Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
Bài phát biểu tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 của Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm,
Kính thưa Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh,
Thưa toàn thể quí vị đại biểu,
Tôi vô cùng vinh dự được thay mặt Nhóm phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS có mặt ở đây cùng toàn thể quí vị để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12. Lễ Mít tinh 1/12 năm nay đánh dấu một năm nữa đã qua với thêm nhiều kết quả Việt Nam đã đạt được trong đáp ứng với dịch HIV. Mít tinh diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh cũng mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn trên thế giới đang đi đầu trong việc Dồn tổng lực cho phòng chống AIDS (Fast-Track Cities).
Hưởng ứng chiến dịch toàn cầu hướng đến Ngày Thế giới phòng chống AIDS và Tháng hành động quốc gia về phòng chống AIDS năm nay, tôi kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy xét nghiệm HIV để biết tình trạng HIV của bản thân. Xét nghiệm là để được điều trị nếu cần, và nhờ đó cứu sống sinh mạng của người nhiễm HIV. Xét nghiệm và điều trị sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe, tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội, và góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì việc tham gia tư vấn và xét nghiệm HIV cũng giúp bạn tìm hiểu về dự phòng lây nhiễm HIV, cũng như có thể phát hiện các vấn đề khác về sức khỏe để điều trị nếu cần.
Trong năm 2018 vừa qua, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực nhằm mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV cũng như tiếp tục giữ vững cam kết và biến cam kết trong phòng chống HIV thành hành động hướng tới thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.
Công cuộc đáp ứng với HIV của quốc gia đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử khi Việt Nam sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ điều trị kháng HIV do bảo hiểm y tế chi trả vào tháng 1 năm 2019 tới đây. Việc cung cấp điều trị kháng HIV thông qua bảo hiểm y tế và hệ thống y tế chung sẽ tạo điều kiện cho những người đang điều trị kháng HIV dễ dàng tiếp cận cả các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV. Tôi xin được bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực to lớn trong thời gian qua để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng này từ phía Cục phòng chống HIV/AIDS, các cục vụ liên quan trong Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban chỉ đạo PC AIDS và Trung tâm kiểm soát bệnh dịch các tỉnh thành phố, các cơ sở y tế và cộng đồng người sống với HIV, cũng như sự hỗ trợ kịp thời của các đối tác phát triển cho công việc quan trọng này. Đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị đảm bảo chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe.
Năm nay, Việt Nam cũng kỷ niệm 10 năm triển khai chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Chương trình methadone của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn, và đã cho thấy rất hiệu quả trong việc làm giảm số nhiễm HIV mới trong nhóm người tiêm chích ma túy, đồng thời giúp những người tiêm chích ma túy có cuộc sống ổn định, khỏe mạnh, có thể lao động đóng góp cho gia đình và xã hội. Chương trình methadone đã và đang là một trụ cột trong đáp ứng quốc gia với HIV, tạo ra được nhiều tác động tích cực và rất ấn tượng trong việc khống chế dịch HIV. Hy vọng tới đây Việt Nam sẽ áp dụng thêm những sáng kiến mới để mở rộng hơn nữa chương trình methadone, đồng thời phối hợp các can thiệp cần thiết để đáp ứng với tình hình sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay; và bảo đảm rằng đáp ứng của chúng ta luôn lấy người dân làm trung tâm.
Cũng trong năm 2018 này, Việt Nam đã triển khai thành công nhiều sáng kiến mới và đã bắt đầu mở rộng áp dụng các cách làm mới này để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn cũng như tiếp cận được dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV. Những sáng kiến mới này bao gồm xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP), đa dạng hóa các dịch vụ điều trị methadone, cung cấp bơm kim tiêm sạch, xét nghiệm tải lượng HIV, và tăng cường nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Kính thưa toàn thể quí vị,
Quả thực, chúng ta không thể lơ là một phút giây nào khi mà chúng ta đang phải ứng phó với một loại virus rất 'khôn ngoan' và chỉ còn 2 năm nữa là tới thời hạn 2020 khi chúng ta phải hoàn thành các mục tiêu quốc gia và cam kết với quốc tế về mục tiêu 90-90-90. Chỉ khi thực hiện được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 chúng ta mới có cơ hội kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030, trong thời gian 12 năm nữa.
Trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức. Đó là số nhiễm mới HIV đang gia tăng trong một số nhóm người có nguy cơ cao; công tác dự phòng HIV – chìa khóa để kết thúc dịch AIDS vẫn còn nhiều khoảng thiếu hụt và cần được quan tâm hơn nữa; tiến trình chuyển đổi dịch vụ điều trị HIV sang nguồn BHYT và hòa nhập vào hệ thống y tế chung để trở thành một phần trong nỗ lực thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vẫn còn đang tiếp tục với những khó khăn tiềm tàng, một trong số đó là nguồn nhân lực cho việc cung cấp các dịch vụ HIV đang bị mỏng dần. Nhiều người dân thuộc các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV, bao gồm cả những người ở trong các cơ sở khép kín, vẫn còn chưa tiếp cận được đầy đủ tới các dịch vụ phòng chống HIV và vẫn tiếp tục bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Trải qua hơn 30 năm phòng chống AIDS trên toàn cầu, chúng ta biết rằng để vượt qua các thách thức này và tạo ra được những tác động tích cực, chúng ta rất cần huy động được sự cam kết mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị cũng như vai trò lãnh đạo trong đáp ứng với dịch HIV; chúng ta cũng cần đầu tư có ưu tiên, hướng tới các nhóm đích, cần tạo dựng được một môi trường chính sách pháp luật thuận lợi và các mối quan hệ đối tác vững chắc trong phòng chống HIV.
Chúng ta hãy tiếp tục giữ vững cam kết, tiếp tục biến cam kết thành hành động cụ thể trong phòng chống HIV, ở tp HCM cũng như ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, kể cả ở những địa phương hiện nay chưa phát hiện nhiều ca nhiễm HIV, để luôn kiểm soát tốt dịch và tránh dịch HIV bùng phát trở lại. Tôi tin tưởng rằng với việc đầu tư thích đáng, kịp thời bằng nguồn lực trong nước cho công tác phòng chống HIV, kết hợp với hỗ trợ của quốc tế, tiếp tục mở rộng các can thiệp có hiệu quả cao, và bảo đảm một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV, Việt Nam sẽ vững bước trên tiến trình thẳng hướng tới các mục tiêu 90-90-90 và kết thúc dịch AIDS.
Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm nay, chúng ta hãy dành chút thời gian tưởng nhớ tới những người đã mất đi cuộc sống vì AIDS, ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chúng ta hãy trân trọng những con người đã và đang ở trên tuyến đầu trong công cuộc phòng chống AIDS, những con người thuộc mọi lứa tuổi, đang nỗ lực không mệt mỏi để giúp nhiều người khỏi bị lây nhiễm HIV, tận tình cung cấp các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ, và để góp một tiếng nói, góp một bàn tay giúp giảm bớt kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Cùng nhau nỗ lực, chúng ta sẽ bảo đảm được rằng không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng chống HIV.
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã từng thúc giục chúng ta phải "cam kết 100 -100-100 phần trăm và hơn nữa, để thực hiện được mục tiêu 90-90-90". Chúng ta hãy cùng phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết là sức mạnh của người Việt, và giữ vững cam kết hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Việt Nam Vô địch!
Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ!