Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển nông thôn mới tại Việt Nam
11 tháng 6 2020
- Hội Thảo Lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới
Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2020 – Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội Thảo Lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ trong Chương trình giai đoạn 2010-2020 và trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị về lồng ghép giới trong xây dựng Chương trình MTQG NTM giai đoạn tiếp theo.
Hướng tới bình đẳng giới đã và đang một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bình đẳng giới cũng được Chính phủ lưu tâm trong quá hoạch định chính sách, trong đó bao gồm Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới (Chương trình MTQG NTM). Nghị quyết 26-NQ/TW của Đảng cộng sản Việt Nam về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nền tảng cho công tác xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết xác định mục tiêu cho công cuộc xây dựng nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020 và chi tiết 8 nhiệm vụ giải pháp chính. Trong số các nhiệm vụ và giải pháp này, thúc đẩy bình đẳng giới được nhắc đến ngắn gọn trong giải pháp thứ 3 về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
“Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình. Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới”, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình MTQG NTM là sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn cho đến nay. Trong bối cảnh tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình, năm 2019, UN Women phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách về Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham gia và triển khai một Đánh giá độc lập về giới trong Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2010-2020. Đánh giá sử dụng các nguồn tài liệu thứ cấp, các báo cáo tổng kết 10 năm, và khảo sát thực địa tại năm tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Nam, Long An, Lâm Đồng và Hà Nội), đặc biệt là nhìn từ góc độ giới, các vấn đề trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong Chương trình qua 10 năm triển khai.
Một trong những kết quả quan trọng được nhóm nghiên cứu chia sẻ vào thảo luận tại hội thảo là Công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính “chuyên đề hẹp” chứ chưa phải là vấn đề có tính xuyên suốt chính là hạn chế chính cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình MTQG NTM. Bình đẳng giới chỉ giới hạn trong một chỉ tiêu xây dựng NTM (là chỉ tiêu 18.6) trong khi giới không được đề cập đến trong hệ thống 48 chỉ tiêu còn lại của 19 tiêu chí NTM. Điều này đặt ra giới hạn căn bản đối với chiến lược và cách tiếp cận lồng ghép giới một cách đầy đủ. Do đã có chỉ tiêu bình đẳng giới trong một nội dung riêng biệt nên có xu hướng cho rằng do giới không phải là vấn đề cần quan tâm và ưu tiên trong các tiêu chí xây dựng NTM khác. Chính vì vậy, thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG NTM còn nhiều hạn chế do giới chỉ được nhắc đến trong hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 18.6 mà không có lồng ghép giới trong thực hiện nội dung khác trong Chương trình MTQG NTM. Khi các chỉ tiêu xây dựng NTM còn lại không phản ánh các khía cạnh giới, việc thực hiện đối với các nội dung khác trong mục tiêu xây dựng NTM thường là “trung tính về giới”; vấn đề giới không được quan tâm trong các cơ chế và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG NTM.
Từ đó, một trong những khuyến nghị quan trọng được đưa ra tại hội thảo là vấn đề giới cần phải được giải quyết như là một biến kinh tế - xã hội mang xuyên suốt trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình MTQG NTM. Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dụng của Chương trình MTQG NTM cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của Chương trình MTQG (chứ không chỉ hạn chế trong các hoạt động nhằm thực hiện chỉ tiêu 18.6). Theo đó, quá trình thực hiện Chương trình MTQG NTM sẽ trở nên nhạy cảm giới theo hướng cân nhắc sự khác biệt về nhu cầu của nam và nữ, khuôn mẫu giới, cũng như vai trò của họ trong công tác lập kế hoạch và triển khai các hoạt động của Chương trình MTQG NTM. Cần chú ý rằng việc xác định giới là một vấn đề mang tính xuyên suốt cũng phản ảnh yêu cầu của Luật Bình đẳng giới, trong đó giải quyết vấn đề giới như một phạm trù kinh tế - xã hội toàn diện.
“Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình… vẫn còn tồn tại ở một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội (kể cả ở địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM). Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới. Ở nhiều địa phương, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là “thiên chức” của người phụ nữ”, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TW, nêu ra một số vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ và gia đình trong xây dựng NTM cần tiếp tục quan tâm, thảo luận.
Thông qua hội thảo lần này, đơn vị tổ chức và nhóm nghiên cứu bao gồm UN Women, Hội LHPN Việt Nam, Văn phòng Điều phối NTM TW, và Viện chiến lược và chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cùng chia sẻ và tham vấn về các kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới qua 10 năm triển khai chương trình Nông thôn mới. Quan trọng hơn, hội thảo tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực này cùng thảo luận và chia sẻ cách thúc đẩy, lồng ghép giới trong các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là CTMTQG NTM giai đoạn tiếp theo, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
“Thông qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn có một cuộc thảo luận hiệu quả về các khuyến nghị thực tế và khả thi để phát triển một chương trình ứng phó về giới nhằm đảm bảo lợi ích và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong giai đoạn 2021-2030. Chương trình này sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, mà quan trọng hơn là hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện.”, bà Elisa Fernandez Senz, Trưởng Đại diện văn phòng UN Women tại Việt Nam, phát biểu tại buổi hội thảo.
---
Liên hệ Truyền thông:
- Trần Linh, UN Women Việt Nam, SĐT: 077 910 2297, Email: tran.linh@unwomen.org
- Nguyễn Nga, UN Women Việt Nam, SĐT: 097 758 7978, Email: nguyen.nga@unwomen.org