Sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 và lập kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2017 của Chương trình phòng chống AIDS quốc gia
Phát biểu của Giám đốc UNAIDS Việt Nam, Bà Marie-Odile Emond
Kính thưa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long,
Kính thưa các Quý vị đại biểu,
Tôi rất vinh dự được tham dự cùng các Quý vị tại cuộc họp quan trọng này, xin chân thành cảm ơn Cục phòng chống AIDS đã mời và tạo cơ hội cho tôi thay mặt các đối tác phát triển hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV, được chia sẻ với hội nghị một số ý kiến.
Cuộc sơ kết công tác phòng chống HIV diễn ra tại một thời điểm rất quan trọng. Việt Nam đã và đang giành được những tiến bộ đầy ấn tượng hướng tới hoàn thành các mục tiêu 90-90-90 và thể hiện mạnh mẽ cam kết thực hiện thành công các mục tiêu này. Ý chí quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước nhằm dồn tổng lực cho công cuộc phòng chống HIV đã được các nước trong khu vực và toàn thế giới công nhận. Điểm lại những thành tựu, xem xét các cơ hội và thách thức sẽ giúp chúng ta vượt lên phía trước để giải quyết khó khăn và lấp dần các khoảng thiếu hụt trong cung cấp dịch vụ.
Báo cáo Giám sát Dịch AIDS trên Toàn cầu của UNAIDS sẽ được công bố trong tuần tới. Báo cáo toàn cầu nhấn mạnh rằng: dịch AIDS chưa chấm dứt và vẫn còn là một dịch bệnh nghiêm trọng. Công cuộc phòng chống AIDS phải tập trung vào các can thiệp có bằng chứng thành công, tập trung vào đúng người, đúng nơi dịch đang hoành hành, đúng thời điểm với các cách làm sáng tạo, mở rộng thêm lựa chọn về dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm HIV và đưa dịch vụ thân thiện, có chất lượng tới những nơi người dân có nhu cầu cấp thiết nhất.
Một chỉ tiêu về Dồn tổng lực của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là đến năm 2020 chỉ có tối đa 90.000 ca nhiễm HIV mới, trong khi chỉ còn 2 năm rưỡi để thực hiện. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể, nhưng chiều hướng dịch theo ước tính hiện tại chỉ ra rằng sẽ vẫn còn khoảng 290.000 ca nhiễm mới vào năm 2020 tại khu vực này -hay nói cách khác, khu vực của chúng ta vẫn còn phải nỗ lực để giảm được thêm 200.000 ca nhiễm mới nữa thì mới đạt được chỉ tiêu đã đề ra. Tất cả chúng ta cần nỗ lực gấp bội để đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Tại Việt Nam, dịch HIV vẫn là một hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng. Đó chính là lý do tại sao Việt Nam là một trong các quốc gia ưu tiên về Dồn tổng lực chấm dứt AIDS (Fast Track) đối với UNAIDS cũng như PEPFAR và Quỹ Toàn Cầu. Hơn bất cứ lúc nào, các cam kết chính trị và tài chính ở tất các cấp nhằm chấm dứt dịch AIDS trở nên vô cùng cấp thiết.
Nhìn lại công việc đã làm, chúng ta cần xem xét các tác động từ những giai đoạn trước của công tác phòng chống AIDS. Một phân tích tác động mới đây của Cục phòng chống AIDS thực hiện với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đã ước tính rằng trong những năm 2001-2006, gần nửa triệu người đã tránh được không bị nhiễm HIV. Thành tựu to lớn này là do Việt Nam đã mở rộng thành công các can thiệp phòng, chống HIV từ giữa những năm 2000 cho tới hôm nay. Những nỗ lực và đầu tư cho phòng chống HIV đã được trả giá xứng đáng và cần được tiếp tục một cách phù hợp trong tình hình đầy biến động hiện nay do dịch HIV đang liên tục thay đổi, trong bối cảnh đã thí điểm và mở rộng một số can thiệp mang tính sáng tạo, nguồn nhân lực và vật lực đang có nhiều hạn chế, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tạo ra thay đổi.
