Ngày Dân số Thế giới năm 2019
Bài phát biểu Ông Kamal Malhotra Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
Kính thưa:
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc Hội;
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ trưởng Bộ Y tế;
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam;
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;
Đại diện các bộ ngành, các cơ quan chính phủ, đại diện các Đại sứ quán, đại diện cho các cơ quan tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cho các tổ chức thanh niên, đại diện khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các cơ quan truyền thông và các đồng nghiệp Liên hợp quốc;
Kính thưa các vị khách quý.
Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Liên hợp quốc tại Việt Nam có mặt tại đây cùng các vị khách quý để cùng tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quan trọng nhất trong năm của UNFPA. Trước hết cho phép tôi được gửi lời cám ơn Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã đứng ra tổ chức sự kiện quan trọng ngày hôm nay.
Ngày 11/7 hàng năm được chọn làm Ngày Dân số Thế giới trên phạm vi toàn cầu. Lễ kỷ niệm ngày Dân số Thế giới mỗi năm sẽ tập trung vào một chủ đề dân số cách bách nhất của thời đại trong giai đoạn đó. Và hôm nay chúng ta cùng nhau kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2019 với chủ đề: "25 năm sau ngày tổ chức Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển: hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết".
Kính thưa các vị khách quí.
Năm 2019 là một năm bản lề và đầy sôi động đối với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cơ quan chuyên trách các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của Liên Hợp Quốc. Năm nay sẽ là năm UNFPA tròn 50 tuổi và đây sẽ là một sinh nhật thật sự đặc biệt. Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm Chương trình hành động ICPD tròn 25 tuổi – đây chính là kim chỉ nam cho những hoạt động mà UNFPA đã và đang tổ chức thực hiện. Hai cột mốc lịch sử quan trọng diễn ra vào cùng một thời điểm nên lời chúc mừng cần được nhân đôi!
Như quí vị đã biết, ICPD là chữ viết tắt của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức tại Cairo năm 1994. Tại Hội nghị này, 179 quốc gia trong đó có Việt nam đã cùng nhau xây dựng một Chương trình hành động. Đây là lần đầu tiên chúng ta đề cập tới vấn đề "phát triển bền vững" dựa trên việc thực hiện các quyền và sự lựa chọn của mỗi cá nhân đồng thời dựa trên những thành tựu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho tất cả moi người dân.
Mặc dù chương trình hành động của ICPD được coi là một cuộc cách mạng và nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực dân số và phát triển, mọi thứ không phải là ngẫu nhiên mà có.
Vào những năm 1970, chính phủ của nhiều quốc gia, một số tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phát triển bắt đầu thực hiện việc cung cấp các biện pháp tránh thai đáng tin cậy với số lượng ngày càng gia tăng nhằm mục đích giúp phụ nữ quản lý việc sinh sản của mình một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên tại thời điểm này, mục tiêu chính của các chương trình Kế hoạch hóa gia đình là đạt được các mục tiêu về kiểm soát số số con. Trên thực tế việc kiểm soát về số con thường tạo ra các tác động tiêu cực tới chất lượng của các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản và đôi khi vi phạm tới các quyền của phụ nữ.
Tuy nhiên, tới năm 1994, trên phạm vi toàn cầu đã xuất hiện một sự đồng thuận cho rằng phụ nữ có quyền tự đưa ra quyết định về việc có sinh con hay không, sinh con tại thời điểm nào và họ có thể được tự quyết định khoảng cách giữa các lần sinh và sinh con trong điều kiện an toàn.
Đây chính là cơ sở cho việc tổ chức Hội nghị ICPD và Hội nghị đã nhấn mạnh một cách rõ ràng vào mối quan hệ phụ thuộc mang tính củng cố lẫn nhau giữa quyền sinh sản và phát triển bền vững. ICPD kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện bao gồm kế hoạch hóa gia đình dựa trên quyền, thay vì tập trung vào các mục tiêu kiểm soát sinh.
Với việc đặt các quyền và thực hiện sự lựa chọn cá nhân vào vi trí trung tâm của sự phát triển, Hội nghị ICPD đã phản ánh được các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời thể hiện được các trụ cột của Tuyên ngôn quyền con người – đây chính là nền tảng cho tất cả những công việc mà Liên hợp quốc mong muốn thực hiện.
