Thông cáo báo chí

Vai Trò Của Đại Biểu Quốc Hội Trong Thực Hiện Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững ở Việt Nam

22 tháng 5 2018

  • Vào ngày 22 tháng 5 năm 2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chỉ định ngày 30 tháng 6 là Ngày Quốc tế của Nghị viện. Nhân dịp này, chúng ta được nhắc nhở về vai trò quan trọng của Nghị viện/Quốc hội trong việc quyết định con đường phát triển của các quốc gia và đặc biệt trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV) với mục tiêu trung tâm là "Không ai bị bỏ lại phía sau".

Tháng 9 năm 2015, cộng đồng thế giới đã thống nhất 17 MTPTBV với 169 chỉ tiêu trong Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030. Chương trình nghị sự phát triển mới nhằm mục đích đưa tất cả các quốc gia sát cánh bên nhau trên con đường tiến tới một thế giới thịnh vượng, bền vững và công bằng hơn. Các MTPTBV tiếp nối thành công của các Mục tiêu Thiên niên kỷ, đồng thời bổ sung những lĩnh vực mới để có thể đạt được xã hội hoà bình và toàn diện, như biến đổi khí hậu, bình đẳng về kinh tế, đổi mới, tiêu dùng bền vững và quản trị hiệu quả. Thúc đẩy pháp quyền ở tất cả các cấp, giảm đáng kể tình trạng tham nhũng, hối lộ và tăng cường năng lực thể chế thông qua việc đảm bảo tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch là những vấn đề được ưu tiên trong chương trình nghị sự về các MTPTBV.

Chương trình Nghị sự 2030 đã xác nhận rõ ràng "vai trò thiết yếu của nghị viện/quốc hội các quốc gia thông qua việc ban hành luật và thông qua ngân sách cũng như vai trò của họ trong việc đảm bảo trách nhiệm thực hiện các cam kết của các quốc gia chúng ta". Hơn nữa, các chỉ tiêu cụ thể của MTPTBV 16 chứng tỏ rằng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia rộng rãi của người dân như nghị viện/quốc hội là rất quan trọng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự năm 2030.

Sự tham gia của Nghị viện/Quốc hội trong Chương trình Nghị sự 2030 cần phải đảm bảo việc tạo ra một cơ chế cởi mở và minh bạch cho các nước theo dõi tiến trình thực hiện các MTPTBV của họ và tạo điệu kiện cho các thảo luận về chính sách quốc gia được thực hiện trong một bối cảnh cởi mở với sự tham gia của cả khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác. Có ba cách thức chính cho sự tham gia của nghị viện/quốc hội: (i) thông qua vai trò quan trọng của nghị viện/quốc hội trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật quốc gia trong đó có phản ánh và quốc gia hóa các cam kết quốc tế từ Chương trình Nghị sự 2030, bao gồm cả việc thông qua các luật mới nhằm đáp ứng các thách thức phát triển lớn (ii) thông qua vai trò giám sát của quốc hội theo đó quốc hội yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện hiệu quả các chính sách và tiến độ thực hiện MTPTBV của quốc gia, cũng như duy trì các cam kết quốc tế; và (iii) thông qua đặc quyền của nghị viện/quốc hội trong việc phân tích và giám sát ngân sách quốc gia, đảm bảo rằng ngân sách phù hợp được phân bổ cho việc thực hiện các MTPTBV.

Trong bối cảnh đó, ấn phẩm "Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Bộ công cụ tự đánh giá" do Liên minh Nghị viện (IPU) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xây dựng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nghị sĩ trên toàn cầu cũng như các Đại biểu quốc hội tại Việt Nam nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các MTPTBV. Nội dung của Bộ công cụ rất hữu ích và thiết thực, giúp các nghị sĩ/đại biểu tự đánh giá sự sẵn sàng của mình trong việc hỗ trợ thực hiện các MTPTBV. Đặc biệt, bộ công cụ nhấn mạnh đến tăng cường năng lực của nghị viện/quốc hội trong xây dựng pháp luật để hỗ trợ các MTPTBV; huy động tài chính cho các MTPTBV; theo dõi và giám sát việc thực hiện các MTPTBV, cũng như đảm bảo rằng các MTPTBV bao trùm các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bộ công cụ này cũng nhằm mục đích hướng dẫn các nghị sĩ/đại biểu quốc hội trong nỗ lực của họ nhằm phổ biến rộng rãi với người dân về các MTPTBV.

Quốc hội Việt Nam đã chủ động khẳng định mình là một nhân tố chủ chốt trong việc thực hiện MTPTBV thông qua giám sát kỹ lưỡng việc Chính phủ thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về MTPTBV. Việt Nam sẽ đệ trình Báo cáo Quốc gia Tự nguyện đầu tiên (VNR) và sẽ báo cáo tiến độ về việc thực hiện MTPTBV tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) ở New York, Mỹ vào tháng 7 năm 2018. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống dưới 7% năm 2017, Việt Nam vẫn phải giải quyết nhiều thách thức để có được tăng trưởng bền vững hơn và đem lại nhiều lợi ích phát triển hơn cho rất nhiều nhóm dân số yếu thế. Quốc hội Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong góp phần định hướng con đường phát triển của đất nước và tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết hợp tác với Quốc hội Việt Nam để xây dựng một xã hội không có ai bị bỏ lại phía sau vào năm 2030.

Trinh Anh Tuan

Trịnh Anh Tuấn

RCO
Chuyên viên Cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

RCO
United Nations Resident Coordinator Office
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này