Thông cáo báo chí

Hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm vắc-xin sởi hàng năm trong vòng 8 năm qua, góp phần làm cho dịch sởi bùng phát trên thế giới như hiện nay – theo UNICEF

22 tháng 5 2019

  • NEW YORK, 25 tháng 4 năm 2019 – UNICEF ước tính khoảng 169 triệu trẻ em không được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong giai đoạn 2010-2017, hoặc trung bình 21,1 triệu trẻ em mỗi năm.

Số lượng trẻ em không được tiêm vắc-xin gia tăng đã góp phần làm cho dịch sởi bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới.

“Nguyên nhân dịch sởi bùng phát trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến đã bắt nguồn từ nhiều năm trước,” Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, cho biết. “Virus sởi sẽ luôn đi tìm những trẻ em chưa được tiêm vắc-xin. Nếu chúng ta muốn nghiêm túc đẩy lùi sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh này, chúng ta cần phải tiêm chủng cho mọi trẻ em, cả ở các quốc gia giàu và nghèo.”

Trong ba tháng đầu năm 2019, hơn 110.000 ca mắc sởi đã được báo cáo trên thế giới – tăng gần 300% so với cùng thời điểm năm 2018. Ước tính 110.000 người, phần lớn là trẻ em, tử vong vì sởi trong năm 2017, tăng 22% so với năm 2016.

Tại Việt Nam, những ca mắc sởi tăng gấp đôi trong hai năm gần đây, từ 1,117 ca năm 2017 tăng lên 2,256 ca năm 2018. Hơn một phần ba những trường hợp mắc sởi (36%) nằm trong nhóm trẻ từ 1-4 tuổi. Nguyên nhân chinh là do các bậc cha mẹ đã do dự trì hoãn việc tiêm vắc-xin cho con.

Vắc-xin Sởi an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc cứu sống trẻ, tiêm phòng sởi cho trẻ còn giúp bảo vệ trẻ khỏi những đau đớn, biến chứng đáng sợ khi mắc sởi. Tiêm chủng cũng giúp cho cha mẹ và gia đình không phải lo lắng và tốn kém khi trẻ bị ốm.

Danh sách 10 quốc gia có thu nhập cao nhưng trẻ em chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong khoảng thời gian 2010-2017 (đơn vị tính: nghìn người)

1. Hoa Kỳ: 2.593.000

2. Pháp: 608.000

3. Vương Quốc Anh: 527.000

4. Argentina: 438.000

5. Ý: 435,000

6. Nhật Bản: 374.000

7. Canada: 287,000

8. Đức: 168,000

9. Úc: 138,000

10. Chile: 136,000

Hai mũi vắc-xin sởi là thiết yếu để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh này. Tuy nhiên, vì những lý do như không tiếp cận được tiêm chủng, hệ thống y tế nghèo nàn, sự tự mãn thấy không cần thiết và một số trường hợp lo ngại hay hoài nghi về vắc-xin, độ bao phủ của vắc-xin sởi mũi đầu trên thế giới được báo cáo là 85% năm 2017, con số này vẫn giữ ở mức độ tương tự như vậy trong thập kỷ qua mặc dù dân số tăng. Độ bao phủ của vắc-xin sởi mũi thứ hai trên thế giới thấp hơn nhiều (67%). Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị mức độ bao phủ của tiêm chủng cần phải đạt ngưỡng 95% để đạt được “miễn dịch cộng đồng”.

Theo số liệu mới nhất, ở các quốc gia thu nhập cao, mức độ bao phủ đối với vắc-xin sởi mũi đầu là 94%, trong khi đó mũi hai giảm còn 91%.

Hoa Kỳ đứng đầu danh sách các quốc gia có thu nhập cao nhưng nhiều trẻ em chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong giai đoạn 2010-2017 (hơn 2,5 triệu trẻ em). Sau đó là Pháp và Vương Quốc Anh, hơn 600.000 (Pháp) và 500.000 (Anh) trẻ sơ sinh chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong cùng giai đoạn.

Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tình hình hết sức đáng lo ngại. Năm 2017, Nigeria là quốc gia có nhiều trẻ em dưới một tuổi nhất không được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi, gần 4 triệu. Sau đó là Ấn Độ (2,9 triệu), Pakistan và Indonesia (mỗi quốc gia 1,2 triệu) và Ethiopia (1,1 triệu).

Mức độ bao phủ trên thế giới đối với tiêm chủng mũi hai vắc-xin sởi còn đáng báo động hơn. Trong danh sách 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất năm 2017 thì 9 quốc gia chưa triển khai mũi hai vắc-xin sởi. 20 quốc gia ở khu vực Châu Phi hạ Sahara cũng chưa đưa mũi hai vắc-xin sởi vào chương trình tiêm chủng quốc gia, khiến hơn 17 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm rơi vào nguy cơ cao mắc sởi trong thời thơ ấu.

UNICEF, cùng các đối tác như Sáng kiến phòng chống Sởi và Rubella và Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng GAVI, đang giúp giải quyết khủng hoảng về bệnh sởi bằng cách:

  • Thương thuyết giá vắc-xin: giá vắc-xin sởi đang là thấp nhất chưa từng thấy;
  • Giúp các quốc gia xác định được những khu vực và những trẻ em chưa được tiêm chủng
  • Mua vắc-xin và các thiết bị cung ứng khác liên quan đến tiêm chủng;
  • Hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho những người chưa tiêm theo các chương trình tiêm chủng thường kỳ;
  • Làm việc với một số quốc gia để đưa vắc-xin sởi mũi hai vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Cameroon, Liberia và Nigeria sẽ thực hiện theo kế hoạch trong năm 2019.
  • Giới thiệu các sáng kiến đổi mới sáng tạo như sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ di động để duy trì bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ thích hợp.

“Bệnh sởi lây nhiễm rất cao,” Bà Fore chia sẻ. “Chúng ta không những cần phải tăng mức độ bao phủ vắc-xin mà còn phải duy trì tỷ lệ tiêm vắc-xin đúng liều lượng để tạo ra sự miễn dịch bao trùm để bảo vệ mọi người.”

######

Ghi chú cho biên tập viên

Tải ảnh và broll tại đây, ảnh về Việt Nam tại đây

Về Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới

Được kỉ niệm vào tuần cuối của tháng Tư, Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới có mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc-xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi khỏi bệnh tật. Tìm hiểu thêm về những nỗ lực của UNICEF và Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới tại đây.

Về các số liệu phân tích

Số liệu phân tích dựa trên các ước tính của UNICEF và WHO về độ bao phủ tiêm chủng toàn quốc của 194 quốc gia trong năm 2017. Các số liệu tạm thời về sởi và rubella dựa trên số liệu hàng tháng được báo cáo cho WHO Geneva vào tháng 4 năm 2019. Đối với các quốc gia thu nhập cao, theo dõi thông tin phân loại quốc gia theo thu nhập của Ngân hàng Thế giới World Bank vào tháng 7 năm 2018.

Về Sáng kiến Sởi và Rubellea

UNICEF tham gia Sáng kiến Sởi và Rubella, hợp tác giữa khu vực công và tư nhân gồm các tổ chức WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC, Quỹ Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ nỗ lực hướng tới xóa bỏ và kiểm soát sởi và rubella.

Về UNICEF

UNICEF hoạt động tại những nơi khó khăn nhất trên thế giới, để tiếp cận được với những trẻ em thiệt thòi nhất thế giới. Có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi làm việc vì mọi trẻ em, ở bất kỳ nơi đâu, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Để biết thêm thông tin về UNICEF và các hoạt động, xin mời truy cập: www.unicef.org/vietnam/vi

Hãy theo dõi các hoạt động của UNICEF trên FacebookInstagram và Twitter

Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này