Hiện nay, chúng ta đã có số liệu tốt hơn bao gồm ước tính về dịch và các khoảng thiếu hụt trong ứng phó với dịch HIV ở tuyến tỉnh. Những số liệu này cũng chỉ ra sự khác biệt về dịch và các can thiệp ở một số tỉnh thành. Do vậy cuộc họp này là một cơ hội tốt để các địa phương cùng nhau chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, và đưa ra các giải pháp tốt nhất nhằm thu hẹp các khoảng thiếu hụt trong ứng phó với HIV.
Số liệu mới nhất của Việt Nam cho thấy số lượng các ca nhiễm mới đã giảm trong nhóm mại dâm và nhóm người sử dụng ma túy, nhờ các chương trình can thiệp hiệu quả. Tuy nhiên cũng cần tập trung can thiệp trong nhóm bạn tình của những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Các can thiệp dự phòng bao gồm bao cao su, tư vấn thay đổi hành vi, bơm kim tiêm sạch và điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện vẫn có vai trò cốt yếu trong phòng chống HIV và cần được đầu tư thích đáng – Chúng ta cần tìm ra các giải pháp nhằm duy trì các nỗ lực về dự phòng, vì đây là can thiệp chủ lực nhằm giảm các ca nhiễm mới.
Mở rộng điều trị HIV tiếp tục là một ưu tiên nhằm bảo toàn sinh mạng và giảm lây truyền HIV. Với cam kết chính trị mạnh mẽ, Việt Nam đã đưa ra một quyết định rất quả cảm nhằm đảm bảo 100% người nhiễm HIV có bảo hiểm y tế và trên thực tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đầy ấn tượng nhờ huy động nhanh chóng toàn bộ hệ thống chính trị ở tất cả cấp tham gia, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV trở thành nhiệm vụ sống còn nhằm duy trì bền vững các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, đồng thời là giải pháp duy trì bền vững tài chính cho các cơ sở cung cấp dịch vụ. Đây là một quá trình chuyển đổi đầy phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải truyền thông có hiệu quả ở tất cả các cấp, cho cộng đồng và đặc biệt là đối với người đang điều trị. Một số tỉnh thành đã nỗ lực tìm các giải pháp giúp người nhiễm HIV gặp khó khăn trong tiếp cận bảo hiểm y tế do nghèo hoặc bị cách ly khỏi cuộc sống xã hội. Công việc này sẽ giúp đảm bảo rằng mọi người nhiễm HIV đều được điều trị ARV và không người dân nào bị bỏ lại phía sau. Công cuộc chuyển đổi sang sử dụng bảo hiểm y tế này được khu vực và thế giới nhìn nhận là một hướng đi rất đáng quan tâm và đầy sáng tạo. Các bài học từ cách làm này có thể hữu ích cho các quốc gia khác trong những nỗ lực lồng ghép các dịch vụ HIV và tiến tới bền vững về tài chính. Tôi rất mong muốn được cập nhật thông tin và lắng nghe các bài học kinh nghiệm và các giải pháp mà hội nghị sẽ thảo luận trong cuộc họp này. Đồng thời chúng tôi cũng rất mong muốn được biết làm thế nào để các đối tác phát triển có thể tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho công cuộc chuyển đổi này.
Một loạt các sáng kiến đổi mới đang được đưa vào và thí điểm tại Việt Nam như xét nghiệm tại cộng đồng và xét nghiệm không chuyên do cộng đồng thực hiện, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), cung cấp dịch vụ theo nhóm tình trạng bệnh, cũng đang hứa hẹn sẽ thu được kết quả tốt trong tương lai. Những sáng kiến đổi mới này chính là đòn bẩy để Việt Nam hoàn thành thắng lợi mục tiêu Dồn tổng lực chấm dứt dịch AIDS, thông qua việc mở rộng them các lựa chọn cho người dân tự phòng tránh lây nhiễm HIV, biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân, tham gia và tuân thủ điều trị ARV lâu dài. Chúng tôi mong rằng các bài học thành công sẽ được vận dụng rộng rãi nhằm tối đa hóa tác động của chương trình phòng chống HIV trong thời gian tới.
