Thông cáo báo chí

Chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế

20 tháng 5 2020

  • Đánh giá sâu về ngành xoài Việt Nam đang được tiến hành nhằm xác định thị trường ưu tiên cho xoài và định hướng chiến lược phát triển xoài tại các thì trường này cho cả khu vực công và khu vực tư nhân. Kết quả của đánh giá cũng sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và phát triển bền vững chuỗi giá trị xoài của Việt Nam.

Đánh giá này là một phần của giai đoạn khởi động kéo dài bốn tháng của dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị Xoài tại đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ NN & PTNT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện. Dự án do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO).

Dự án này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh và năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của các tác nhân trong chuỗi giá trị xoài để tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao về quy chuẩn và chất lượng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng quy mô, kim ngạch xuất khẩu và nâng cao tính hiệu quả của chuỗi giá trị sản phẩm xoài.

Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng xoài trong cả nước là 87.000 héc-ta và tổng sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối và được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48,0% tổng diện tích xoài cả nước. Phần lớn xoài được tiêu thụ trong nước, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 4% tổng sản lượng xoài và vì thế Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách 10 nhà xuất khẩu xoài lớn nhất thế giới, do đó, tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm xoài của Việt Nam còn rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục Trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ NN & PTNT nhấn mạnh về những kỳ vọng đóng góp của dự án đối với sản xuất và xuất khẩu xoài của Việt Nam. Ông cho biết: “Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển sản xuất rau quả khi nhu cầu rau củ quả trên thị trường thế giới tăng trưởng 2,88 %/năm (theo FAO dự báo giai đoạn đến năm 2021). Nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu xuất khẩu trái cây với giá trị cao hơn. Dự án cũng sẽ có vai trò chiến lược giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đó là một động lực chính thúc đẩy việc làm và sự thịnh vượng của nông dân và công nhân trong các ngành thuộc sản xuất nông nghiệp.”

Giám đốc dự án từ UNIDO, ông Nima Bahramalian tuyên bố rằng dự án này là một cách tiếp cận có hệ thống nhằm tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng để được công nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định, và cuối cùng, tạo điều kiện đối thoại công tư để đảm bảo phối hợp ở tất cả các cấp để đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Nima Bahramalian nhấn mạnh rằng: “Can thiệp của Dự án sẽ là chất xúc tác thúc đẩy các bên có liên quan ở cả cấp chính sách, thể chế và ngành hành động để phát triển ngành xoài một cách bền vững và có khả năng cạnh tranh cao, từ đó đem lại lợi ích công bằng các các bên tham gia.”

Trưởng Bộ phận Hợp tác Phát triển của Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Marcel Reymond tái khẳng định cam kết của Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm nhằm nâng cao cuộc sống của người dân Việt Nam. Ông cho biết: “SECO hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế. Để đạt được điều này SECO  hỗ trợ nâng cao chuỗi giá trị của các mặt hàng và các lĩnh vực khác nhau”.

Dự án ở Việt Nam là một phần của chương trình hợp tác đối tác chiến lược giữa UNIDO và Chính phủ Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ đó tạo điều kiện tiếp cận thị trường.

Thông tin chi tiết về dự án, xin liên hệ:

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này