Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam
11 tháng 9 2023
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho ngành xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam, ngày 11 tháng 9 năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với cùng với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu".
Gần 200 đại biểu bao gồm đại diện cho các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học – Công nghệ; đại diện chính quyền địa phương và các doanh nghiệp từ các tỉnh trọng điểm sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã tham dự hội thảo trực tuyến và trực tiếp.
Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả của dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi giá trị Xoài và Bưởi tại Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2020-2023 do UNIDO phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại các tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuần thủ tiêu chuẩn chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam. Ông Lê Thanh Hòa cho biết: “Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn và đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua. Rau quả là mặt hàng mũi nhọn đóng góp lớn (khoảng 20%) vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, do quy định của các nước nhập khẩu, mặc dù đã có thỏa thuận về thương mại tự do nhưng những vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm vẫn ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu rau quả. Dự án đã hỗ trợ việc xuất khẩu rau quả trong 3 năm qua, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đây là những hoạt động rất có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của ngành rau quả Việt Nam để tiếp tục khẳng định vị thế và đẩy mạnh xuất khẩu. Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của dự án, những sản phẩm rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục được phát triển với những thương hiệu ngày càng lớn mạnh hơn.”
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia UNIDO tại Việt Nam cho biết tiêu chuẩn hóa trong nông nghiệp cùng với áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ mở đường cho sự phát triển bền vững của nông sản Việt Nam trong tương lai. Bà Lê Thị Thanh Thảo nhấn mạnh: “Giai đoạn 1 của Chương trình tiêu chuẩn chất lượng, mà Việt Nam là 1 trong số 8 quốc gia được hưởng lợi, đã cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực tuân thủ cho trái Xoài và Bưởi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của giai đoạn một sẽ được áp dụng trên các loại cây nhiệt đới khác.”
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Etienne Jenni - Giám đốc Chương trình Phòng Xúc tiến Thương mại, Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) cho biết: “Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn trên thế giới và là điểm đến chính của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên nhân cũng là do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của thị trường. Do đó, Thụy Sĩ hỗ trợ Chương trình Tiêu chuẩn Chất lượng (GQSP), nhằm giải quyết những thách thức này và giúp các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và hưởng lợi từ tự do hóa thương mại.”
Tại hội thảo, một số mô hình hỗ trợ kỹ thuật đã phát triển cho chuỗi xuất khẩu xoài và bưởi đã được chia sẻ trong đó có các Quy trình thao tác chuẩn (SOPs), thử nghiệm công nghệ sau thu hoạch mới vào các chuỗi trình diễn thương mại để quản lý chất lượng quả trong toàn chuỗi, từ khâu trồng, xử lý nấm bệnh, thu hoạch, quản lý nhiệt độ, vận chuyển… để tăng đáng kể thời gian bảo quản 35% (ví dụ: tăng thời gian bảo quản lên 40 ngày, bưởi lên 120 ngày) cho phép xuất khẩu bằng đường biển tới các thị trường xa. Các mô hình cũng xây dựng tính bền vững thông qua cách tiếp cận định hướng thị trường để có tính khả thi về mặt thương mại, giảm tổn thất 15%, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, gia tăng giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, tính hiệu quả và trách nhiệm với môi trường.
Hội thảo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tận dụng sự phối kết hợp giữa các ngành trái cây nhiệt đới, và nâng cao các vấn đề liên ngành, tính bền vững, biến đổi khí hậu, số hóa, giá trị gia tăng và xây dựng năng lực để tiếp cận hiệu quả nhiều đối tượng hơn với tác động lớn hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, người sản xuất, hiệp hội, viện, trường và cơ quan quản lý ngành ở Trung ương, địa phương liên quan được tiếp cận thông tin về những cơ hội thị trường mới, chia sẻ tầm nhìn chung về phát triển ngành xuất khẩu trái cây nhiệt đới cũng như cùng nhận thức về các vấn đề và trở ngại chung.
Hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường sự kết nối và đối thoại giữa ngành trái cây, chính phủ, các bên cung ứng dịch vụ và các đơn vị liên quan, các tổ chức quốc tế về những vấn đề quan trọng được xác định dọc theo chuỗi giá trị trái cây, chia sẻ các giải pháp khả thi, và qua đó chuyển thành các khuyến nghị để định hướng xây dựng các chính sách ngành phù hợp, đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành trái cây mà Chính phủ đề ra.
Cũng tại hội thảo này, ông Nima Bahramalian, Giám đốc Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam), UNIDO đã giới thiệu báo cáo phân tích các lý do chính vì sao các sản phẩm nông sản và thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng bị từ chối nhập khẩu tại 5 thị trường Úc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ trong 10 năm (từ 2010 đến 2020), trong đó lý do nhiễm khuẩn (22%) và Điều kiện / kiểm soát vệ sinh (18%), dư lượng thuốc thú y (13%), Ghi nhãn (14%), Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và Phụ gia (7%). Báo cáo còn giới thiệu công cụ Phân tích Tuân thủ Tiêu chuẩn (SCA) để xác định các thách thức chính mà các nước xuất khẩu gặp phải, so sánh hiệu quả tuân thủ thương mại của các quốc gia trên các thị trường khác nhau và liên quan đến các nhóm sản phẩm cụ thể, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, chính sách chất lượng và văn hóa chất lượng… mang tính tập trung, liên ngành, hiêu quả để nâng cao năng lực tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tra cứu về thông tin từ chối tại các thị trường toàn cầu của các quốc gia cũng được truy cập tại https://hub.unido.org/rejection-data/trade-rejection-analysis.
Giai đoạn đầu của Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam) được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc và được tài trợ bởi Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy sĩ (SECO) nhằm thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh để tăng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giai đoạn 2 của Chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 10 năm 2023 đến 2026 sẽ tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững của xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt Nam thông qua đổi mới, đa dạng hóa, cải thiện chất lượng và năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hiện đại.
UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan nhằm mở rộng các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong ngành trái cây trong thời gian tới. Mục tiêu chính là i) tiếp tục cải thiện môi trường chính sách thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành, nâng cao nhận thức và nâng cao văn hóa chất lượng; ii) tăng cường năng lực và dịch vụ hạ tầng chất lượng; iii) nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ để tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng.
Điều này sẽ giúp ngành trái cây nhiệt đới Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tận dụng các cơ hội hiện có, từ đó sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của ngành.
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Bà Hoàng Mai Vân Anh
Điều phối Dự án
Điện thoại: +84 979 528 798
Email: v.hoang-mai@unido.org