Thông cáo báo chí

Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Xây dựng chính sách toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”

29 tháng 3 2019

  • Hà Nội, ngày 29/03/2019 - Sáng nay tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu "Xây dựng chính sách toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam". Báo cáo này phân tích tình hình và tác động của già hóa dân số ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các đề xuất chính sách cần thiết nhằm thích ứng với xu hướng này.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số .

Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Xu hướng già hóa dân số là tất yếu, chính vì vậy Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

Tham gia buổi tọa đàm có Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các tổ chức quốc tế: Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và Ông Rintaro Monri, Cố vấn kỹ thuật về già hóa dân số và phát triển bền vững, UNFPA khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Già hóa dân số ở Việt Nam đã ở mức độ có tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thực tế này yêu cầu Chính phủ chỉ đạo và tạo điều kiện để toàn bộ người dân Việt Nam có cuộc sống khỏe mạnh, năng động và đầy đủ suốt cuộc đời. Mặc dù, mối quan tâm chính là người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên, nhưng già hóa dân số đã có ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số khác. Do đó, việc thích ứng với già hóa dân số không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người cao tuổi mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác. Tuy nhiên trên thực tế, các chính sách hiện tại của Việt Nam mới tập trung vào hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của NCT, và chưa tính đến các tác động sâu xa của già hóa tới toàn bộ xã hội và các nhóm trẻ hơn. Vì vậy, một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới cả người cao tuổi và người trẻ tuổi và NCT, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai sẽ giúp Chính phủ đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Chính phủ cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của giá hóa dân số và ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về công tác dân số trong tình hình mới. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện bao gồm: chuẩn bị trình Luật Dân số, sửa đổi và bổ sung Luật Người cao tuổi, xây dựng chương trình quốc gia về NCT đến năm 2030 và dự án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030.

Với sự hỗ trợ của UNFPA thông qua Dự án VIE 09P03 "Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc cung cấp, sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển và bằng chứng để phát triển và giám sát các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững 2017-2021", Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA) đã xây dựng báo cáo chính sách này để cung cấp phân tích và khuyến nghị về sự cần thiết ban hành một chính sách quốc gia toàn diện để thích ứng với vấn đề già hóa dân số và cung cấp các bằng chứng hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu: "Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, "không bỏ ai lại phía sau" sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi. Tôi tin rằng bằng cách tham gia và cộng tác cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt và giúp xây dựng các ứng phó có ý nghĩa đối với già hóa dân số - các ứng phó dựa trên các giá trị không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh."

Kết luận hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: "Báo cáo là một tài liệu rất hữu ích, thiết thực, cung cấp thêm nhiều thông tin nhằm giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn về già hóa dân số và định hướng chính sách trong thời gian tới. Làm cơ sở đầu vào hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là cơ quan thường trực về quản lý nhà nước về người cao tuổi cùng các cơ quan liên quan có định hướng chính sách đúng, phù hợp với người cao tuổi trong thời gian tới. Kế hoạch tiếp theo trong thời gian tới với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ dân số Liên hợp quốc cần phối hợp với các bô ngành xây dựng Chương trình với các hoạt động cụ thể nhằm xây dựng các chính sách, chương trình đáp ứng với già hóa dân số như vấn đề về an sinh xã hội, việc làm đối với NCT, chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội, cứu trợ khẩn cấp, môi trường thân thiện với NCT; chuẩn bị cho tuổi già".

Bấm vào đây để đọc toàn bộ bài phát biểu của Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

---

Để có thêm thông tin xin liên hệ:

  • Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Truyền thông UNFPA | Phone: 84-24-38500345

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này