Dù phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã và đang đưa ra các giải pháp khả thi, tạo ra niềm hy vọng mới và giúp chúng ta tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ để hoàn thành được các mục tiêu quốc gia. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm nguồn viện trợ nước ngoài cắt giảm, công cuộc chuyển đổi đang diễn ra gian nan phức tạp, việc điều phối có hiệu quả và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của các can thiệp vẫn là công việc thiết yếu nhằm tối đa hóa các nguồn nhân lực và tài lực quý giá tại tất cả các cấp.
Cam kết chính trị và nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phòng chống HIV còn thể hiện qua việc Quốc hội và Chính phủ lên kế hoạch xem xét, sửa đổi khung pháp lý và chính sách phòng chống HIV để phù hợp với tình hình mới nhằm thể chế hóa các cách tiếp cận mới, có hiệu quả, cụ thể là xem xét, sửa đổi Luật phòng chống HIV, Luật phòng chống Ma túy và Pháp lệnh phòng chống Mại dâm. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các nguồn lực ở tuyến trung ương, tỉnh/thành phố và quận huyện cho phòng chống HIV.
Các đối tác phát triển cam kết tiếp tục hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Việt Nam, tập trung vào công tác điều phối, lập kế hoạch và báo cáo một cách có hiệu quả dưới sự điều hành của Cục phòng chống HIV, qui tụ các đối tác cùng tập trung hướng về một kế hoạch tại cấp quốc gia cũng như ở tuyến tỉnh/thành phố. Dự kiến các nguồn lực phòng chống AIDS sẽ dần dần gia tăng từ nguồn ngân sách quốc gia, kể cả từ nguồn bảo hiểm y tế, do vậy yếu tố quyết định là phải đảm bảo được tính hiệu quả thông qua việc giảm các đầu tư manh mún, nhỏ lẻ và tối đa hóa việc sử dụng các nguồn lực đang có từ các dự án để hỗ trợ cho ứng phó quốc gia. Các điều kiện để sử dụng kinh phí viện trợ cũng trở nên nghiêm ngặt hơn. Ví dụ Việt Nam có thể mất các khoản chưa chi tiêu trong dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và Sốt rét. Nếu chúng ta không điều phối tốt để tối đa hóa tác động của các can thiệp, chúng ta có thể sẽ không giải quyết được khoảng thiếu hụt trong cung cấp dịch vụ phòng chống HIV, và có nguy cơ mất đi một số thành tựu đã đạt được. Hậu quả có thể là chúng ta sẽ không thể hoàn thành được các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu quốc gia về can thiệp giảm hại. Không hoàn thành được các mục tiêu đã đặt ra có nghĩa là tới đây, ứng phó với HIV sẽ càng trở nên phức tạp hơn và hao tốn tiền của hơn rất nhiều. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe từ các Quý vị đại biểu cách làm thế nào để chúng ta phối hợp hành động tốt hơn, sao cho công tác điều phối có hiệu quả hơn nữa ở tuyến tỉnh/thành phố và tuyến trung ương.
Các đối tác phát triển chúng tôi rất vinh dự và tự hào được đóng góp vào những thành tựu đã đạt được của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của quốc gia, cùng nhau hợp tác hành động, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu 90-90-90. Chúng tôi một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc phòng chống HIV của quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng hướng dẫn kĩ thuật, xây dựng chính sách, thông tin chiến lược, các phương pháp mới, xây dựng năng lực, làm việc với cộng đồng và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của ứng phó thông qua điều phối có hiệu quả.
Chúng ta hãy cùng nhau chú trọng vào việc tìm ra các giải pháp khả thi và bền vững – từ việc lập kế hoạch đến cung cấp dịch vụ, từ dự phòng lây nhiễm HIV đến tuân thủ điều trị ARV và khống chế tải lượng vi-rút.
Chúng tôi mong muốn được lắng nghe những thông tin cập nhật và thảo luận cùng các Quý vị đại biểu, đặc biệt đại biểu từ các tỉnh, thành phố - những người đang ở tuyến đầu đảm nhận việc cung cấp dịch vụ cho người dân đang cần đến các dịch vụ này.
Xin trân trọng cám ơn!