Thông cáo báo chí

Cán cân đã thay đổi—UNAIDS công bố đã có hơn một nửa số người nhiễm HIV được điều trị kéo dài cuộc sống

20 tháng 7 2017

  • HÀ NỘI, Ngày 20/7/2017—UNAIDS ngày hôm nay công bố một báo cáo mới cho thấy lần đầu tiên cán cân đã thay đổi: trên toàn thế giới, hơn một nửa tổng số người nhiễm HIV (53%) đã được điều trị kháng HIV và số người tử vong do AIDS đã giảm gần một nửa trong thập kỷ vừa qua. Đến cuối năm 2016, đã có 19,5 triệu người nhiễm HIV được điều trị. Số người tử vong do AIDS đã giảm từ 1,9 triệu năm 2005 xuống còn 1 triệu vào năm 2016. Nếu tiếp tục duy trì được tiến độ này thì thế giới sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2020 về tăng tốc trong điều trị HIV.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2016 có hơn hai phần ba tổng số người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm của bản thân, khoảng hai phần ba trong số người này đã tiếp cận được điều trị và cứ năm người tham gia điều trị thì có bốn người đã đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Việc mở rộng điều trị kháng HIV đã giúp giảm gần một phần ba số người tử vong do AIDS trong khu vực kể từ năm 2010, và trong thành công này Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể.

“Những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đã tạo ra những tác động rất rõ ràng trong việc khống chế dịch,” Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết. “Đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây.” 

Thực hiện mục tiêu 90-90-90: còn nhiều việc phải làm

Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90–90–90, nhưng công việc phía trước vẫn còn nhiều. Dịch AIDS vẫn chưa kết thúc.

Số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng giảm chưa đủ nhanh

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV.

Áp dụng đồng thời nhiều cách tiếp cận để giảm tối đa tác động của HIV lên các nhóm có nguy cơ cao 

Ở tất cả các nơi bên ngoài khu vực cận sa mạc Sahara của châu Phi, các nhóm chính có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bạn tình của họ chiếm tới 80% tổng số nhiễm HIV mới trong năm 2015. Ở Việt Nam, số liệu năm 2016 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy là 11%, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 8,2% và trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. Dịch HIV đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới sinh sống tại các đô thị. Những phụ nữ có chồng hoặc bạn tình nam giới là người nhiễm HIV hoặc người có hành vi khiến họ có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đang ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng số người mới nhiễm HIV. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV tại cộng đồng và được lồng ghép vào hệ thống y tế chung, cũng như mở rộng các cách tiếp cận thân thiện với người sử dụng dịch vụ và các sáng kiến đổi mới đã thí điểm thành công, để khuyến khích được nhiều người trong nhóm có nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Lấp đầy khoảng thiếu hụt trong chuỗi dịch vụ từ xét nghiệm tới điều trị   

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị và cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 cho mọi người nhiễm HIV, nhưng trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến một phần ba chưa tham gia điều trị. Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục làm suy yếu ứng phó của quốc gia với dịch HIV.

Chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm đầu tư cho phòng chống HIV và tối ưu hóa hiệu suất chương trình

Trên phạm vi toàn cầu, các nguồn lực dành cho phòng chống HIV vẫn chưa tăng đủ. Ở châu Á và Thái Bình Dương, các nguồn lực trong nước đầu tư cho HIV đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua nhưng đóng góp của quốc tế cho khu vực này lại giảm khoảng 25% trong năm năm gần đây, đồng nghĩa với việc nguồn lực cho phòng chống AIDS trong khu vực vẫn còn bị thiếu hụt. Ở Việt Nam, số liệu mới nhất có được cho thấy các nguồn lực trong nước chiếm khoảng một phần ba tổng chi tiêu cho phòng chống AIDS trong năm 2015, và con số này đang tăng lên. Nâng cao hơn nữa hiệu suất của công tác phòng chống AIDS và tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có là vô cùng cần thiết để Việt Nam thu được lợi ích lớn nhất từ đầu tư cho phòng chống AIDS đồng thời tạo được tác động mạnh mẽ hơn nữa trong việc khống chế dịch.

“Việt Nam đang tiếp tục cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì bền vững ứng phó với HIV, thể hiện qua việc gia tăng đầu tư trong nước cho HIV từ nguồn bảo hiểm y tế và từ đóng góp của các địa phương,” Bà Marie-Odile Emond cho biết, “Đầu tư đủ và đầu tư thông minh cho phòng chống AIDS, ngay từ bây giờ, và tối ưu hóa tất cả các nguồn lực về tài chính và con người, ở tất cả các cấp, sẽ giúp Việt Nam tránh không để dịch HIV tiến triển phức tạp hơn nữa, dẫn đến phải đầu tư nhiều hơn cho ứng phó với HIV trong tương lai, và có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030.”

Nguyen Thi Bich Hue_UNAIDS

Nguyễn Thị Bích Huệ

UNAIDS
Cán bộ Chương trình

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này