bắc Ninh, chỉ mới 19 tuổi khi mang thai lần đầu vào năm 1998. Cô sinh con trai đầu lòng năm 1999 và nuôi con bằng sữa mẹ như hầu hết các bà mẹ ở Việt Nam. Chồng Hiền đã tiêm chích ma tuý trong nhiều năm từ trước đó. Khi nhận thức của họ về nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên, hai vợ chồng Hiền đã tìm đến dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Cả hai đều được chẩn đoán nhiễm HIV. Chỉ đến năm 2002 khi con trai họ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, họ mới phát hiện ra đứa con trai nhỏ của mình cũng có HIV.
Vào thời điểm đó tại Bắc Ninh chưa thực hiện điều trị kháng HIV cho trẻ nhỏ. Khi tình trạng sức khoẻ con trai mình trở nên xấu đi vào năm 2004, Hiền tuyệt vọng và cô bắt đầu nghiền nát những viên thuốc kháng HIV cho người lớn và chia chúng thành các liều nhỏ hơn để cho con mình uống. Nếu Hiền không hành động quyết liệt như vậy, con trai của cô có thể đã không qua khỏi. Theo thời gian, trong khi Hiền tiếp tục tần tảo nuôi con, thì tương lai của hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV tại Việt Nam như mẹ con Hiền đã mở ra một trang mới tươi sáng hơn. Năm 2005, khi Việt Nam bắt đầu triển khai điều trị kháng HIV cho trẻ em tại bốn tỉnh có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao, con trai của Hiền đã được tiếp nhận vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và bắt đầu được uống thuốc kháng HIV dành cho trẻ em.
Ngay sau khi Hiền xác định chắc chắn được các biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, cô đã quyết định sinh thêm đứa con thứ hai. Cô đã tuân thủ liệu pháp điều trị kháng HIV từ tuần thứ 15 của thai kỳ và kết quả là sinh con thứ hai không bị lây nhiễm HIV. Cô đã dừng thuốc điều trị ngay sau sinh và không cho con bú sữa mẹ, tuân thủ các hướng dẫn y tế vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi Hiền mang thai đứa con thứ ba vào năm 2011, hệ thống miễn dịch của cô đã bị HIV làm suy yếu. Cô được điều trị HIV toàn thời gian để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và giữ gìn sức khỏe cho chính mình. Con thứ ba rồi thứ tư của Hiền, cả hai đều là con gái, được sinh ra mà không bị lây nhiễm HIV.
Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm bảo vệ trẻ em và các bà mẹ, hướng đến loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Sau khi mở rộng chương trình điều trị thuốc kháng HIV ngay lập tức và suốt đời cho các phụ nữ mang thai có HIV trên quy mô toàn quốc vào năm 2015, phạm vi bao phủ dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã tăng từ khoảng 9% vào năm 2006 lên đến khoảng 81% vào năm 2018 (ước tính của UNAIDS). Các dịch vụ này cũng được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giúp các bà mẹ và trẻ em dễ dàng tiếp cận dịch vụ tại cùng một địa điểm.
Đặt nền móng cho chặng đường tiếp theo, năm 2018 Chính phủ đã thông qua một Kế hoạch Hành động Quốc gia đầy tham vọng nhằm loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030, phù hợp với Kế hoạch khung hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm B và giang mai từ mẹ sang con tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, giai đoạn 2018-2030. Các cơ quan của Liên hợp quốc bao gồm UNICEF, WHO và UNAIDS, đã phối hợp hỗ trợ cho việc vận động chính sách, phân tích thực trạng, thông tin chiến lược, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng, thông qua, và phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia cho các tỉnh thành.
Nhờ những nỗ lực này, đến cuối năm 2018, ước tính số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã giảm còn khoảng 2.400 người tại Việt Nam. Lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng, sàng lọc và điều trị cho phụ nữ mang thai. Mọi trẻ em đều cần được có cơ hội tốt nhất để bắt đầu hành trình cuộc sống một cách khỏe mạnh, không mắc phải các bệnh có thể phòng ngừa được. Nỗ lực nhằm loại bỏ lây truyền từ mẹ sang con đối với ba bệnh này sẽ cho phép nhiều ông bố và các bà mẹ mang thai của Việt Nam bảo vệ được con mình và bản thân được điều trị HIV kịp thời. Giờ đây, Hiền là một người mẹ tự hào và khỏe mạnh, đang phấn đấu để tạo ra những thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống và truyền cảm hứng cho những người khác. Cô là một người vận động năng nổ, mạnh mẽ cho quyền của tất cả trẻ em, quyền của các em nhỏ đang sống với HIV và quyền của những em nhỏ được ra đời mà không bị lây nhiễm HIV.