Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách - Báo cáo nghiên cứu về mô hình kinh tế vĩ mô (Phân tích bổ sung về bền vững nợ công)
Giới thiệu
Trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và giúp hàng triệu hộ dân thoát nghèo. Dựa trên thành tựu đạt được, Việt Nam quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện tất cả SDG để đảm bảo tiến độ đến năm 2030. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển lớn hơn, bao gồm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các rủi ro khí hậu.
Trên cơ sở này, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) thực hiện nghiên cứu quốc gia dựa trên Mô hình kinh tế vĩ mô ESCAP cho toàn khu vực. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tác động của các kịch bản chính sách đã lựa chọn đến kết quả kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tính bền vững của nợ công, đồng thời tiếp tục lồng ghép khía cạnh phát triển bền vững vào mô hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Quá trình lựa chọn các kịch bản mô hình được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia trong nước, ưu tiên các gói chính sách phù hợp nhất với những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia và hiện thực hóa Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững nói chung.