Thông cáo báo chí

Những bất cập về số liệu trẻ em được chăm sóc tập trung khiến cho những trẻ em yếu thế nhất bị bỏ quên - UNICEF

01 tháng 6 2017

  • GENEVA/NEW YORK, 1 tháng 6 năm 2017: Theo ước tính mới đây của UNICEF, có ít nhất 2,7 triệu trẻ em sống trong các trung tâm chăm sóc tập trung trên thế giới. Con số này, được công bố hôm nay trên tạp chí Xâm hại & Sao nhãng Trẻ em (Child Abuse & Neglect), có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tại hầu hết các quốc gia vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và lỗ hổng trong việc thu thập số liệu và ghi chép thông tin chính xác.

“Khi được chăm sóc tập trung, như trong các trung tâm tập trung hay làng trẻ mồ côi, trẻ em vốn đã yếu thế do bị tách khỏi gia đình lại càng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và tổn thương lâu dài đến sự phát triển nhận thức, xã hội và tình cảm của các em,” Ông Cornelius Williams, Phó Giám đốc Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết. “Cần ưu tiên để trẻ em không phải chăm sóc tập trung mà được chăm sóc trong gia đình, đặc biệt là trong những năm đầu đời.”

Ước tính mới đây của UNICEF được dựa trên số liệu từ 140 quốc gia. Khu vực Trung và Đông Âu có tỷ lệ cao nhất trên thế giới, 666 /100.000 trẻ em được chăm sóc tập trung, cao hơn gấp 5 lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 120/100.000 trẻ em. Các quốc gia công nghiệp hóa, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ cao thứ hai và thứ ba với tỷ lệ lần lượt là 192 và 153 trên 100.000 trẻ em được chăm sóc tập trung.

Nghiên cứu của UNICEF nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia vẫn còn thiếu một hệ thống đưa ra số liệu chính xác về số trẻ em được chăm sóc thay thế. Ở nhiều quốc gia, những ghi chép chính thống mới chỉ phản ánh được một phần nhỏ trong số lượng thực tế trẻ em được chăm sóc tập trung; trẻ em trong các trung tâm do tư nhân quản lý, sở hữu thường chưa được tính đến.

“Các Chính phủ cần phải có được danh sách chính xác và toàn diện hơn về tất cả các cơ sở chăm sóc tập trung hiện nay, cũng như thường xuyên rà soát kỹ lưỡng số trẻ em sống trong các cơ sở này để cập nhật các ghi chép chính thống,” Bà Claudia Cappa, Chuyên gia Thống kê của UNICEF và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. “Bằng cách này chúng ta sẽ có thể đánh giá được mức độ của vấn đề và hợp tác với các chính phủ để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.”

Nghiên cứu cho thấy một số yếu tố nguy cơ chính khiến cho trẻ em phải đưa vào chăm sóc tập trung bao gồm gia đình tan vỡ, vấn đề sức khỏe, cung cấp các dịch vụ xã hội còn kém hoặc không đồng đều, khuyết tật và nghèo.

Các chính phủ cần phải nhanh chóng giảm số trẻ em sống trong các trung tâm chăm sóc tập trung bằng cách tránh việc tách trẻ em ra khỏi gia đình nếu có thể, và tìm kiếm những gia đình cho trẻ em cần được chăm sóc thay thế, ví dụ như những gia đình nhận nuôi trẻ. UNICEF cũng khuyến nghị cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các chương trình hỗ trợ gia đình tại cộng đồng.

Việt Nam:

Tương tự, Việt Nam cũng còn bất cập về số liệu liên quan đến trẻ em được chăm sóc tập trung. Số liệu chưa chính thức công bố của chính phủ dao dộng lớn từ khoảng 11.365 đến 22.000 trẻ em trong các cơ sở chăm sóc tập trung, tuy nhiên chưa có số liệu chính thống được công bố rộng rãi. Bất cập này cũng đã được nhấn mạnh trong báo cáo Kết luận của Ủy ban Quyền Trẻ em năm 2012, trong đó đề cập:

“…Ủy ban quan ngại về những số liệu không xác thực liên quan đến tính chất, mức độ của việc trẻ em chăm sóc trong các cơ sở tập trung của quốc gia thành viên. Mặc dù quốc gia thành viên đã xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về chăm sóc tối thiểu trong các cơ sở chăm sóc tập trung, Ủy ban vẫn hết sức quan ngại về việc thiếu tuân thủ đối với các nguyên tắc của Công ước tại hầu hết các cơ sở chăm sóc tập trung; báo cáo về xâm hại thể chất và bóc lột tình dục trẻ em trong các cơ sở chăm sóc tập trung; và khoảng thời gian dài mà trẻ em bị tách khỏi môi trường gia đình và chăm sóc trong các cơ sở tập trung”

Luật Trẻ em mới có hiệu lực kể từ hôm nay có thể góp phần cải thiện tình trạng này. UNICEF Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/ND-CP hướng dẫn thực hiện chăm sóc thay thế cho trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, bao gồm cả những em hiện đang sống trong các cơ sở chăm sóc tập trung.

Ghi chú cho BTV

Bài trên tạo chí sẽ được truy cập miến phí từ 1/6 đến 31/8/2017

Nếu quý vị cần bản PDF của bài báo, xin email tới  hwylie@unicef.org  

Giới thiệu UNICEF

UNICEF thúc đẩy các quyền và lợi ích của mọi trẻ em trong mọi hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi có mặt tại 190 quốc gia và lãnh thổ nhằm biến các cam kết thành hành động cụ thể, tập trung nỗ lực đặc biệt vào việc tiếp cận những đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất, nhằm mang lại lợi ích cho mọi trẻ em trên toàn cầu.

Để biết thêm thông tin về các hoạt động và chương trình vì trẻ em của UNICEF xin mời truy cập www.unicef.org/vietnam/vi

Để có được số liệu mới nhất về trẻ em xin mời truy cập www.data.unicef.org

Đồng hành cùng UNICEF trên Facebook

Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này