Thông cáo báo chí

Thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở vùng sâu vùng xa khiến cho trẻ em và thanh niên Việt Nam không nhận được hỗ trợ cần thiết

06 tháng 2 2018

  • Hà Nội, ngày 6 tháng 2 năm 2018 - Các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng theo một nghiên cứu mới của UNICEF, MOLISA và ODI, các dịch vụ chăm sóc và ứng phó tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Điều này dẫn tới việc không ngăn ngừa được tình trạng tự tử vì những người có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần không được điều trị - và đây vốn là nguyên nhân chính dẫn tới các ý định và hành động tự sát.

Ông Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Việt Nam nói "Mọi trẻ em đều có quyền cơ bản là được sống và phát triển tối đa, cũng như quyền đạt được tiêu chuẩn sức khoẻ tối ưu nhất. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, những điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, làm cho các em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, điều này đã vi phạm quyền cơ bản của các em."

Báo cáo Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ và phúc lợi xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. "Về bác sỹ, nhân lực bác sỹ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng rất ít ở Việt Nam. Gần như người ta chưa trọng tâm về nội dung này, chính vì vậy chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế" – trích phỏng vấn cán bộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Phòng Nghiệp vụ Y và Dược bệnh viện), Bộ Y tế, Hà Nội).

Trong bài phát biểu khai mạc tại hội thảo, Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã đánh giá cao việc chia sẻ kết quả của báo cáo này và nhấn mạnh rằng những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực tế nhằm giúp các ngành và các địa phương xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam.

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị về tầm quan trọng của việc chính phủ Việt Nam tăng cường và nâng cao số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong khu vực công và số lượng và loại hình dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ liên quan đến vấn đề sức khoẻ tâm thần thể nhẹ hơn. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về nhu cầu giải quyết tình trạng tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên, tất cả những điều đó sẽ không thể thực hiện nếu không có khung chính sách, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp và sự hợp tác giữa các bộ, ngành khác nhau.

Dựa vào một loạt cuộc phỏng vấn với các nhà cung cấp dịch vụ, người trưởng thành, trẻ em/thanh thiếu niên, Báo cáo nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố bảo vệ gồm môi trường gia đình gắn kết, mạng lưới xã hội và bạn bè tốt, giáo viên hỗ trợ và tấm gương để noi theo. Điều kiện kinh tế hộ gia đình tốt hơn cũng như sự có sẵn của các dịch vụ cũng giúp giảm bớt gánh nặng lên trẻ em, qua đó giảm bớt những căng thẳng tiềm ẩn.

Nghiên cứu này khẳng định tự tử và nỗ lực tự tử đặc biệt ở trẻ em và thanh niên là một vấn đề ở Việt Nam, và báo cáo này cũng xem xét những nhận thức chủ yếu quanh vấn đề này. Mặc dù tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực, người ta ngày càng lo ngại khi tỉ lệ tự tử ở Việt Nam đang gia tăng và cần phải có hành động để giải quyết vấn đề này. Những người được phỏng vấn có xu hướng cho rằng trẻ em gái nhạy cảm với vấn đề tự tử hơn trẻ em trai. Ngoài ra, ở Điện Biên, lá ngón có độc dường như khiến việc tự tử dễ dàng hơn, đặc biệt đối với những em gái người Mông do các em sống gần nơi có lá ngón. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có rất ít số liệu để chứng minh điều này, do đó cần phải thận trọng trước khi khái quát hóa vấn đề tự tử ở nhóm dân tộc cụ thể hoặc giữa trẻ em trai và trẻ em gái.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới ở Hà Nội, nghiên cứu này mong muốn mang tới một cái nhìn tổng quan về sức khoẻ tinh thần của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam. Những phát hiện từ nghiên cứu này sẽ giúp đưa ra khuyến nghị về cách giải quyết tình trạng sức khoẻ tinh thần của trẻ em và thanh niên và sẽ lồng ghép vào các chương trình cấp quốc gia hiện có như Chương trình Quốc gia về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người có bệnh tâm thần và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe, cũng như các chương trình và khung pháp lý trong tương lai đang được lên kế hoạch bao gồm Chiến lược quốc gia về Sức khoẻ Tâm thần giai đoạn 2016-2025, với tầm nhìn đến năm 2030.

Ghi chú cho biên tập viên:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, rối loạn tâm thần được định nghĩa là "sự kết hợp của những suy nghĩ bất thường, quan niệm, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người khác", trong khi các rối loạn về sinh học có thể bao gồm chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, sa sút trí tuệ, rối loạn phát triển bao gồm chứng tự kỷ (WHO, thông tin cơ bản 2016). Ngoài những rối loạn về mặt sinh học, sức khoẻ tâm thần cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng. Theo Nguyên tắc Capetown, "hiệu ứng tâm lý" được định nghĩa là những trải nghiệm ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, trí nhớ và khả năng học tập và nhận thức và hiểu biết về một tình huống cụ thể" (Nguyên tắc Capetown, UNICEF 1997). Chúng bao gồm các ảnh hưởng xã hội đối với phúc lợi do các yếu tố khác nhau như nghèo đói, chiến tranh, di dân, nạn đói, biến đổi khí hậu v...v...

Nghiên cứu này rút ra, xây dựng và bổ sung cho các nghiên cứu đang được thực hiện bởi Viện Phát triển Hải ngoại cùng với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới về quá trình thay đổi chuẩn mực xã hội về giới (ví dụ như về giá trị giáo dục cho trẻ em gái, phân chia lao động và ra quyết định trong gia đình giữa 2 giới, hôn nhân, bạo lực trên cơ sở giới) của những người trẻ được tin là có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ tâm thần và phúc lợi tâm lý xã hội. Các chuẩn mực phân biệt đối xử như vậy thường chịu tác động bởi nhiều bối cảnh (các cuộc đàm thoại toàn cầu và khuôn khổ quốc tế, hệ tư tưởng chính trị quốc gia và quỹ đạo phát triển, bối cảnh địa phương), nhưng những chuẩn mực này cũng được điều chỉnh lại thông qua trải nghiệm và nhận thức của từng cá nhân và cộng đồng.

Nhấn vào đây để tải trọn bộ bản nghiên cứu 

Giới thiệu về UNICEF

UNICEF hoạt động tại một số nơi khó khăn nhất trên thế giới, để tiếp cận những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất. Tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi làm việc vì tất cả trẻ em, ở mọi nơi nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Để biết thêm thông tin về UNICEF và công việc mà chúng tôi đang làm vì trẻ em hãy truy cập www.unicef.org/vietnam/vi .

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

  • Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-24-38500225;+8-4904154678; ntthuong@unicef.org
Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này