Chương trình hành động cũng thừa nhận rằng chăm sóc sức khỏe sinh sản và và thực hiện trao quyền cho phụ nữ là hai vấn đề đan xen phụ thuộc lẫn nhau và cả hai vấn đề này đều là những cơ sở thiết yếu để đat được sự tiến bộ xã hội.
Kính thưa các vị khách quí.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.
Thay mặt cho Liên hợp quốc, tôi xin khẳng định cam kết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là một đối tác cùng đồng hành với Việt nam trong việc đạt được hết các mục tiêu mà Chương trình hành động đã đề ra nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công chương trình nghị sự tới năm 2030.
UNFPA đã đặt ra 3 mục tiêu đầy tham vọng tới thời điểm năm 2030. Ba mục tiêu này như sau:
- Không còn tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được;
- Không còn nhu cầu nào chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình;
- Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tất cả các mục tiêu này đều được xây dựng dựa trên cở sở của các số liệu dân số có chất lượng cao. Số liệu là một cơ sở quan trọng để chúng ta nhìn rõ những nhóm dân số nào hiện đang bị bỏ rơi lại phía sau. Cam kết "không bỏ ai lại phía sau" của chúng tôi có ý nghĩa là tất cả mọi người đều được tính đến và được tiếp cận. Chúng tôi rất vui mừng thông báo với quý vị rằng kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đang được Tổng cục thống kê phổ biến vào sáng nay. Đây là cuộc tổng điều tra được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNFPA. Đồng nghiệp của tôi, bà Astrid Bant, trưởng đại diện của UNFPA đang tham gia sự kiện quan trọng này.
Thưa quý vị đại biểu.
Tháng 11 năm nay, trong khuôn khổ của Hội nghị thượng đỉnh Nairobi do Chính phủ Kenya và Đan mạch đồng tài trợ với sự tham gia của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan/đơn vị khác có quan tâm tới vấn đề Dân số và Phát triển sau 25 năm tổ chức ICPD, UNFPA sẽ khuyến khích các cơ quan và tổ chức tham gia cam kết một cách mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành những công việc còn đang thực hiện dang dở (đây là những mục tiêu mà chương trình nghị sự của ICPD đã đề ra). Chúng ta mong muốn đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đạt được các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và trong quá trình đảm bảo việc thực hiện quyền cho tất cả mọi người dân.
Phụ nữ và trẻ em gái đang mong đợi chúng ta hoàn thành những công việc còn dang dở trong việc đảm bảo thực hiện các quyền cho mọi người dân và giúp người dân có cơ hội được đưa ra sự lựa chọn cho chính mình. Chúng ta phải tôn trọng cam kết mà chúng ta đã đưa ra, thừa nhận những thực trạng mới, giải quyết các nguy cơ mới nảy sinh và tuân thủ theo chương trình nghị sự mới.
Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ Chính phủ nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. Nhưng chúng ta không thể thực hiện được công việc này một cách đơn độc. Các Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự cần phải cùng chung tay góp sức để biến điều này thành hiện thực.
Và chúng ta cần sự tham gia tích cự hơn nữa của thanh niên và vị thành niên (bao gồm các bạn trẻ có mặt tại đây ngày hôm nay). Chúng ta vẫn thường nói "tuổi trẻ là tương lai" – nhưng liệu các bạn thanh niên đã thực sự có cơ hội được tham gia vào công cuộc xây dựng tương lai cho chính mình hay chưa?
Chúng ta cần thực hiện công tác giáo dục giới tính toàn diện cho thanh niên và vi thành niên nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và đảm bảo thực hiện các quyền sinh sản - bao gồm cả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Bằng việc cùng chung tay góp sức và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và khối xã hội dân sự trên toàn quốc cũng như trên phạm vi toàn cầu, chúng ta sẽ tạo dựng được một tương lai mà trong đó KHÔNG còn tử vong mẹ, KHÔNG còn nhu cầu nào chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình, KHÔNG có bạo lực và các hành vi gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái.
Đầu tư vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, bao gồm kế hoạch hóa gia đình ngày hôm nay chính là đầu tư cho sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu trẻ em gái, phụ nữ của các thế hệ mai sau.
Xin cám ơn sự theo dõi của quý vị và xin gửi tới toàn thể quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và chúc sự kiện ngày Dân số thế giới thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn quí vị.