Thúc đẩy sự dịch chuyển sinh viên trong giáo dục đại học – các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia cùng chuẩn bị phê chuẩn và thực hiện Công ước Tokyo 2011
28 tháng 3 2017
- Hà Nội, ngày 27-28 tháng 3 năm 2017 – Với hơn 120.000 công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài năm 2016 và 485 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, Việt Nam đang chuẩn bị phê chuẩn và thực hiện Công ước về Công nhận văn bằng giáo dục đại học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng, trong đó có sự tăng trưởng nhanh chóng của các cơ sở giáo dục đại học, cả công lập lẫn tư thục, cũng như sự mở rộng các chương trình giáo dục đại học xuyên quốc gia. Tuy nhiên, đi kèm với sự thay đổi nhanh chóng đó là những thách thức không nhỏ, bao gồm hiểu biết và nhận thức chưa đầy đủ về các chương trình được kiểm định hoặc công nhận cũng như sự cần thiết phải có khung trình độ quốc gia và các công cụ đánh giá kết quả học tập.
Nhằm nâng cao nhận thức và tiến tới phê chuẩn Công ước Tokyo về Công nhận văn bằng giáo dục đại học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Công ước Tokyo 2011), Bộ Giáo dục và Đào tạo, với sự hỗ trợ của UNESCO, đã tổ chức một hội thảo quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và đại biểu của các tổ chức hữu quan.
Đại diện cấp cao của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, các Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, Hội đồng Anh, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, đơn vị truyền thông và đội ngũ chuyên gia đến từ Việt Nam, Trung Quốc và UNESCO Băng Cốc đã cùng có mặt tham dự sự kiện 2 ngày này.
Vào ngày thứ nhất, các chuyên gia và tư vấn đã chủ trì các phiên thảo luận về yêu cầu và thủ tục phê chuẩn và thực hiện Công ước Tokyo 2011. Nội dung thảo luận bao gồm việc thừa nhận những hỗ trợ và khuyến nghị cần thiết để thành lập Trung tâm Thông tin Quốc gia về công nhận văn bằng trong giáo dục đại học cũng như cơ chế điều phối để thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.
Ngày thứ hai, những nội dung và khuyến nghị quan trọng đã được thảo luận thông qua 3 phiên chính do các diễn giả và báo cáo viên chính chủ trì. Các phiên thảo luận đều nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Công ước Tokyo 2011 trong việc liên hệ giữa công nhận quốc tế với sự dịch chuyển sinh viên và năng lực hành nghề của họ; thực trạng công nhận văn bằng giáo dục đại học ở Việt Nam; và sự cần thiết phải có Trung tâm Thông tin Quốc gia với một nghiên cứu điển hình về công nhận bằng cấp giáo dục đại học ở Trung Quốc.
Phát biểu chào mừng đại biểu, TS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đề nghị các chủ thể hữu quan trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam trình bày về việc phê duyệt Khung Trình độ Quốc gia (VNQF) dẫn tới việc hình thành ‘hành lang pháp lý cho giáo dục Việt Nam… để nắm bắt xu thế hội nhập quốc tế và khu vực ngày một tăng lên.’ Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm mục đích thiết lập ‘mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác…, theo đó, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong một môi trường làm việc ngày càng toàn cầu hóa .’
Hưởng ứng tinh thần đó, Ông Phạm Vinh Quang, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh toàn cấu hóa với ‘những đổi thay nhanh chóng của cuộc sống xuất phát từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, thông tin… tác động đến lĩnh vực giáo dục làm nảy sinh các hình thức giáo dục mới bên cạnh các hình thức giáo dục truyền thống.” Ông nhấn mạnh rằng hội thảo là ‘dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, trảo đổi kinh nghiệm thực tiễn…và đưa ra những khuyến nghị phù hợp đối với các cơ sở giáo dục đại học.“
Công ước về Công nhận văn bằng giáo dục đại học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong sáu Công ước của UNESCO nhằm đảm bảo rằng hệ thống văn bằng, trình độ trong giáo dục đại học được công nhận rộng rãi, đồng thời xét đến tính đa dạng của các hệ thống giáo dục ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và sự phong phú về điều kiện văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO tại địa chỉ email: t.matsumoto@unesco.org