Thông cáo báo chí

Đối thoại Chính sách Quốc gia “Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững” tại Hà Nội

24 tháng 4 2018

  • Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2018 – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc gia "Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam" trong khuôn khổ Dự án Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Đối thoại Chính sách Quốc gia "Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững" được tổ chức ngày 24/4/2018 tại Hà Nội đã trở thành một diễn đàn tham luận để tìm ra cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững trong các chương trình dự án và các chính sách quốc gia, đồng thời, đề ra phương án phối hợp với các đối tác khác tại Việt Nam trên tinh thần hợp tác. Trong bài phát biểu khai mạc, bà Yoko Anazawa, Bí thư thứ nhất kiêm Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa của Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh "đây là một đối thoại chính sách quan trọng và rất đúng lúc dành cho các nhà giáo dục ở Việt Nam, giúp họ hiểu rõ hơn về các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững để xác định rõ vai trò của các nhà giáo dục cũng như thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên"

Hơn 100 đại biểu tham dự là lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các ban, ngành thuộc Bộ GD-ĐT và các cơ quan ngang Bộ, các đối tác phát triển, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân đã được cập nhật nội dung của các Mục tiêu Phát triển (số 4 và chỉ tiêu số 4.7) liên quan tới chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững, chương trình giáo dục dành cho công dân toàn cầu và chương trình hành động quốc gia của Việt Nam nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4. Các đại biểu tham dự cũng chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra ý tưởng xây dựng một nền giáo dục Việt Nam có tính hòa nhập, công bằng và chất lượng cao, giúp cung ứng cho học viên những kiến thức và kỹ năng phù hợp với thế kỷ 21 để ứng phó với những thách thức của quốc gia trong các vấn đề phát triển bền vững hiện nay. Ý kiến đóng góp của các đại biểu tại đối thoại có ý nghĩa quan trọng, giúp định hình một cơ chế phối hợp cấp trung ương giữa nhiều bên liên quan.

Hưởng ứng nỗ lực của các quốc gia trên thế giới và Chương trình Hành động Toàn cầu về Giáo dục vì sự phát triển bền vững, UNESCO đã và đang chú trọng tới các hoạt động thực tiễn triển khai các chính sách giáo dục này. Theo chia sẻ của ông Michael Croft, trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam, "mọi người đều dễ dàng công nhận tầm quan trọng của các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là làm cách nào để lồng ghép các chính sách này. Chúng ta phải làm gì để đảm bảo rằng trẻ em sẽ được trải nghiệm phương thức học tập mới ngay tại lớp học và phương pháp đào tạo được xây dựng với một cách tiếp cận bền vững? Làm cách nào để vận hành trường học một cách bền vững mà có sự tham gia của cộng đồng cũng như của khu vực tư nhân? Hay làm cách nào để có thể trao cơ hội cho trẻ em giúp trẻ có thể tự giới thiệu và vận động ủng hộ các chính sách giáo dục này ngay trong chính gia đình và cộng đồng của mình?"

Ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ GD-ĐT cũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách giáo dục này, đặc biệt là đối với chương trình học tập suốt đời. "Học tập suốt đời chính là một phần không thể thiếu của chương trình giáo dục chất lượng cao. Dự án Tăng cường Chính sách Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững là một chương trình có tính toàn diện và sáng tạo, tác động tới mọi lĩnh vực về nội dung, kết quả, giáo dục học và môi trường học tập. Với cách tiếp cận này, dự án sẽ hướng tới mục tiêu cải cách toàn xã hội."

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ 

  • chị Lê Bình, cán bộ dự án giáo dục thuộc UNESCO tại Việt Nam | email: lt.binh@unesco.org
  • hoặc truy cập trang Facebook của UNESCO Việt Nam tại địa chỉ @UNESCOOfficeinVietnam
Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này