Thông cáo báo chí

Theo UNICEF, một nửa thanh thiếu niên trên thế giới bị bạo lực học đường

06 tháng 9 2018

  • NEW YORK / HA NOI, 6 tháng 9 năm 2018 - Theo một báo cáo mới do UNICEF công bố hôm nay, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu – cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.

Với tiêu đề Bài học mỗi ngày: chấm dứt bao lực trong nhà trường, báo cáo cho biết bạo lực giữa các bạn cùng trang lứa – được tính bằng số trẻ em bị bắt nạt trong tháng vừa qua hoặc đã tham gia đánh nhau trong năm vừa qua – đã trở thành một phần phổ biến trong việc học tập của giới trẻ trên khắp thế giới. Điều này gây ảnh hưởng đến việc học tập và phúc lợi của các em ở cả các quốc gia thịnh vượng cũng như nghèo khó.

Giám đốc điều hành UNICEF Bà Henrietta Fore nói "Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn".

Bà Henrietta Fore nói tiếp “Mỗi ngày, học sinh đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm đánh nhau, bị ép tham gia các băng nhóm, bắt nạt - cả trực tiếp và trên mạng, kỷ luật bạo lực, quấy rối tình dục và bạo lực có vũ khí. Về ngắn hạn, bạo lực ảnh hưởng đến việc học tập của các em, và về lâu dài bạo lực có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí tự sát. Bạo lực là một bài học không thể quên mà khÔNg trẻ em nào cần học.”

Báo cáo tóm nêu lên nhiều hình thức bạo lực mà học sinh phải đối mặt trong và xung quanh trường học. Theo số liệu mới nhất từ UNICEF:

  • Trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt, và tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần như vậy.
  • Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn.
  • Năm 2017, đã có 396 vụ tấn công tại trường học được ghi nhận hoặc được xác nhận ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô, 26 vụ ở Nam Sudan, 67 vụ tại Cộng hòa Ả Rập Syria và 20 vụ tại Yemen.
  • Gần 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia nơi mà trừng phạt thân thể trong nhà trường không bị cấm.
  • Tuy trẻ em gái và bé trai có nguy cơ bị bắt nạt như nhau, nhưng các bé gái có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của các hình thức bắt nạt tâm lý hơn còn các bé trai có nguy cơ bị bạo lực và đe dọa về thể chất.

Báo cáo cũng ghi nhận rằng bạo lực liên quan đến sử dụng vũ khí trong trường học, chẳng hạn như dao và súng, vẫn tiếp tục xảy ra và cướp đi nhiều sinh mạng. Báo cáo cũng cho biết trong một thế giới kỹ thuật số ngày càng gia tăng, những kẻ chuyên đi bắt nạt đang phổ biến nội dung bạo lực, gây tổn thương và xúc phạm người khác chỉ với một cái nhấp chuột.

Báo cáo cũng cho thấy ở nhiều khu vực của Campuchia, Indonesia, Nepal và Việt Nam, nơi các học sinh mô tả trường học của mình là không an toàn, các yếu tố phổ biến nhất khiến các em đưa ra nhận định đó là do các em phải chịu ngôn ngữ mang tính nhục mạ, đánh nhau và bị các học sinh khác quấy rối. Số liệu cho thấy bắt nạt là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong nhà trường. Bắt nạt và đánh nhau rõ ràng là hiện tượng bạo lực giữa các bạn cùng trang lứa trong trường học đang trở nên báo động.

Phân tích số liệu từ Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam cho thấy bạo lực trong trường học - bao gồm cả xâm hại thể chất và lời nói của giáo viên và các học sinh khác - là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em không thích đi học. Và việc không thích đi học có tác động rất lớn dẫn tới điểm môn toán thấp hơn, tính tự giác và lòng tự trọng cũng bị ảnh hưởng.

Để chấm dứt bạo lực học đường, UNICEF và các đối tác kêu gọi hành động khẩn cấp trong các lĩnh vực sau:

  • Thực hiện chính sách và pháp luật để bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường.
  • Tăng cường các biện pháp phòng ngừa và ứng phó trong trường học.
  • Thúc đẩy các cộng đồng và cá nhân tham gia cùng học sinh lên tiếng về bạo lực và cùng nỗ lực thay đổi văn hóa trong lớp học và trong cộng đồng.
  • Đầu tư hiệu quả hơn và cụ thể vào những giải pháp đã được chứng minh có thể giúp đảm bảo an toàn cho học sinh và nhà trường.
  • Thu thập số liệu tốt hơn, và có số liệu phân tổ về bạo lực đối với trẻ em trong và xung quanh nhà trường đồng thời chia sẻ phương pháp hiệu quả.

UNICEF khuyến khích những người trẻ trên khắp thế giới nói lên tiếng nói của mình để chấm dứt bạo lực (#ENDviolence) học đường và hãy cho chúng tôi biết cách các em làm việc cùng nhau cũng như những giải pháp mà các em sử dụng để chấm dứt bạo lực. Tìm hiểu thêm thông tin tại https://uni.cf/end-violence.

Báo cáo, hình ảnh và b-roll, bao gồm Đại sứ thiện chí UNICEF Lilly Singh ở Nam Phi, có sẵn để tải xuống tại đây.

Ghi chú dành cho Biên tập viên:

  • Tải xuống nội dung đa phương tiện tại đây.
  • Tìm hiểu thêm về chiến dịch toàn cầu #ENDviolence của UNICEF tại đây.
Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này